Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Viêm đại tràng giả mạc có thể dẫn đến loạt biến chứng nguy hiểm khi trở nặng như: cơ thể suy kiệt, lượng kali trong máu thấp đến mức bất thường, mất nước do tiêu chảy, gây thủng ruột kết dẫn đến nhiễm khuẩn ổ bụng,... Do vậy, việc chẩn đoán để điều trị sớm là rất cần thiết, tránh nguy hiểm tới tính mạng.
1. Tổng quan về viêm đại tràng giả mạc
Viêm đại tràng giả mạc là bệnh viêm đại tràng xảy ra ở một số người sau dùng kháng sinh do sự phát triển quá mức của một loại vi khuẩn có tên là Clostridium difficle (C.difficile). Tuy nhiên, không phải người nào dùng kháng sinh cũng gây nên viêm đại tràng giả mạc hoặc không phải loại kháng sinh nào cũng có tác dụng phụ gây viêm đại tràng giả mạc, mà bệnh chỉ gặp ở một số người và một số thuốc kháng sinh mà thôi.
Viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi vi khuẩn có hại trong ruột già - thường gặp nhất C. difficile phát hành độc tố mạnh. Những độc tố gây kích ứng ruột, gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc.
Vi khuẩn C. difficile là loại vi khuẩn kỵ khí, có nha bào, vì vậy, sức đề kháng rất tốt khi ra bên ngoài cũng như khi ở trong đường tiêu hóa. Vi khuẩn Cl.difficile sẽ sản sinh ra độc tố ruột và độc tố gây độc tế bào. Khi độc tố tác động vào niêm mạc đại tràng sẽ gây viêm và tăng bài tiết tạo thành giả mạc màu trắng. Giả mạc này mềm nên rất dễ bong, khi bong ra sẽ để lại viêm, loét và gây chảy máu niêm mạc.
Các triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc có thể bắt đầu sau 1-2 ngày sau khi bạn bắt đầu dùng thuốc kháng sinh hoặc vài tuần sau khi bạn hoàn thành một liệu trình thuốc kháng sinh.
Tuỳ theo mức độ nặng hay nhẹ của bệnh mà các triệu chứng có biểu hiện khác nhau. Người bệnh có thể sốt, có khi lên tới 38-39 độ C. Bệnh có thể gây đau bụng (có thể là đau âm ỉ hoặc đau quặn hay đau từng cơn); tiêu chảy hoặc phân rắn, có thể có máu hoặc có chất nhầy và mủ kèm theo; thậm chí một số trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng. Nhưng nếu phát hiện sớm, điều trị cho hầu hết các trường hợp viêm đại tràng giả mạc là thành công.
Ngoài ra, có các các yếu tố nguy cơ như: bệnh thường gặp ở người trên 65, người có hệ thống miễn dịch suy yếu, người mắc một số bệnh như: viêm ruột và ung thư đại trực tràng, hoặc trải qua phẫu thuật đường ruột, đang nằm viện... thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
2. Chẩn đoán và điều trị viêm đại tràng giả mạc
2.1. Chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc
Các xét nghiệm và thủ tục được sử dụng để chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc và để tìm kiếm các biến chứng bao gồm:
- Xét nghiệm mẫu phân: Phương pháp này sử dụng một số mẫu phân khác nhau để phát hiện C. difficile lây nhiễm trong đại tràng;
- Xét nghiệm máu: Phương pháp này có thể chỉ ra chỉ số cao bất thường của các tế bào máu trắng (bạch cầu), từ đó có thể xác định bạn có mắc phải bệnh viêm đại tràng giả mạc hay không;
- Nội soi đại tràng hoặc soi đại tràng sigma: Trong cả hai xét nghiệm trên, bác sĩ dùng một ống có gắn một máy ảnh thu nhỏ ở đầu để kiểm tra bên trong ruột già của bạn xem có các dấu hiệu của viêm đại tràng giả mạc, những mảng màu vàng (tổn thương) và vết sưng hay không;
- Xét nghiệm bằng hình ảnh: Nếu bạn có những triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành chụp X-quang hoặc quét CT bụng để tìm kiếm các biến chứng như phình đại tràng hoặc vỡ ruột.
2.2. Điều trị viêm đại tràng giả mạc
Điều trị viêm đại tràng màng giả thường bao gồm việc ngừng thuốc kháng sinh hiện tại và bắt đầu một kháng sinh hiệu quả đối với C. difficile. Trong trường hợp hiếm, phẫu thuật có thể là cần thiết. Khi bắt đầu điều trị viêm đại tràng màng giả, dấu hiệu và triệu chứng có thể bắt đầu cải thiện trong vòng vài ngày.
Các phương pháp điều trị viêm đại tràng giả mạc gồm:
- Ngừng các thuốc kháng sinh hiện tại:
Điều trị viêm đại tràng giả mạc thường bắt đầu với ngưng thuốc kháng sinh được cho là gây ra các dấu hiệu và triệu chứng. Đôi khi, điều này có thể đủ để giải quyết tình trạng hoặc ít nhất là dấu hiệu, chẳng hạn như tiêu chảy.
- Chuyển sang một loại kháng sinh khác:
Nếu vẫn còn các dấu hiệu và triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị một kháng sinh có hiệu quả chống lại vi khuẩn C. difficile. Mặc dù nó có vẻ xa lạ đối với sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị chứng rối loạn gây ra bởi thuốc kháng sinh, điều trị bằng thuốc kháng sinh khác để tiêu diệt C. difficile cho phép các vi khuẩn bình thường phát triển trở lại, phục hồi sự cân bằng của vi khuẩn trong đại tràng.
Các kháng sinh dùng để điều trị viêm đại tràng giả mạc thường dùng bằng đường uống. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm và thuốc men, có thể được điều trị bằng các loại thuốc tiêm tĩnh mạch hoặc thông qua một ống mũi dạ dày.
- Cấy ghép phân (FMT):
Nếu tình trạng nghiêm trọng, bạn có thể được cấy ghép các phân từ của một người hiến tặng khỏe mạnh để khôi phục lại sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột già. Các bác sĩ sẽ kết hợp điều trị kháng sinh theo sau cấy ghép phân.
- Phẫu thuật:
Nếu bệnh nhân bị suy nội tạng, vỡ đại tràng, viêm phúc mạc thì phải phẫu thuật.
3. Phòng ngừa viêm đại tràng giả mạc
- Uống nhiều nước: Uống nước nhiều sẽ có lợi. Tuy nhiên, cần tránh các đồ uống có nhiều chất đường hoặc chứa cồn, caffeine, chẳng hạn như trà, cà phê, cola, vì nó có thể làm nặng thêm các triệu chứng.
- Chọn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa: Chúng bao gồm táo, chuối và gạo. Tránh một loại thực phẩm giàu chất xơ như: đậu, các loại hạt và rau quả. Nếu như triệu chứng được cải thiện, từ từ thêm chất xơ thực phẩm trở lại chế độ ăn uống. Cố gắng ăn nhiều bữa ăn nhỏ thay vì một vài bữa ăn lớn.
- Tránh các loại thực phẩm gây dị ứng: Tránh xa các chất béo, nhiều gia vị, thực phẩm chiên và bất kỳ loại thực phẩm khác làm cho các triệu chứng nặng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.