Viêm trợt hang vị dạ dày là một tình trạng phổ biến, thường gặp ở người điều trị viêm hang vị không đúng cách hoặc người bệnh đau dạ dày mạn tính. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Tổng quan về viêm trợt hang vị dạ dày
Viêm trợt hang vị dạ dày là hiện tượng niêm mạc hang vị dạ dày xuất hiện các vết xước nhẹ (hay gọi là trợt) bị viêm, giống như các vết xước ở trên da khi va quẹt mạnh vào vật cứng.
Viêm trợt hang vị dạ dày kết hợp với xét nghiệm HP dương tính có thể dẫn đến tình trạng sụt cân ở người bệnh.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm buồn nôn, nôn mửa, cảm giác đau ở vùng thượng vị, trên rốn, có lúc đau dữ dội, có lúc âm ỉ. Ban đầu, người bệnh thường cảm thấy đau sau khi ăn và đau nhiều hơn vào ban đêm khi so với ban ngày.
Đây là tình trạng phổ biến, đặc biệt ở những người không điều trị viêm hang vị hoặc những bệnh nhân mắc bệnh đau dạ dày mạn tính. Viêm trợt hang vị dạ dày được phân loại như sau:
1.1 Viêm trợt lồi
Những vết trầy xước hình thành do quá trình cọ xát của thức ăn tại các vị trí lồi ra của niêm mạc dạ dày. Vì niêm mạc bị lồi ra nên rất dễ bị tróc và khi tiếp xúc nhiều với thức ăn, các vết xước sẽ ngày càng lớn, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn từ thức ăn. Thêm vào đó, dịch vị dạ dày chứa axit sẽ gây tổn thương cho lớp niêm mạc này. Theo thời gian, các vết trợt sẽ lan rộng và dẫn đến viêm loét nặng.
1.2 Viêm trợt phẳng
Khác với viêm trợt lồi, viêm trợt phẳng xảy ra ở những vị trí ít tiếp xúc với thức ăn. Do đó, loại viêm trợt này thường phẳng và nông.
Ở giai đoạn đầu, tổn thương chỉ ở mức độ nhẹ và dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ dần trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Khi người bệnh phát hiện ra, viêm trợt thường đã ở giai đoạn nặng, gây nhiều khó khăn cho quá trình điều trị.
1.3 Viêm trợt xung huyết
Đây là một dạng viêm trợt kết hợp giữa các vết xước và tình trạng viêm nhiễm, dẫn đến niêm mạc dạ dày bị xung huyết. Viêm nhiễm gây ra nhiều triệu chứng như sưng tấy, đau đớn, nóng đỏ và giãn mạch máu. Kết quả là mạch máu dưới lớp niêm mạc có khả năng bị vỡ, dẫn đến tình trạng máu chảy vào trong lòng dạ dày.
2. Nguyên nhân gây viêm trợt dạ dày
Tình trạng viêm trợt dạ dày xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng thường là kết quả của quá trình kết hợp nhiều yếu tố cộng hưởng. Dưới đây là một số yếu tố cụ thể:
- Thường xuyên sử dụng rượu và bia.
- Sử dụng các loại thực phẩm không vệ sinh dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
- Nhiễm khuẩn HP.
- Tiếp xúc với khói thuốc lá, bao gồm cả hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc từ người khác.
- Sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) quá mức dẫn đến tác dụng phụ.
- Uống nhiều cà phê và trà đậm.
- Căng thẳng trong thời gian dài.
- Thường xuyên ăn các thực phẩm cay nóng và đồ chua.
3. Các triệu chứng của viêm trợt hang vị dạ dày
Các triệu chứng của viêm trợt hang vị dạ dày bao gồm:
- Đau vùng thượng vị: Đau ở phía trên rốn, thường xuất hiện khi thời tiết trở lạnh. Cơn đau thường âm ỉ hoặc dữ đội tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Chứng ợ chua và ợ hơi: Kết quả của quá trình tăng tiết axit trong dạ dày, đồng thời chức năng tiêu hóa của dạ dày bị suy giảm, khiến thức ăn dễ bị đọng lại và lên men.
- Buồn nôn và nôn: Phát sinh từ các cơn ợ hơi liên tục và quá trình tiết dịch vị quá mức, gây cảm giác không thoải mái cho người bệnh.
- Sút cân: Kém hấp thu dinh dưỡng do chức năng tiêu hóa giảm sút làm người bệnh chán ăn, mệt mỏi, dẫn đến sụt cân.
Tuy nhiên, không chỉ riêng viêm trợt hang vị dạ dày, một số bệnh lý tiêu hóa khác cũng có thể xuất hiện các triệu chứng tương tự. Do đó, để tránh nhầm lẫn, người bệnh nên đi thăm khám để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị phù hợp.
4. Viêm trợt hang vị dạ dày có biến chứng thành ung thư không?
Viêm trợt hang vị dạ dày có nguy cơ tiến triển thành ung thư dạ dày, một biến chứng nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao. Theo thời gian, các vết viêm loét có thể biến chứng thành ác tính, dẫn đến hình thành khối u. Ung thư dạ dày thường phát hiện ở giai đoạn muộn nên khả năng điều trị thành công rất thấp.
5. Các phương án điều trị
5.1 Dùng thuốc
Phương pháp chính để điều trị viêm trợt dạ dày là sử dụng thuốc. Tùy vào nguyên nhân và triệu chứng của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc khác nhau, bao gồm:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là nhóm thuốc giúp giảm tiết axit dịch vị dạ dày.
- Thuốc kháng sinh đóng vai trò quan trọng trong điều trị trợt hang vị dạ dày do nhiễm khuẩn. Loại thuốc này thường được kết hợp với các loại thuốc khác để mang lại hiệu quả tối ưu trong việc giảm triệu chứng và thúc đẩy quá trình hồi phục.
- Thuốc ức chế thụ thể Histamine H2 hoạt động bằng cách ức chế các tế bào viêm giúp giảm tiết axit. Trong một số trường hợp, thuốc có thể thay thế cho thuốc ức chế bơm proton.
- Thuốc kháng axit: Thuốc có tác dụng kháng axit trong dạ dày, từ đó bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tổn thương. Thuốc thường mang lại hiệu quả nhanh chóng và kiểm soát tốt các triệu chứng khó chịu do dư thừa axit gây ra.
Mỗi người có tình trạng sức khỏe và cơ địa riêng biệt, do đó, quá trình sử dụng các loại thuốc cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc hoặc sử dụng theo đơn thuốc của người khác để tránh tình trạng bệnh trở nặng hơn do tác động phụ của thuốc.
5.2 Can thiệp ngoại khoa
Nếu phát sinh bất kỳ biến chứng nào, người bệnh cần được can thiệp bằng phẫu thuật càng sớm càng tốt để xử lý kịp thời, đặc biệt là trong các trường hợp nghiêm trọng như thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa và hẹp môn vị.
Người bệnh cần lưu ý, phẫu thuật chỉ được xem xét trong các trường hợp thật sự cần thiết vì phương pháp này có thể gây ra nhiều biến chứng sau phẫu thuật như rối loạn chức năng của dạ dày, nhiễm trùng và hình thành sẹo.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.