Virus cytomegalovirus (cmv) và thai kỳ

Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times city

CMV là loại thường gặp nhất trong các virus gây dị tật bẩm sinh chiếm 0.2-2.2% tổng số trẻ sinh sống và là nguyên nhân hàng đầu gây khiếm thính thần kinh. Có khoảng 10-15% trẻ nhiễm CMV bẩm sinh có biểu hiện triệu chứng lúc sinh và 25% trẻ chịu những ảnh hưởng dài hạn do nhiễm CMV.

1. Các dạng nhiễm CMV trong thai kỳ

Nhiễm CMV trong thai kỳ có 3 dạng:

  • Sơ nhiễm (nhiễm lần đầu) hoặc
  • Virus tái hoạt động do từng nhiễm trước đó hoặc
  • Tái nhiễm 1 chủng khác của virus.

Thai nhi nhiễm CMV từ mẹ vì virus có thể qua bánh nhau, chủ yếu là sau sơ nhiễm hơn là tái nhiễm. Nếu bà mẹ mang thai sơ nhiễm CMV trong thai kỳ, nguy cơ trẻ mắc CMV bẩm sinh 30-40%, tỷ lệ này chỉ 1-2% nếu mẹ tái nhiễm.

Nguy cơ nhiễm CMV bẩm sinh thay đổi theo thời điểm mẹ nhiễm trong thai kỳ:

  • 0-10% nếu mẹ có nhiễm trước khi có thai
  • Khoảng 25-30% quanh thời điểm thụ thai và trong tam cá nguyệt đầu
  • 45% trong tam cá nguyệt 2
  • 47% trong tam cá nguyệt thứ 3.

Tỷ lệ lây truyền CMV thấp trong giai đoạn đầu thai kỳ nhưng tỷ lệ mức độ nặng lại cao hơn khi nhiễm trong giai đoạn này. Theo đó những ảnh hưởng dài hạn cho trẻ cũng nghiêm trọng hơn khi nhiễm CMV trong quý I thai kỳ. Nguy cơ thai nhi mắc các triệu chứng nặng tùy theo giai đoạn nhiễm: 70% nếu nhiễm quanh thời điểm thụ thai, 20% quí I, 5% quý II và nguy cơ thấp không đáng kể nhiễm trước có thai và quý III


Nguy cơ nhiễm CMV bẩm sinh thay đổi theo thời điểm mẹ nhiễm trong thai kỳ
Nguy cơ nhiễm CMV bẩm sinh thay đổi theo thời điểm mẹ nhiễm trong thai kỳ

Phần lớn các trường hợp nhiễm CMV trong thai kỳ không có triệu chứng. Một số ít biểu hiện triệu chứng: sốt, mệt mỏi, đau cơ, hạch cổ và ít gặp hơn là viêm ganviêm phổi...

Cũng giống những loại virus herpes khác, CMV có thể tồn tại suốt đời tại các vị trí chuyên biệt chủ yếu tuyến nước bọt và có thể tái hoạt động bất cứ lúc nào kể cả trong thai kỳ.

2. Chẩn đoán CMV cho mẹ và thai nhi

2.1 Chẩn đoán CMV cho mẹ nhiễm

Chẩn đoán sơ nhiễm trong thai kỳ:

  • Xuất hiện kháng thể IgG CMV (+) khi trước đó âm tính hoặc
  • Có kháng thể IgM (+) và IgG (+) ái lực thấp
  • Nếu không phải dạng sơ nhiễm có thể không cần xét nghiệm huyết thanh
  • Đối với virus khác như rubella sự hiện diện của IgM thường để chẩn đoán sơ nhiễm hoặc mới nhiễm nhưng CMV thì không giống như vậy. Nguyên do:
  • IgM CMV có thể tồn tại nhiều tháng sau sơ nhiễm
  • IgM có thể được phát hiện ngay khi tái nhiễm
  • Có thể có phản ứng chéo IgM do nhiễm virus khác như virus Epstein Barr virus
  • IgM cũng có thể được kích ứng bởi các chủng virus không đặc hiệu

