Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Dinh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Viêm mũi dị ứng là bệnh rất hay tái phát mỗi khi thời tiết thay đổi, gây khó chịu cho trẻ nhỏ. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn các tác nhân gây bệnh trong môi trường sống nên khó có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm mũi dị ứng.
1. Viêm mũi dị ứng ở trẻ em có chữa khỏi được không?
Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm mũi đặc trưng bởi các dấu hiệu như: hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi và ngứa mũi. Tỉ lệ viêm mũi dị ứng ở trẻ em có thể lên đến 40%. Tuy nhiên những trẻ em có bệnh chàm hoặc hen suyễn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Khó có thể chữa trị dứt điểm bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em. Theo đó, các tác nhân gây viêm mũi dị ứng ở trẻ em bao gồm côn trùng, lông động vật nuôi (chó, mèo...), bào tử nấm (mốc), phấn hoa...
Các biểu hiện của viêm mũi dị ứng là do phản ứng dị ứng của cơ thể với các tác nhân gây dị ứng. Phản ứng dị ứng là kết quả của sự kích hoạt hai loại tế bào viêm trong cơ thể gọi là tế bào mast và basophils. Những tế bào này tạo ra các hóa chất tự nhiên, ví dụ như histamine, gây ra các triệu chứng như nghẹt mũi, ngứa, hắt hơi và sổ mũi.
Vì không thể loại bỏ hoàn toàn các tác nhân gây viêm mũi dị ứng trong môi trường sống của trẻ nên bệnh khó có thể chữa khỏi hoàn toàn.
2. Vì sao có trẻ bị viêm mũi dị ứng quanh năm?
Viêm mũi dị ứng có thể theo mùa hoặc xảy ra quanh năm. Các tác nhân gây viêm mũi dị ứng ở trẻ em tồn tại trong môi trường, trong nguồn không khí hàng ngày trẻ hít phải, như mạt bụi nhà, nấm mốc, con gián, lông vật nuôi, các hạt phấn hoa, các loại cỏ dại, mỹ phẩm, chất tẩy rửa,...
Với những tác nhân xuất hiện thường xuyên không theo mùa sẽ gây viêm mũi dị ứng quanh năm cho trẻ. Đây cũng là dạng viêm mũi dị ứng có xu hướng khó điều trị hơn.
Khi nhận thấy triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ em xuất hiện kéo dài mà không rõ nguyên nhân thì các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám ở bệnh viện hoặc phòng khám bác sĩ chuyên về nhi khoa hoặc dị ứng để bé được khám kỹ lưỡng, chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, tầm soát các bệnh lý dị ứng khác có thể đồng mắc và để bé được điều trị đúng và đầy đủ.
Để tránh tình trạng trẻ bị viêm mũi dị ứng, cha mẹ cũng nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất. Đồng thời, hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm,...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.