Viêm dạ dày ruột ở người lớn

Viêm dạ dày ruột là một trong những bệnh lý phổ biến, thường do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây nên. Các triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm đau bụng, chướng bụng và tiêu chảy,… Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS. BS Vũ Văn Quân - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Khoa Ngoại tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1. Nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày ruột ở người lớn

Các bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hóa như viêm dạ dày ruột có thể dẫn đến các triệu chứng từ nhẹ đến nặng và trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Virus được xác định là nguyên nhân thường gặp gây viêm dạ dày ruột, với hai chủng virus phổ biến là Norovirus và Adenvirus. Virus thường hiện diện sau quá trình đi vệ sinh, dễ lây lan từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp.

Người bệnh cũng có thể mắc phải viêm dạ dày ruột do ngộ độc thức ăn khi tiêu thụ thức ăn đã bị nhiễm vi khuẩn. Các tác nhân phổ biến thường gặp trong trường hợp này bao gồm vi khuẩn Campylobacter, Salmonella và E.Coli, ...  

Ngoài ra, độc tố do vi khuẩn tiết ra và một số loại ký sinh trùng cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc và viêm dạ dày ruột.

2. Triệu chứng của bệnh viêm dạ dày ruột ở người lớn

Các biểu hiện đặc trưng của việc bị đau dạ dày ruột thường bao gồm tiêu chảy kèm theo nôn mửa. Phân lỏng hoặc chứa nhiều nước và bệnh nhân thường phải đi tiêu ít nhất 3 lần trong vòng 24 giờ. Trong các trường hợp nhiễm trùng, máu nhầy có thể xuất hiện.

Đau bụng thường là triệu chứng phổ biến nhưng thường chấm dứt sau khi tiêu chảy. Ngoài ra, bệnh cũng có thể có biểu hiện sốt, đau đầu. 

Bệnh nhân viêm dạ dày ruột thường bị tiêu chảy kéo dài kèm nôn mửa.
Bệnh nhân viêm dạ dày ruột thường bị tiêu chảy kéo dài kèm nôn mửa.

Khi tình trạng tiêu chảy và nôn mửa kéo dài, có thể dẫn đến tình trạng mất nước ở người bệnh. Trong các trường hợp nhẹ, người bệnh có thể bổ sung nước bằng cách uống nhiều nước hơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng nặng, người bệnh cần được điều trị ngay lập tức.

Mất nước cũng có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, đau cơ và mệt mỏi. Bên cạnh đó, một số triệu chứng khác bao gồm đi tiểu ít, miệng và lưỡi khô cũng có thể xảy ra. Trong các trường hợp mất nước nặng, người bệnh có thể xuất hiện các tình trạng như hôn mê, nhịp tim không đều và cảm giác yếu người.

3. Các biến chứng của bệnh viêm dạ dày ruột

Tuy bệnh viêm dạ dày ruột khá ít gặp nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể xảy ra các biến chứng nguy hại đến sức khỏe.

3.1 Mất dịch và điện giải

Tình trạng này xảy ra khi cơ thể mất lượng nước quá lớn do tiêu chảy hoặc nôn mửa và người bệnh không bổ sung đủ nước để bù lại lượng nước mất đi.

Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến hạ huyết áp và giảm lượng máu cung cấp đến các cơ quan của cơ thể. Ngoài ra, nếu bệnh không được điều trị kịp thời có thể gây suy thận. Phương pháp điều trị an toàn nhất là thực hiện truyền dịch qua tĩnh mạch tại các cơ sở y tế.

3.2 Biến chứng đến các cơ quan khác của cơ thể

Bệnh có thể gây ra các tình trạng như đau và viêm khớp, viêm da, viêm kết mạc và viêm kết mạc cứng. 

Ngoài ra, bệnh còn có thể lan rộng đến màng não và tủy xương. Trường hợp này hiếm khi xảy ra, chỉ thường gặp ở bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột do vi khuẩn Salmonella.  

Tuy vậy, các biến chứng kể trên ít gặp khi virus là nguyên nhân chính gây bệnh.

3.3 Bất dung nạp Lactose

Bất dung nạp Lactose xuất hiện sau khi bệnh nhân mắc viêm dạ dày ruột vì thành ruột bị tổn thương và thiếu men lactose.

Biến chứng này có thể gây ra các triệu chứng như đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy và tăng khí khi bệnh nhân tiêu thụ sữa. Bệnh nhân sẽ dần hồi phục khi không còn nhiễm trùng và thành ruột được phục hồi.

3.4 Hội chứng tán huyết ure máu

Hội chứng tán huyết ure máu là một biến chứng hiếm gặp, thường xảy ra khi bệnh nhân mắc bệnh viêm dạ dày do chủng E.coli. Biến chứng này gây ra tình trạng thiếu máu, giảm tiểu cầu và suy thận. Tuy nhiên, biến chứng này chỉ thường gặp ở trẻ em và không xuất hiện ở người lớn.

4. Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột có thể ảnh hưởng đến mọi độ tuổi, nhưng nhóm đối tượng dưới đây thường gặp phải nguy cơ cao:

  • Trẻ em: Nhóm này đặc biệt dễ mắc viêm dạ dày ruột do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện.
  • Người cao tuổi: Sức đề kháng của người già bị suy yếu khiến người già dễ bị viêm dạ dày ruột.
  • Những người sống trong khu vực đông dân cư: Người sống trong môi trường đông đúc có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus lây lan.
  • Người có hệ thống miễn dịch suy yếu do HIV/AIDS hoặc đang điều trị hóa trị: Hệ thống miễn dịch suy yếu làm tăng nguy cơ bị nhiễm viêm dạ dày ruột. 
Trẻ em và người già là 2 nhóm người dễ mắc bệnh viêm dạ dày ruột.
Trẻ em và người già là 2 nhóm người dễ mắc bệnh viêm dạ dày ruột.

5. Phương pháp chẩn đoán viêm dạ dày ruột

5.1 Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ để loại trừ các vấn đề tiêu hóa khác có triệu chứng tương tự viêm dạ dày ruột như viêm ruột thừa hay viêm loét đại tràng. Các yếu tố này có thể bao gồm:

  • Thường xuyên tiêu chảy  
  • Tiếp xúc với người hoặc động vật mang mầm bệnh
  • Sử dụng thực phẩm nghi ngờ mang mầm bệnh, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh hoặc khi đi du lịch đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bác sĩ cũng sẽ thăm khám trực tiếp bụng để xác định vị trí và mức độ cơn đau, từ đó hướng dẫn chẩn đoán và chỉ định các xét nghiệm phù hợp như xét nghiệm máu để đo chỉ số viêm, xét nghiệm phân hoặc siêu âm bụng.

5.2 Xét nghiệm phân

Xét nghiệm phân có thể cung cấp thêm thông tin hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán. Tuy nhiên, xét nghiệm phân cần được kết hợp với xét nghiệm máu và các phương pháp hình ảnh bụng khác để đảm bảo tính chính xác của kết quả.  

Phương pháp này có thể phát hiện sự có mặt của bạch cầu trong phân, một tình trạng viêm hoặc đôi khi phát hiện sự xuất hiện của trứng giun sán, kí sinh trùng. Trong một số trường hợp, các vi khuẩn cụ thể gây viêm đường ruột có thể được phát hiện thông qua việc nuôi cấy phân, từ đó bác sĩ có thể phân tích và đưa ra phác đồ điều trị bằng kháng sinh phù hợp nhất.

5.3 Kiểm tra tổng Quát

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một loạt các xét nghiệm bổ sung để đưa ra chẩn đoán chính xác về viêm dạ dày ruột, bao gồm:

Xét nghiệm điện giải đồ trong huyết thanh, nitơ urê máu (BUN) và creatinine: Các xét nghiệm này có mục đích đánh giá tình trạng mất nước do tiêu chảy và ảnh hưởng của việc mất nước lên chức năng thận.

Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC): Kết quả phân tích công thức máu có thể chỉ ra sự tăng bạch cầu, cho biết có dấu hiệu viêm nhiễm trong cơ thể hoặc tăng bạch cầu ái toan, dẫn đến tình trạng nhiễm ký sinh trùng.

5.4 Nội soi

Nếu người bệnh bị tiêu chảy nặng, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện nội soi, thường là nội soi đại tràng sigma để đánh giá kỹ hơn. Phương pháp chẩn đoán này thường được áp dụng đối với những người có tiền sử bị viêm ruột hoặc suy giảm miễn dịch.  

Thông qua nội soi, bác sĩ có thể quan sát trực tiếp tình trạng niêm mạc ruột, đánh giá chính xác mức độ tổn thương và có thể thực hiện sinh thiết tại vùng nghi ngờ để phân tích chi tiết hơn ở mức độ tế bào và mô học.

