Viêm nhiễm vùng chọc kim gây tê

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Tô Văn Thái - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Gây tê là kỹ thuật sử dụng thuốc tê để ức chế cảm giác đau ở vùng dự định phẫu thuật, thường được áp dụng cho những ca mổ ngắn (dưới 2 giờ). Bệnh nhân sẽ hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên quá trình gây tê cần đặc biệt cẩn trọng để tránh tình trạng viêm nhiễm vùng chọc kim gây tê.

1. Các hình thức gây tê vùng

Gây tê là biện pháp vô cảm có nhiều ưu điểm như: bệnh nhân tỉnh táo lúc làm phẫu thuật, giảm đau sau mổ, hạn chế các biến chứng và tác dụng phụ của gây mê toàn thân. Có 2 hình thức gây tê trục thần kinh chính là: gây tê tủy sống và gây tê ngoài màng cứng.

1.1. Gây tê tủy sống

Gây tê tủy sống là kỹ thuật tiêm thuốc gây tê hoặc thuốc giảm đau vào khoang giữa màng nhện và màng mềm của cột sống để khu vực này mất đi cảm giác đau đớn và liệt vận động. Hiệu quả gây tê thường sau 5 phút.

Thường được áp dụng cho phẫu thuật chấn thương liên quan chi dưới (thay khớp gối, thay khớp háng..), phẫu thuật sản khoa, đường niệu và sinh dục.

1.2. Gây tê ngoài màng cứng

Gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật gây tê sử dụng một kim lớn (kim Tuohy) để tiếp cận khoang ngoài màng cứng (không vào trong khoang dịch não tủy). Sau đó bác sĩ lưu lại một đoạn dây dẫn (Catheter) để qua đó có thể truyền thuốc tê liên tục với mục đích giảm đau trong và sau phẫu thuật.

Tác dụng gây tê sẽ xuất hiện sau khoảng 15 phút.

Thường được áp dụng cho phẫu thuật chi dưới và đặc biệt để giảm đau cho sản phụ khi sinh thường.

Hiện nay gây tê ngoài màng cứng đang được sử dụng linh hoạt hơn gây tê tủy sống, mang lại hiệu quả giảm đau cao sau phẫu thuật, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim, biến chứng phổi sau mổ, giảm hoạt hóa hệ thống đông máu.


Gây tê ngoài màng cứng áp dụng trên sản phụ khi sinh thường
Gây tê ngoài màng cứng áp dụng trên sản phụ khi sinh thường

2. Trường hợp chống chỉ định gây tê

  • Dị ứng thuốc tê.
  • Viêm nhiễm vùng chọc kim gây tê.
  • Nhiễm trùng toàn thân nặng.
  • Bệnh dễ chảy máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu.
  • Bệnh động kinh.
  • Bệnh tâm thần.
  • Bệnh tim mạch nặng.

3. Quy trình chọc kim gây tê

Quy trình chọc kim gây tê tủy sống

  • Bệnh nhân lựa chọn tư thế ngồi hoặc nằm nghiêng.
  • Xác định vị trí chọc kim.

Kỹ thuật gây tê tủy sống cần được chọc kim đúng vị trí
Kỹ thuật gây tê tủy sống cần được chọc kim đúng vị trí
  • Dùng cồn sát trùng vị trí gây tê 2,3 lần.
  • Lau khô và phủ khăn vô trùng có lỗ lên trên.
  • Hút thuốc tê vào bơm tiêm.
  • Xác định đúng vị trí gây tê, sau đó chọc kim gây tê.
  • Rút nòng kim, quan sát nếu dịch não tủy chảy ra thì bơm từ từ thuốc gây tê tủy sống cho bệnh nhân.
  • Sau khi tiêm xong thì rút kim tiêm và kim dẫn ra đồng thời.

Quy trình chọc kim gây tê ngoài màng cứng

  • Trải khăn lỗ vô trùng lên vị trí cần gây tê.
  • Xác định mốc và gây tê tại chỗ.
  • Đưa kim Tuohy vào vị trí đã gây tê và làm test mất sức cản.
  • Luồn đoạn dây dẫn Catheter, rút kim Tuohy.
  • Gắn đầu nối và bộ lọc vào Catheter.
  • Dán và cố định Catheter.

Cả 2 kỹ thuật chọc kim gây tê đều phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối nên mọi dụng cụ trước khi tiến hành đều cần được hấp vô trùng. Bác sĩ gây tê phải rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn, lau khô rồi đeo găng, đội mũ, mặc áo y tế trước khi gây tê cho bệnh nhân. Tuyệt đối đảm bảo giữ vô khuẩn tuyệt đối trong quá trình thao tác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp vẫn có thể xảy ra tình trạng viêm nhiễm vùng chọc kim gây tê.


Quy trình chọc kim gây tê cần được đảm bảo vô trùng tuyệt đối
Quy trình chọc kim gây tê cần được đảm bảo vô trùng tuyệt đối

4. Biến chứng gây tê

Các biến chứng gây tê thường gặp là viêm nhiễm vùng chọc kim gây tê, có thể dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn với các bệnh lý viêm màng não, viêm tủy não, áp xe khoang ngoài màng cứng, chèn ép tủy sống, thậm chí là tử vong.

Một số nguyên nhân gây nhiễm trùng vi khuẩn kỵ khí, trực khuẩn gram âm kỵ khí, tụ cầu vàng, liên cầu....Vì vậy, khi thực hiện kỹ thuật gây tê cho bệnh nhân, bác sĩ và kỹ thuật viên cần tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng, đặc biệt đối với những bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch.

Bệnh nhân cũng cần phối hợp với bác sĩ, nếu thấy có dấu hiệu nào bất thường (ví dụ: viêm nhiễm vùng chọc kim gây tê) thì cần báo ngay cho bác sĩ để được xử lý thích hợp.

Bác sĩ Thái đã có hơn 34 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực gây mê - hồi sức cấp cứu và hiện đang là bác sĩ tại khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Để đăng ký khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe