Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đơn nguyên Nội Tiêu hóa – Nội soi, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Viêm loét dạ dày tái phát thường là do bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị, ăn uống - nghỉ ngơi thiếu khoa học hoặc bị tái nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori gây ảnh hưởng tới tinh thần, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
1. Sơ lược về bệnh viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là hậu quả của sự mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ - tấn công niêm mạc dạ dày. Nguyên nhân của sự rối loạn này đến từ việc nhiễm vi khuẩn Helicobacter oylori (HP), tình trạng căng thẳng thần kinh kéo dài, lạm dụng thuốc lá, rượu bia làm tăng tiết axit dịch vị trong dạ dày.
Khi đó, vi khuẩn Helicobacter pylori HP, axit dịch vị và men tiêu hóa tăng mạnh, vượt qua lớp dịch nhầy bảo vệ dạ dày để tấn công lớp niêm mạc dạ dày. Các tế bào dạ dày bị tổn thương, hoại tử và hình thành các ổ viêm xung huyết, viêm trợt. Nếu không được điều trị, các ổ viêm này có thể phát triển thành tổn thương dạng viêm loét lan rộng và sâu, rất khó điều trị hoặc không thể điều trị dứt điểm.
Bệnh viêm loét dạ dày được đánh giá là có nguy cơ tái phát cao. Vì vậy, việc điều trị bệnh càng trở nên khó khăn hơn. Cuối cùng, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày hay ung thư dạ dày,...
2. Nguyên nhân viêm loét dạ dày tái phát
2.1 Tái nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori HP
Có tới 80% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori HP. Nếu sau khi điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân bị tái nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori HP thì viêm loét dạ dày sẽ dễ tái phát. Các nguyên nhân gây tái nhiễm HP gồm:
- Lây nhiễm HP do thói quen ăn chung, uống chung: Vi khuẩn HP có khả năng lây nhiễm cao qua đường miệng - miệng. Chúng tồn tại trong thức ăn, nước uống, khoang miệng của người mang mầm bệnh. Trong khi đó, người Việt có thói quen ăn, uống chung nên có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP rất cao. Khi HP đã đi vào cơ thể, nguy cơ tái phát viêm loét dạ dày là rất cao;
- Lây nhiễm HP do điều kiện vệ sinh kém: Vi khuẩn HP có thể theo phân ra ngoài môi trường. Với người có thói quen ăn rau sống, không rửa sạch tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn HP xâm nhập, gây hiện tượng bệnh viêm loét dạ dày tái đi tái lại nhiều lần.
2.2 Bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị
Hầu hết người bệnh viêm loét dạ dày thường không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, hay bỏ dở giữa chừng khi thấy triệu chứng thuyên giảm hoặc tự ý mua kháng sinh để trị bệnh.
Trong khi đó, nếu sử dụng thuốc kháng sinh không đúng phác đồ thì có thể khiến vết loét dạ dày nặng hơn, vi khuẩn HP kháng thuốc kháng sinh, dẫn tới khó điều trị dứt điểm bệnh và khiến bệnh dễ tái phát.
2.3 Lối sống không khoa học
Các thói quen sống không khoa học như ăn nhiều chất chua, cay; ăn uống không đúng giờ; uống nhiều rượu bia; làm việc căng thẳng, hay bị stress,... là nguyên nhân khiến viêm loét dạ dày thường tái phát.
3. Biện pháp kiểm soát nguy cơ tái phát viêm loét dạ dày
- Bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ;
- Người bệnh thực hiện theo một chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt khoa học: Không ăn các chất chua, cay, hạn chế sử dụng rượu bia hoặc đồ uống có gas, không hút thuốc lá;
- Nên ngủ đủ giấc, tránh thức khuya;
- Tránh căng thẳng thần kinh, lo lắng kéo dài;
- Tập thể dục đều đặn;
- Giữ vệ sinh sạch sẽ trong sinh hoạt và ăn uống.
Điều trị viêm loét dạ dày là một “cuộc chiến” dài hơi nên người bệnh cần phối hợp tốt với bác sĩ, có một chế độ sinh hoạt điều độ, khoa học để chữa bệnh triệt để, giảm nguy cơ tái phát.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.