Viêm thượng nhĩ là 1 dạng của viêm tai giữa, bệnh không có các biểu hiện lâm sàng rõ ràng. Vì vậy, rất khó để phát hiện, người bệnh thường chủ quan khiến tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn, tiến triển thành mãn tính.
1. Viêm thượng nhĩ là bệnh gì?
Viêm thượng nhĩ là một thể của viêm tai giữa, bệnh nhân bị viêm khu trú ở phần trên hòm tai (nơi chứa đựng các xương con, dây chằng và các cơ).
Viêm thượng nhĩ có thể gây chảy mủ ở tai, tuy nhiên không phải ai cũng để ý do triệu chứng lâm sàng không rõ ràng. Nếu không được kịp thời phát hiện và điều trị, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới khả năng nghe.
2. Phân loại và triệu chứng của viêm thượng nhĩ
2.1. Viêm thượng nhĩ ngoài
Viêm thượng nhĩ ngoài gồm:
- Viêm túi prussak: Đây là loại thường gặp nhất. Viêm túi prussak có triệu chứng không rõ ràng, người bệnh thường không sốt nhưng bị chảy mủ hôi kèm đau nửa đầu.
- Viêm túi kretschmann: Tình trạng viêm khiến khả năng nghe giảm sút do đầu búa bị tiêu hủy gây gián đoạn chuỗi xương con. Triệu chứng của bệnh là chảy mủ ở tai, nhưng ít.
2.2. Viêm thượng nhĩ toàn bộ:
- Khả năng nghe bị kém hơn so với 2 loại viêm túi trên, nguyên nhân do gãy đứt cổ xương búa vì tiêu xương, làm gián đoạn chuỗi xương con.
- Mủ xuất hiện và chảy nhiều, mùi hôi nếu bị nhiễm trùng. Có bệnh nhân xuất hiện mủ nhưng là mủ khô.
- Soi tai thấy có nhiều và lổn nhổn chất bã đậu, lỗ thủng chiếm gần hết toàn bộ màng trùng, có thể chiếm cả vào phần tường thượng nhĩ.
- Viêm thượng nhĩ – nhĩ khiến thính lực bị giảm sút, bệnh nhân nghe kém. Lỗ thủng thường xuất hiện ở màng trùng, màng căng và nham nhở.
- Viêm thượng sào đạo xuất hiện ở màng trùng, góc sau trên, vào xương
2.3. Viêm thượng nhĩ trong
Viêm thượng nhĩ trong bao gồm viêm thượng nhĩ sào bào và viêm tiền thượng nhĩ. Trong đó viêm thượng nhĩ sào bào có lỗi thủng nằm ở góc sau trên, vào xương, khi kiểm tra thấy bờ lỗ thủng sùi, có polyp. Còn viêm tiền thượng nhĩ lỗ thủng nằm ở ngay sau dây chằng nhĩ búa trước.
- Viêm thượng nhĩ trong khiến thính giác bị suy giảm nghiêm trọng.
- Bệnh nhân có thể bị chóng mặt, hoa mắt do bị tổn thương ống bán khuyên ngoài.
- Xuất hiện mủ, chảy xuống xương và ra ngoài.
- Xương đe bị tiêu, gây gián đoạn chuỗi xương con
- Bị thủng ở góc sau, trên dưới dây chằng nhĩ búa sau.
3. Viêm thượng nhĩ có nguy hiểm?
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, viêm thượng nhĩ sẽ trở thành mãn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Biến chứng có thể xảy ra khi bị viêm thượng nhĩ bao gồm:
- Viêm mê nhĩ.
- Biến chứng nội sọ: Viêm tĩnh mạch bên, viêm màng não, áp xe não.
- Cốt tủy viêm xương thái dương, xương đá.
4. Điều trị viêm thượng nhĩ
Để điều trị viêm thượng nhĩ, tùy vào mức độ viêm, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp. Cụ thể:
- Nếu bệnh nhẹ có thể uống thuốc để điều trị, còn nặng phải chỉ định giải phẫu.
- Nếu bị viêm khu trú ở thượng nhĩ thì phẫu thuật để mở thượng nhĩ.
- Bị viêm thượng nhĩ lan vào sào bào nên phẫu thuật mở sào bào thượng nhĩ.
- Bị viêm lan vào hòm nhĩ thì cần khoét chum tiệt căn.
Tóm lại, viêm thượng nhĩ rất nguy hiểm, có thể gây ra những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh, bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa biến chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.