Vì vậy để xét nghiệm cần IgG đặc hiệu cùng IgM

  • Để xác định thời điểm nhiễm CMV (trước hay trong thai kỳ) cần xét nghiệm ái lực IgG.
  • Nếu chỉ số ái lực thấp (<30%) mang ý nghĩa mới nhiễm gần đây (trong vòng 3 tháng)
  • Nếu chỉ số ái lực cao (>60%) nghĩa là đã nhiễm trong thời gian > 3 tháng hoặc tái nhiễm

Chẩn đoán không phải sơ nhiễm CMV thường khó khăn, sự gia tăng IgG không thể khẳng định tái nhiễm. Trong thực hành chỉ cần xác định tái nhiễm và truyền cho thai qua phân tích CMV-PCR dịch ối.


Xét nghiệm IgG đặc hiệu cùng IgM để chẩn đoán CMV cho mẹ và bé
Xét nghiệm IgG đặc hiệu cùng IgM để chẩn đoán CMV cho mẹ và bé

2.2 Chẩn đoán CMV cho thai

Chẩn đoán thai nhiễm CMV cần thực hiện PCR dịch ối tìm CMV DNA. Thời điểm chọc ối ít nhất 8 tuần sau thời điểm ước đoán mẹ nhiễm CMV và thai >20 tuần.

Yếu tố nguy cơ âm tính giả lưu ý nhất là khoảng thời gian từ lúc mẹ nhiễm đến lúc chọc ối <8 tuần và thai <18 tuần

3. Tiên lượng và quản lý thai nhiễm CMV như thế nào?

Tiên lượng kết cục thai kỳ và dự hậu xấu bao gồm: thời điểm nhiễm CMV, bất thường ở thai và phân nhóm nhiễm CMV. CMV có thể phân thành 3 nhóm sau:

Nhiễm CMV không triệu chứng: là nhóm không có bất thường trên siêu âm, MRI não bình thường, các chỉ số sinh học bình thường, đặc biệt tiểu cầu bình thường. Nhóm này nhìn chung tiên lượng tốt

Nhóm có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình: có bất thường chỉ số sinh học đơn độc (trên xét nghiệm máu thai nhi), không có bất thường não trên siêu âm hoặc bất thường đơn lẻ trên siêu âm như phản âm dày ở ruột, giãn nhẹ não thất bên hoặc calci hóa đơn độc. Tiên lượng nhóm này không rõ ràng cần theo dõi them bằng siêu âm và có thể MRI. Các phương pháp điều trị kháng virus vẫn đang được đánh giá tuy nhiên ứng dụng còn đang được nghiên cứu. Có thể thảo luận phương án chấm dứt thai kỳ

Nhóm triệu chứng nặng: ghi nhận các bất thường não nặng trên siêu âm: tật đầu nhỏ, giãn não thất rộng, bất thường chất trắng và tạo khoang, xuất huyết nội sọ, chậm phát triển vỏ não liên quan đến giảm tiểu cầu. Tiên lượng nhóm này xấu và có thể tư vấn chấm dứt thai kỳ.


Tiên lượng nhóm nhiễm CMV tiến triển xấu có thể đưa ra phương án chấm dứt thai kỳ
Tiên lượng nhóm nhiễm CMV tiến triển xấu có thể đưa ra phương án chấm dứt thai kỳ

Quản lý thai nhiễm CMV

  • Do chưa có các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng, điều trị nhiễm CMV bẳng valaciclovir liều cao chỉ nên sử dụng trong nghiên cứu
  • Hiện nay chưa có vaccine dự phòng CMV
  • Chiến lược giảm nguy cơ nhiễm trùng la thay đổi hành vi nhằm làm giảm tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc nước tiểu của trẻ nhỏ có nhiễm CMV
  • Dự phòng nhiễm bằng tránh dùng đồ chung, ăn chung hoặc uống chung

Để bảo vệ sức khỏe thai phụ và bé trong suốt thai kỳ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:

  • Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao
  • Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
  • Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
  • Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe