Virus viêm gan D: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán

Viêm gan D là bệnh lý do virus viêm gan D gây ra. Bệnh thường tiến triển dưới dạng đồng nhiễm, tức là người bệnh sẽ nhiễm virus viêm gan D và B cùng một lúc. Virus viêm gan D là một trong số những loại virus có khả năng gây viêm gan, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng hoạt động của gan.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1.Virus viêm gan D là gì?

Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1977, virus viêm gan D - còn gọi là Hepatitis D virus (HDV), là một loại virus có bộ gen ARN. Cấu trúc HDV không liên quan với các virus viêm gan khác như virus viêm gan B (HBV), virus viêm gan A (HAV) và virus viêm gan C (HCV).

HDV cần đến sự hỗ trợ của protein bề mặt HBsAg của virus viêm gan B để nhân bản và lây nhiễm sang các tế bào gan khác, tạo nên tình trạng nhiễm virus kết hợp trong cơ thể người bệnh. Diễn biến lâm sàng của người bệnh rất đa dạng, có thể phát triển từ viêm gan cấp tính đến tự giới hạn cấp, nặng hơn là suy gan tối cấp. Viêm gan D mạn tính có thể nhanh chóng dẫn đến các bệnh lý gan giai đoạn cuối và các biến chứng liên quan nghiêm trọng khác.

2. Nguyên nhân mắc phải bệnh viêm gan D là gì?

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc mắc phải bệnh viêm gan D, bao gồm:

  • Lây truyền qua đường máu: Virus HDV có thể lây từ người này sang người khác qua đường máu, bao gồm tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể khác như nước tiểu, tinh dịch và dịch âm đạo từ người đã bị nhiễm bệnh.
  • Truyền máu từ người bị nhiễm HDV: Nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu nhận máu từ người đã bị nhiễm virus viêm gan D.
  • Sử dụng chung kim tiêm: Việc tiêm chích ma túy và sử dụng chung kim tiêm là một trong những nguyên nhân chính gây nhiễm HDV.
  • Quan hệ tình dục không an toàn: Đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam cũng là một con đường lây nhiễm HDV.

Virus viêm gan D chỉ có thể nhiễm vào cơ thể khi người bệnh đã bị nhiễm virus viêm gan B. Khoảng 5% người bệnh mắc phải viêm gan B sau đó có thể bị nhiễm thêm viêm gan D. 


Mắc viêm gan B làm gia tăng nguy cơ mắc thêm viêm gan D.
Mắc viêm gan B làm gia tăng nguy cơ mắc thêm viêm gan D.

3. Phân loại Viêm gan D

3.1 Viêm gan D cấp tính

Viêm gan D cấp tính là tình trạng nhiễm trùng gan ngắn hạn, thường diễn ra đồng nhiễm với viêm gan B. Bệnh có các triệu chứng không kéo dài quá 6 tháng. Trong hầu hết các trường hợp, viêm gan D cấp tính có thể được điều trị khỏi hoàn toàn, thậm chí một số bệnh nhân có thể tự phục hồi mà không cần sử dụng thuốc. Các triệu chứng bệnh thường chỉ tạm thời và không gây ra tổn thương vĩnh viễn cho gan.

3.2 Viêm gan D mạn tính

Viêm gan D mạn tính thường gặp ở những người đã mắc viêm gan B mạn tính. Tình trạng này kéo dài hơn 6 tháng và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác của gan như xơ gan, ung thư gan,... Người cao tuổi hoặc những người không có kháng thể chống lại virus viêm gan B và D có nguy cơ cao tiến triển sang giai đoạn mạn tính của bệnh.

4. Chẩn đoán bệnh viêm gan D như thế nào?

4.1 Các triệu chứng điển hình

Việc chẩn đoán viêm gan D có thể khó khăn do triệu chứng của bệnh không đặc thù và khó phân biệt với các dạng viêm gan khác do virus. Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan D (HDV) kéo dài từ 21 đến 45 ngày. Tuy nhiên, thời gian này có thể ngắn hơn nếu người bệnh cũng bị nhiễm virus viêm gan B (HBV).

Trong thời gian ủ bệnh, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng như sau:

  • Nước tiểu sẫm màu.
  • Đau bụng thường xuyên.
  • Vàng da.
  • Cảm giác buồn nôn hoặc nôn.
  • Cơ thể xuất hiện các vết bầm tím hoặc chảy máu (tuy hiếm).
  • Cảm giác ngứa ngáy.

Khi bệnh bắt đầu bùng phát, các dấu hiệu sau có thể rõ ràng hơn:

  • Sốt cao.
  • Vàng da.
  • Đau bụng, đặc biệt là ở góc phải của thượng vị.
  • Nước tiểu có màu sẫm.
  • Các vấn đề liên quan đến não (rất hiếm).

Ngoài ra, việc chẩn đoán cần loại trừ các bệnh lý sau, vì chúng cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự:

  • Viêm gan do thuốc.
  • Ngộ độc Acetaminophen.
  • Gan nhiễm mỡ trong thai kỳ.
  • Tổn thương gan do thiếu máu cục bộ.
  • Chít hẹp ống mật quá mức.
  • Hội chứng HELLP, gồm tăng men gan, tan huyết, và tiểu cấp thấp xảy ra do ngộ độc thai nghén.
  • Tắc nghẽn đường mật.
  • Nhiễm độc gan do Isoniazid. 

Cần phân biệt giữa viêm gan D và các bệnh lý về gan khác.
Cần phân biệt giữa viêm gan D và các bệnh lý về gan khác.

4.2 Những xét nghiệm cần thiết

Để chẩn đoán chính xác tình trạng đồng nhiễm HBV và HDV, các bác sĩ thường chỉ định một số xét nghiệm huyết thanh sau đây:

  • Xét nghiệm kháng nguyên HDVAg: Kết quả xác nhận dương tính với kháng nguyên HDVAg khoảng 20%.
  • Xét nghiệm HDV-RNA: Phương pháp phản ứng chuỗi polymerase cho phép sao chép ngược RT-PCR hiện nay là xét nghiệm phát hiện HDV trong máu được đánh giá nhạy nhất. Đa số trường hợp dương tính với HDV-RNA thường đã bị nhiễm HDV.
  • Kháng thể Anti-HDV Immunoglobulin M (IgM) và G (IgG): Kháng thể IgM thường cho kết quả dương tính trong giai đoạn cấp tính của bệnh. Trong khi đó, kháng thể IgG dương tính cho thấy giai đoạn nhiễm HDV mạn tính.
  • Kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B (HBsAg): Việc kiểm tra HBsAg là cần thiết để đánh giá khả năng nhân lên của HDV trong cơ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hoạt động nhân lên của HDV có thể bị kìm hãm đến mức khó có thể phát hiện.

5. Phương pháp điều trị HDV

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus viêm gan D (HDV) thường áp dụng các loại thuốc khác nhau. Một trong những phương pháp điều trị hiệu quả là sử dụng Pegylated interferon alpha. Thuốc này giúp giảm số lượng virus trong cơ thể và tác động của bệnh lên chức năng gan trong thời gian sử dụng thuốc.  

Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc sẽ giảm đi nếu ngừng sử dụng. Theo thống kê, tỷ lệ thành công của điều trị bằng Pegylated interferon thường không vượt quá 20%. 


Bệnh nhân mắc viêm gan D có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc.
Bệnh nhân mắc viêm gan D có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc.

Ngoài ra, Myrcludex B là một loại thuốc đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, có khả năng ức chế sự xâm nhập của virus vào tế bào gan.

6. Phòng ngừa nhiễm virus HDV

Hiện nay, phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa viêm gan D là tiêm vắc xin phòng viêm gan B (HBV). Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm HDV, người đọc có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Tiêm chủng: Thực hiện tiêm chủng cho trẻ em và nhóm người trưởng thành có nguy cơ cao bị lây nhiễm HDV (người sử dụng ma túy và sử dụng chung kim tiêm).
  • Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su trong mọi lần quan hệ tình dục để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
  • An toàn khi xăm hình và xỏ khuyên: Chỉ lựa chọn những cơ sở có uy tín, đảm bảo nhân viên thực hiện vệ sinh, làm sạch và tiệt trùng dụng cụ trước khi sử dụng. 
Hiện nay, phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa viêm gan D do virus HDV gây ra là tiêm vắc xin phòng viêm gan B (HBV).
Hiện nay, phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa viêm gan D do virus HDV gây ra là tiêm vắc xin phòng viêm gan B (HBV).

Viêm gan D là một tình trạng viêm gan do nhiễm trùng virus. Đa số người lớn nhiễm viêm gan D có thể hồi phục hoàn toàn nếu sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, kể cả khi có triệu chứng nặng. Nếu bản thân đang gặp các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh, hãy đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe