Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Tâm - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Viêm phổi là một bệnh nhiễm khuẩn ở phế quản và nhu mô phổi, tổn thương thường lan tỏa, rải rác hai phổi làm rối loạn trao đổi khí gây suy hô hấp. Viêm phổi trẻ em có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng, trái lại dễ dẫn tới tử vong nếu trẻ đến muộn hoặc không được điều trị đúng.
1. Nguyên nhân gây viêm phổi trẻ em
Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 2 tháng tuổi dễ mắc viêm phổi và tử vong cao. Có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em nhưng chủ yếu do vi khuẩn và virus. Một số có thể do ký sinh trùng, nấm, hoặc do hít sặc.
Viêm phổi do virus: Chiếm khoảng 70% nguyên nhân viêm phổi, gặp nhiều hơn ở trẻ < 5 tuổi, thường gặp virus hợp bào hô hấp (RSV), ít gặp hơn là Influenza virus (A và B), Parainfluenza virus, Adenovirus, Rhinovirus...
- Trẻ < 2 tháng tuổi: thường gặp liên cầu nhóm B, tụ cầu (Staphylococcus aureus) vi khuẩn Gram âm đường ruột (E. coli, Proteus), Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, đôi khi do vi khuẩn không điển hình Chlamydia trachomatis
- Trẻ 2 tháng - 5 tuổi: thường gặp S. pneumoniae, H. influenzae, Moraxella catarrhalis
- Trẻ > 5 tuổi: S. pneumoniae và H. influenzae, vi khuẩn không điển hình gặp nhiều hơn ở trẻ nhỏ. (Các vi khuẩn không điển hình thường gặp là Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, Legionella pneumoniae).
Viêm phổi nặng và rất nặng thường do tụ cầu hoặc 1 số vi khuẩn Gram âm.
2. Điều kiện thuận lợi dễ bị viêm phổi
- Tuổi càng nhỏ càng dễ bệnh và bệnh càng nặng.
- Thời tiết lạnh, giao mùa.
- Cơ địa trẻ đẻ non, đẻ yếu, suy dinh dưỡng.
- Dị tật bẩm sinh, tim bẩm sinh...
- Điều kiện vệ sinh, điều kiện môi trường nhiều khói bụi, khói thuốc lá, khí độc, nhà ở tối tăm chật hẹp...
- Điều kiện lây nhiễm như nhà trẻ, trường học, gia đình...
3. Dấu hiệu phát hiện sớm viêm phổi
Khởi đầu:
- Trẻ có thể có triệu chứng nhiễm trùng hô hấp: sổ mũi, nghẹt mũi, ho khan, sốt, đau mình, bỏ chơi, bú ít, mệt mỏi, quấy khóc.
- Trẻ có thể rối loạn tiêu hoá như: nôn, trớ, chướng bụng tiêu chảy.
Sau vài ngày:
Triệu chứng hô hấp: Dấu hiệu thở nhanh là dễ nhận thấy, đếm nhịp thở trong vòng một phút khi trẻ nằm yên hoặc khi ngủ, trẻ thở nhanh khi:
- Dưới 2 tháng thở ≥ 60 lần/phút.
- Từ 2 tháng đến 1 tuổi ≥ 50 lần/phút.
- Từ 1 tuổi đến 5 tuổi ≥ 40 lần/phút.
Một số trường hợp trẻ dưới 2 tháng hoặc trẻ bệnh nặng nhịp thở có thể không nhanh mà lại thở chậm, thở rên hoặc có cơn ngừng thở, đó là tình trạng bệnh cần phải xử trí cấp cứu ngay
Ho: ban đầu ho khan, sau có đờm, trẻ nhỏ hoặc trẻ yếu có khi không ho hoặc ho ít.
Dấu hiệu khác: Tím tái da niêm mạc, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ liên sườn, rút lõm hõm trên ức, phập phồng cánh mũi, thở rên...
Triệu chứng toàn thân: Trẻ có thể sốt cao, hạ nhiệt độ ở trẻ nhỏ, nôn, bú
kém, mệt lả...
4. Điều trị viêm phổi trẻ em
Viêm phổi trẻ em nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì diễn tiến thường tốt và khỏi bệnh sau 7-10 ngày.
Không phải trường hợp viêm phổi nào cũng cần điều trị ở bệnh viện. Viêm phổi nhẹ có thể điều trị tại nhà. Làm thông thoáng đường thở, ăn lỏng chia bữa nhỏ để tránh nôn trớ. Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Theo dõi và phát hiện dấu hiệu nặng để đưa trẻ đi khám lại ngay.
Cần cho trẻ viêm phổi nhập viện ngay khi: trẻ có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng.
- Trẻ dưới 2 tháng : Luôn luôn cần được điều trị tại bệnh viện khi bị viêm phổi
- Trẻ thở nhanh hoặc rút lõm lồng ngực sâu , hoặc nếu trẻ có một trong các dấu hiệu sau : thở rên, cánh mũi phập phồng, bỏ bú, nôn tất cả mọi thứ, co giật, ngủ li bì khó đánh thức, sốt, hạ thân nhiệt ... là viêm phổi rất nặng.
- Trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi: Ho hoặc khó thở mà có thêm một trong các dấu hiệu nặng nói trên là trẻ bị viêm phổi nặng hoặc bệnh rất nặng cần được điều trị nội trú tại bệnh viện.
Điều trị trẻ viêm phổi nặng tại bệnh viện: Nguyên tắc điều trị chung:
- Chống nhiễm khuẩn: Cần sử dụng kháng sinh điều trị cho tất cả các trường hợp viêm phổi cần nhập viện.
- Chống suy hô hấp: thông thoáng đường thở, liệu pháp oxy khi có SpO2 ≤ 94%, hoặc nhịp thở > 70 lần/phút, hoặc rút lõm lồng ngực nặng.
- Điều trị các rối loạn nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan, dinh dưỡng.
- Điều trị triệu chứng: sốt, ho, khò khè
- Điều trị biến chứng (nếu có)
5. Chăm sóc cho trẻ bị viêm phổi:
Cho trẻ bú mẹ, ăn uống đủ chất, ăn ít một để đề phòng trẻ nôn và khó thở.
Vệ sinh, làm thông thoáng đường thở bằng nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày.
Giữ ấm cho trẻ khi lạnh, chườm ấm khi sốt, giữ vệ sinh tay khi chăm sóc cho bé để tránh lây nhiễm chéo thêm vi khuẩn khác.
Điều trị phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc, bao gồm điều trị nguyên nhân, điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.
Khám lại ngay bất cứ lúc nào khi trẻ có dấu hiệu nguy hiểm toàn thân hoặc thở nhanh hơn mệt hơn hoặc bệnh nặng hơn.
6. Phòng bệnh viêm phổi cho trẻ
- Chăm sóc sức khỏe, quản lý thai nghén tốt cho các bà mẹ để hạn chế các trường hợp sinh non, thiếu cân.
- Bảo đảm vệ sinh vô trùng khi sinh và chăm sóc sơ sinh.
- Trẻ được bú mẹ sớm, ăn dặm, tránh suy dinh dưỡng.
- Cho trẻ được sống ở môi trường trong lành, không bụi khói độc hại, không thuốc lá, tránh khí độc, ô nhiễm, nơi ở tối tăm chật chội ẩm thấp...
- Tránh tối đa nguồn lây
- Tiêm chủng cho trẻ đầy đủ các loại vắc-xin như: Cúm, á cúm, thuỷ đậu, HiB, phế cầu, sởi....
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.