Viêm tiết niệu có quan hệ được không và những điều cần lưu ý để đảm bảo an toàn khi quan hệ là gì là vấn đề được nhiều người quan tâm, do viêm đường tiết niệu là một bệnh lý phổ biến, đặc biệt thường xảy ra ở phụ nữ. Bệnh gây ra cảm giác đau đớn và không thoải mái, gây mất hứng thú khi quan hệ tình dục cho người bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan bệnh viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu hay còn gọi là nhiễm khuẩn tiết niệu là tình trạng mà vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm ở bất kỳ phần nào của đường tiết niệu. Viêm đường tiết niệu thường xảy ra ở phụ nữ do đường tiểu ngắn và gần hơn với hậu môn so với nam giới.
Các triệu chứng thường gặp của viêm đường tiết niệu bao gồm:
- Cảm giác buồn tiểu liên tục.
- Cảm giác đau rát khi tiểu.
- Đau ở vùng chậu.
- Nước tiểu có màu và xuất hiện mùi khác thường.
2. Bệnh nhân viêm tiết niệu có quan hệ được không?
Bệnh nhân vẫn có thể quan hệ tình dục khi đang mắc viêm nhiễm đường tiết niệu. Tuy nhiên, người bệnh sẽ cảm thấy không thoải mái do đau rát và ngứa ngáy.
Bên cạnh đó, hoạt động tình dục trong thời điểm này có thể dẫn đến nguy cơ lây lan cho bạn tình. Đó là lý do tại sao các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên trì hoãn quan hệ tình dục cho đến khi hoàn tất quá trình điều trị.
3. Những rủi ro cần biết khi quan hệ tình dục trong quá trình điều trị viêm đường tiết niệu
3.1. Nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn mới tăng lên
Vi khuẩn E.Coli chiếm khoảng 90% trường hợp nhiễm trùng đường tiểu. Đây là loại vi khuẩn thường sinh sống chủ yếu trong ruột già và phân của con người. Vi khuẩn này có khả năng di chuyển từ hậu môn vào đường tiết niệu, gây ra viêm nhiễm.
Khi người bị nhiễm trùng đường tiểu thực hiện quan hệ tình dục, vi khuẩn E.Coli có thể xâm nhập sâu hơn, tấn công vào cơ quan sinh dục và có thể lây cho nửa còn lại, thậm chí gây tổn thương nghiêm trọng đến cơ quan sinh sản, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Tình trạng này có thể dẫn đến nguy cơ tái nhiễm hoặc tạo ra một nguồn vi khuẩn mới, làm tăng thời gian phục hồi và có khả năng tái phát nhiễm trùng.
3.2. Tăng nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình
Một trong những vấn đề quan trọng liên quan đến viêm tiết niệu có quan hệ được không là nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình. Viêm tiết niệu không phải là bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục (STI) nhưng người mắc phải vẫn có thể lây lan vi khuẩn gây bệnh cho nửa còn lại của mình.
Đặc biệt, trong một số trường hợp, nhiễm trùng đường tiểu có thể phát sinh từ các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục như giang mai, sùi mào gà sinh dục, Herpes sinh dục... Các vi khuẩn và virus gây bệnh như chlamydia, trichomonas, nấm Candida, trùng roi âm đạo... có thể lan truyền một cách nhanh chóng.
Tại đây, các loại virus, vi khuẩn và nấm thường khó để tiêu diệt hoàn toàn, thậm chí có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của người mắc bệnh.
3.3. Gây ra cảm giác đau đớn và trầm trọng thêm các triệu chứng khác
Khi bị nhiễm trùng tiểu, các mô trong đường tiết niệu trở nên nhạy cảm và dễ bị kích ứng hơn, vì vậy, ngay cả những áp lực nhỏ trong quá trình quan hệ tình dục qua âm đạo cũng có thể gây ra cảm giác đau đớn.
Đối với nam giới, nhiễm trùng tiểu cũng làm cho lỗ niệu đạo bên ngoài (hay còn được gọi là lỗ sáo) bị kích ứng. Trong khi quan hệ tình dục, dương vật có thể trở nên đau rát và khó chịu, làm tăng thêm sự nghiêm trọng của các triệu chứng viêm nhiễm.
Ngoài ra, trong trường hợp quan hệ tình dục qua đường miệng, vi khuẩn từ cơ quan sinh dục có thể lan sang miệng và dẫn đến các nhiễm trùng thứ cấp.
Bởi vì có nhiều rủi ro như vậy, khi gặp thắc mắc liệu mắc viêm tiết niệu có quan hệ được không, các bác sĩ thường khuyên nên tránh quan hệ tình dục trong thời gian mắc bệnh để bảo vệ bản thân và nửa còn lại tốt hơn.
4. Sau bao lâu thì nên quan hệ và mang thai khi bị viêm đường tiết niệu?
Sau khi xác định được viêm tiết niệu có quan hệ được không, một câu hỏi phổ biến khác được quan tâm đến là thời điểm an toàn để quan hệ và có thai sau khi bị viêm đường tiết niệu.
Việc quan hệ tình dục chỉ nên được thực hiện khi bác sĩ xác nhận rằng tình trạng sức khỏe đã hoàn toàn ổn định, không còn phát hiện vi khuẩn và các triệu chứng của bệnh. Thời gian quan hệ trở lại bình thường có thể lâu hay nhanh phụ thuộc vào cơ địa cá nhân, tình trạng bệnh lý, sự phát triển của bệnh và hiệu quả của phác đồ điều trị.
Về việc mang thai, tốt nhất là tránh thụ thai ngay sau khi bị viêm nhiễm. Cả nam và nữ nên chăm sóc sức khỏe, duy trì lối sống lành mạnh và tích cực. Việc thụ thai nên được trì hoãn ít nhất một tháng sau khi cơ thể đã hoàn toàn khỏe mạnh, không còn viêm nhiễm.
5. Những lưu ý để đảm bảo an toàn nếu quan hệ khi đang bị viêm đường tiết niệu
5.1. Đi tiểu trước và sau khi quan hệ
Việc đẩy hết nước tiểu ra khỏi bàng quang không chỉ giữ cho hệ tiết niệu luôn thông thoáng, ngăn chặn sự tích tụ của chất độc gây hại, mà còn có thể bảo vệ bản thân khỏi viêm đường tiểu hiệu quả bằng cách rửa trôi vi khuẩn gây hại. Vì vậy, trước và sau khi quan hệ tình dục, việc đi tiểu sạch là điều rất quan trọng.
5.2. Chú ý đến các triệu chứng của bản thân
Để bảo vệ sức khỏe của mình, bệnh nhân cần hạn chế việc thực hiện quan hệ tình dục trong thời gian mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu quyết định quan hệ, người bệnh cũng cần lắng nghe cơ thể và cẩn thận với mọi dấu hiệu.
Ngay khi cảm nhận các dấu hiệu không bình thường như cảm thấy mệt mỏi đột ngột, đau đớn tăng cao hoặc giảm ham muốn,... hãy ngừng quan hệ và nghỉ ngơi.
5.3. Vệ sinh sạch sẽ vùng kín sau khi quan hệ
Một điểm cần đặc biệt quan tâm khi nói đến vấn đề viêm tiết niệu có quan hệ được không chính là vệ sinh vùng kín. Vi khuẩn gây viêm đường tiểu có thể lây lan từ đường tiết niệu sang cơ quan sinh dục.
Vì vậy, sau quan hệ tình dục, việc vệ sinh vùng kín là rất quan trọng, bệnh nhân nên sử dụng dung dịch dành riêng cho khu vực nhạy cảm để làm sạch kỹ. Đặc biệt, hãy tuân thủ nguyên tắc lau từ phía trước ra phía sau để ngăn chặn vi khuẩn từ hậu môn lây lan lên.
Nếu sử dụng bao cao su, hãy cẩn thận tháo và vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chạm vào bất kỳ phần nào khác trên cơ thể.
5.4. Không đổi nhiều tư thế khi quan hệ
Để ngăn chặn vi khuẩn từ đường tiết niệu di chuyển sang các khu vực khác trên cơ thể, việc quan hệ tình dục cần hạn chế việc thay đổi quá nhiều tư thế. Tránh thực hiện đồng thời nhiều tư thế như quan hệ qua âm đạo, hậu môn, sử dụng tay và miệng…
5.5. Sử dụng men vi sinh
Các kết quả thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng việc sử dụng các sản phẩm sinh học có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
Do đó, người bệnh có thể tăng cường việc tiêu thụ các loại men vi sinh Probiotic hoặc các thực phẩm chứa Probiotic như sữa chua, sữa chua uống, hoặc men sống... để bảo vệ bản thân khi có quan hệ tình dục trong tình trạng viêm đường tiểu.
5.6. Uống nhiều nước mỗi ngày
Lời khuyên này không chỉ giúp người bệnh làm loãng nồng độ chất độc trong nước tiểu, duy trì sức khỏe của bàng quang mà còn giúp vệ sinh đường tiểu hiệu quả. Do đó, việc tiêu thụ nhiều nước cũng sẽ giảm nguy cơ viêm đường tiết niệu khi quan hệ tình dục.
6. Những trường hợp cần đến bác sĩ
Hãy lưu ý các biểu hiện của cơ thể và nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa nếu bệnh nhân gặp bất kỳ triệu chứng sau đây:
- Chảy máu khi đi tiểu.
- Đau lưng hoặc đau bụng dữ dội.
- Chuột rút, đau vùng chậu.
- Phát hiện dịch tiết không bình thường từ cơ quan sinh dục.
- Sốt, buồn nôn, nôn hoặc cảm giác lạnh lẽo...
- Đau sau quan hệ tình dục.
Viêm đường tiết niệu gây hưởng tiêu cực đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, đồng thời tạo ra nỗi lo về vấn đề viêm tiết niệu có quan hệ được không. Vì thế, người bệnh nên thăm khám và điều trị bệnh kịp thời.
Ngoài ra, nếu sau khi hoàn tất liệu trình điều trị mà các triệu chứng vẫn không giảm, người bệnh cũng nên hẹn tái khám với bác sĩ để được kiểm tra và đề phòng nguy cơ nhiễm một loại bệnh khác có triệu chứng tương tự.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.