Viêm đại tràng và viêm đại tràng co thắt mạn tính là hai bệnh lý có nhiều triệu chứng tương đồng nhau. Vì vậy, nhiều người thường bị nhầm lẫn, dẫn đến việc điều trị không đúng cách. May mắn thay, dù có những triệu chứng tương tự nhưng giữa hai bệnh lý vẫn có một số biểu hiện khác nhau rõ rệt. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết này nhé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các Bác sĩ nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
1. Sự khác nhau giữa viêm đại tràng và đại tràng co thắt
1.1 Nguyên nhân, cơ chế gây bệnh
Cơ chế gây bệnh là điểm khác biệt đầu tiên giữa viêm đại tràng và viêm đại tràng co thắt mạn tính. Dù chưa xác định được nguyên nhân cụ thể của cả hai bệnh nhưng viêm đại tràng thường bị tác động bởi thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh. Những người có chế độ ăn uống thiếu cân bằng thường có nguy cơ cao mắc bệnh viêm đại tràng.
Trong khi đó, nguy cơ mắc bệnh đại tràng co thắt (còn gọi là hội chứng ruột kích thích - IBS) thường gia tăng do những yếu tố như căng thẳng tâm lý, thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc thời kỳ tiền mãn kinh ở phụ nữ. Ngoài ra, việc tiêu thụ chế độ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng và thường xuyên sử dụng nhiều loại thuốc cũng dẫn đến bệnh IBS.
Hơn nữa, phân tích niêm mạc đại tràng cho thấy các tổn thương ở đây có thể dẫn đến viêm đại tràng. Trong khi đó, bệnh đại tràng co thắt thường không gây tổn thương thực thể mà chủ yếu biểu hiện qua rối loạn chức năng ruột. Vì vậy, nguy cơ ung thư ruột kết sẽ gia tăng đối với bệnh nhân mắc viêm đại tràng.
Ngoài ra, biến chứng từ viêm đại tràng thường tác động xấu đến chức năng của các cơ quan khác bao gồm rối loạn đông máu, loãng xương, viêm khớp, viêm đường mật xơ hóa nguyên phát và sỏi mật.
Ngược lại, bệnh IBS thường gây ra triệu chứng ảnh hưởng đến chức năng đường tiêu hóa như khó tiêu, chướng bụng và trào ngược dạ dày - thực quản nhưng ít khi dẫn đến biến chứng của bệnh viêm đại tràng.
1.2 Triệu chứng bệnh
Một yếu tố khác cần chú ý khi phân tích sự khác nhau giữa viêm đại tràng và đại tràng co thắt là triệu chứng bệnh. Mặc dù hai bệnh đều thể hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa nhưng khi đi sâu vào từng triệu chứng sẽ có nhiều điểm khác, cụ thể:
1.2.1 Đau bụng
Người bị viêm đại tràng thường chỉ cảm thấy đau bụng âm ỉ và cố định ở một vị trí như hố chậu phải hoặc trái. Trong khi đó, ở người mắc viêm đại tràng co thắt mạn tính, triệu chứng thường thể hiện bằng những cơn đau dữ dội, quặn và âm ỉ nhưng không đau nhiều. Đôi khi, người bệnh sẽ sờ thấy những cục nổi lên dọc theo khung đại tràng.
1.2.2 Đi ngoài
Viêm đại tràng khiến cho người bệnh có thể bị táo bón hoặc đi ngoài phân lỏng nhưng họ sẽ cảm thấy dễ chịu sau khi đi vệ sinh. Mặc dù vậy, người bệnh cũng có khả năng đi ngoài ra máu.
1.2.3 Yếu tố thần kinh
Đối với những người bị viêm đại tràng, các yếu tố thần kinh ít tác động đến tình trạng bệnh. Ngược lại, những người mắc viêm đại tràng co thắt mãn tính lại chịu ảnh hưởng đáng kể từ các yếu tố thần kinh, chẳng hạn như lo lắng và căng thẳng khiến triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
1.2.4 Các triệu chứng khác
Các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa thường xuất hiện ở người bệnh mắc viêm đại tràng. Trong khi đó, người bị viêm đại tràng co thắt mạn tính không chỉ có vấn đề tiêu hóa mà còn xuất hiện các triệu chứng khác như chóng mặt, đau đầu, mất ngủ, tim đập nhanh và hồi hộp…
2. Phương pháp điều trị viêm đại tràng và viêm đại tràng co thắt mạn tính
2.1. Viêm đại tràng mãn tính
Viêm đại tràng mãn tính là khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn khó điều trị, yêu cầu sự kiên trì và tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng cũng như sinh hoạt lành mạnh. Qua các xét nghiệm chẩn đoán trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ xác định mức độ tổn thương của đại tràng, từ đó chỉ định thuốc để ngăn ngừa biến chứng.
Một số loại thuốc và thực phẩm dinh dưỡng trên thị trường có tác dụng ngăn ngừa biến chứng viêm đại tràng mãn tính nhưng bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Đọc thêm: Viêm đại tràng mãn tính: Nguyên nhân và cách điều trị
2.2. Viêm đại tràng co thắt mạn tính
Hiện tại, không có thuốc điều trị đặc hiệu cho viêm đại tràng co thắt mạn tính. Bệnh được điều trị thông qua các loại thuốc ức chế cơ trơn, thuốc trị đầy hơi và trướng bụng cũng như các biện pháp cải thiện tình trạng phân nát, lỏng và táo bón… theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc để tránh những hậu quả không mong muốn.
Trên đây là tất cả các thông tin về điểm khác biệt giữa hai bệnh lý dựa trên nguyên nhân, cơ chế cũng như triệu chứng biểu hiện bệnh. Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường, người bệnh nên đi gặp trực tiếp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời nhằm tránh các biến chứng không mong muốn xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.