6. Cách điều trị viêm dạ dày ruột ở người lớn

Sau khi hệ miễn dịch của người bệnh đẩy lùi các nguy cơ nhiễm trùng, cơ thể sẽ khôi phục lại trạng thái bình thường. Dưới đây là một số phương pháp điều trị mà người bệnh có thể thực hiện:

6.1. Uống nhiều nước

  • Sau mỗi lần bị tiêu chảy, người bệnh hãy uống khoảng 200ml nước.  
  • Nếu tình trạng nôn ói xảy ra, người bệnh hãy chờ 5-10 phút trước khi uống nước và uống từ từ.
  • Người bệnh nên tránh uống nước có đường và nước ngọt vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy. Lưu ý rằng, thuốc bù nước sử dụng cho người già và những người có sức khỏe yếu cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất khi pha chế.

6.2 Chế độ dinh dưỡng

  • Người bệnh nên ăn sớm nhất có thể, không bỏ bữa và luôn duy trì cân bằng nước cơ thể.
  • Tránh thực phẩm cay và giàu chất béo trong giai đoạn ban đầu.
  • Khuyến khích người bệnh bắt đầu bữa ăn với bánh mì nguyên hạt và gạo.
  • Không uống sữa, các sản phẩm từ sữa, nước ngọt, nước ép trái cây hoặc đồ uống thể thao để tránh làm trầm trọng thêm triệu chứng tiêu chảy.

6.3 Sử dụng thuốc

  • Người bệnh có thể không sử dụng thuốc chống tiêu chảy nhưng nếu muốn giảm tần suất đi vệ sinh, người bệnh có thể sử dụng Loperamide để điều trị viêm dạ dày ruột. Liều lượng dành cho người lớn là 2 viên mỗi lần, không vượt quá 8 viên trong vòng 24 giờ và không sử dụng quá 5 ngày.
  • Paracetamol hoặc Ibuprofen có thể được sử dụng để giảm sốt hoặc đau đầu.
  • Nếu triệu chứng nghiêm trọng kéo dài và không giảm, người bệnh cần phải đến trung tâm y tế để được kiểm tra và điều trị.

Đối với các trường hợp bệnh tiến triển nặng và người bệnh mất nước nghiêm trọng, bệnh nhân cần phải đến bệnh viện để được truyền dịch và được theo dõi nhằm tránh mọi biến chứng nguy hiểm. 

Sử dụng thuốc để tăng khả năng miễn dịch của cơ thể
Sử dụng thuốc để tăng khả năng miễn dịch của cơ thể

7. Phương pháp phòng ngừa viêm dạ dày ruột

Dưới đây là một số biện pháp quan trọng để ngăn ngừa bệnh viêm dạ dày ruột hiệu quả:

  • Người bệnh cần rửa tay kỹ trước khi ăn, chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã. Sử dụng nước ấm kèm theo xà phòng rồi chà rửa tay kỹ trong 20 giây.  
  • Người bệnh không nên dùng chung đồ cá nhân, đặc biệt là dụng cụ ăn uống, ly uống nước, khăn tắm, khăn lau mặt.
  • Ngâm rửa thực phẩm với nước muối loãng kỹ trước khi ăn.
  • Vệ sinh khu vực bếp và dụng cụ nấu nướng một cách kỹ lưỡng trước khi chế biến thức ăn.
  • Hạn chế tiếp xúc với người/vật có mầm bệnh..
  • Luôn khử trùng tay nắm cửa, bề mặt bồn cầu… trước khi sử dụng nếu trong gia đình có người đang nhiễm bệnh.
  • Đeo găng tay và khẩu trang khi chạm vào quần áo của người nhiễm bệnh. Nên giặt đồ bằng nước nóng và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
  • Một số loại virus gây viêm dạ dày ruột hiện đã có vaccine phòng bệnh, ví dụ như vaccine phòng virus Rota.

8. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nếu các trường hợp hoặc các triệu chứng nghiêm trọng sau đây xảy ra, người bệnh bị viêm dạ dày ruột cần đi đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế ngay lập tức:

  • Trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Đau bụng kéo dài, triệu chứng ngày càng nặng và không có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Sốt liên tục hơn 48 giờ.
  • Phát ban.
  • Nôn mửa liên tục từ 4-6 giờ.
  • Tiêu chảy thường xuyên và kéo dài hơn 7 ngày.
  • Xuất hiện các dấu hiệu của rối loạn tâm thần, chóng mặt hoặc đau đầu.
  • Phát hiện máu trong phân hoặc chất nôn.
  • Phân có màu đen.
  • Chất nôn màu xanh.
  • Người bệnh đang mắc bệnh mãn tính và có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc suy giảm miễn dịch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe