Viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn và những điều cần biết

Bệnh viêm da cơ địa có thể khởi phát ở người trưởng thành. Đa phần các trường hợp chỉ gặp các thương tổn ở da nhưng vì triệu chứng bệnh kéo dài dai dẳng, hay tái phát nên cần có các biện pháp điều trị, phòng ngừa tái phát viêm da cơ địa ở người lớn hiệu quả.

1. Viêm da cơ địa ở người lớn là gì?

Bệnh viêm da cơ địa (còn gọi là chàm thể tạng) là một dạng tổn thương da mãn tính, kéo dài dai dẳng. Bệnh xuất hiện do các yếu tố cơ địa như hệ miễn dịch, di truyền, loại da, tình trạng sức khỏe,... Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 6 tuổi (chiếm 70% các ca bệnh) và chỉ có khoảng 3% người lớn bị viêm da cơ địa.

Viêm da cơ địa ở người lớn có thể gây tổn thương da, đi kèm với hen suyễn, sốt cỏ khô (còn gọi là viêm mũi dị ứng, dị ứng phấn hoa),... Do căn nguyên gây bệnh, tính chất bệnh cùng sự tiến triển phức tạp, hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm cho các trường hợp mắc viêm da cơ địa. Các biện pháp điều trị chủ yếu là kiểm soát, cải thiện các triệu chứng bệnh lý, đồng thời ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Do tính chất dai dẳng, viêm da cơ địa có nguy cơ tái phát cao. Tình trạng viêm da cơ địa ở người trưởng thành tái đi tái lại nhiều lần, đi kèm với chế độ chăm sóc không phù hợp có thể gây ra các biến chứng như:

  • Tăng nguy cơ mắc bệnh cơ địa như hen suyễn, sốt cỏ khô;
  • Viêm da cơ địa bội nhiễm: Trong giai đoạn cấp tính của bệnh, người bệnh có thể bị bội nhiễm do tụ cầu vàng và một số loại vi khuẩn khác. Tình trạng viêm da cơ địa bội nhiễm gây tổn thương da, ngứa ngáy, đau rát và sưng nóng;
  • Làm mất tự tin: Viêm da cơ địa dễ để lại thâm sẹo, ngứa ngáy và tái phát nhiều lần tại các vị trí như tay, chân, đầu, mặt, cổ,... gây ảnh hưởng tới ngoại hình, khiến người bệnh mất tự tin và ngại giao tiếp;
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Viêm da cơ địa ở người lớn có đặc tính tái phát nhiều lần và gây ngứa dữ dội, làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, giảm hiệu suất lao động, học tập,...

Viêm da cơ địa để lại sẹo thâm và ngứa ngáy ở các vị trí như cổ, tay, chân,...
Viêm da cơ địa để lại sẹo thâm và ngứa ngáy ở các vị trí như cổ, tay, chân,...

2. Triệu chứng viêm da cơ địa ở người lớn

Triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa ở người lớn có sự khác biệt giữa giai đoạn cấp tính và giai đoạn mãn tính của bệnh. Bên cạnh đó, các yếu tố cơ địa, độ tuổi, hệ miễn dịch,... của bệnh nhân cũng có ảnh hưởng tới phạm vi, mức độ tổn thương da và vị trí viêm da.

Viêm da cơ địa thường gây tổn thương ở khuỷu tay, mu bàn tay, lòng bàn tay, ngực, lòng bàn chân, mặt sau đầu gối, lưng hoặc đầu, thường có tính chất đối xứng. Một số trường hợp khác, tổn thương da có thể lan tỏa trong phạm vi lớn như trên toàn bộ thân trên, thân dưới hoặc trên các chi,...

Triệu chứng cụ thể của bệnh như sau:

2.1 Triệu chứng trong giai đoạn cấp tính

  • Phát ban màu hồng hoặc đỏ trên da, có kích thước và hình thái đa dạng, thường bằng phẳng, không rõ ranh giới;
  • Da phù nề, có dịch tiết, đóng mài;
  • Nổi mụn nước hoặc đám sẩn trên ban da. Sau đó, mụn nước vỡ gây chảy dịch tiết;
  • Vùng da bị viêm có thể bị nóng rát, sưng đau, ngứa.

2.2 Triệu chứng trong giai đoạn mãn tính

  • Vùng da bị viêm có biểu hiện thâm sạm và dày sừng;
  • Da có thể xuất hiện nếp nhăn hoặc các vết nứt nẻ;
  • Thường bị ngứa ngát, ít đau và nóng rát.

3. Nguyên nhân viêm da cơ địa ở người lớn

Viêm da cơ địa và các bệnh da liễu mãn tính như viêm da tiếp xúc, chàm, vảy nến,... đều có căn nguyên phức tạp. Cho tới nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu trước đó, có thể thấy bệnh nhân viêm da cơ địa đều là người có nồng độ IgE cao hơn bình thường và có người thân mắc các bệnh lý liên quan như viêm da cơ địa, hen suyễn, chàm, sốt cỏ khô,...

Ngoài ra, bệnh còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố gồm:

  • Suy giảm miễn dịch: Ở người có sức khỏe yếu, viêm da cơ địa có thể gây tổn thương trên da, dễ kích thích sự xuất hiện của bệnh viêm mũi dị ứng, sốt cỏ khô, hen suyễn;
  • Kích ứng: Kích ứng trên da sau khi tiếp xúc với nhựa độc của một số loại cây hoặc bị côn trùng cắn;
  • Dị ứng: Phản ứng dị ứng do thay đổi thời tiết, sử dụng hóa mỹ phẩm, thuốc, thức ăn hoặc tiếp xúc với nấm mốc;
  • Yếu tố cơ học: Viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn có thể do da cọ xát nhiều vào quần áo có chất liệu dày, chật;
  • Yếu tố tâm lý: Chấn động tinh thần mạnh, căng thẳng tâm lý kéo dài, làm việc quá sức,... làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Suy giảm miễn dịch ở người lớn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Suy giảm miễn dịch ở người lớn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh

4. Điều trị viêm da cơ địa ở người lớn

Bệnh viêm da cơ địa được chẩn đoán chủ yếu thông tiền sử bệnh lý và hình thái tổn thương (do không có xét nghiệm đặc hiệu). Bên cạnh đó, cần chẩn đoán phân biệt viêm da cơ địa với các bệnh lý như tổ đỉa, Zona thần kinh, herpes môi/sinh dục,... Các dấu hiệu như da khô, tổn thương da tái đi tái lại, tăng nồng độ IgE cũng được sử dụng để đánh giá viêm da cơ địa ở người lớn.

Về việc điều trị, trước tiên cần loại trừ các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh (thức ăn, hóa chất hoặc thuốc gây dị ứng). Sau đó, có thể lựa chọn các phương pháp điều trị dưới đây:

4.1 Sử dụng thuốc Tây

Thuốc điều trị tại chỗ (dùng ngoài)

  • Thuốc tím, dung dịch Chlorhexidine và Hexamidine: Có tác dụng sát trùng và khử khuẩn nhẹ, được sử dụng khi triệu chứng mới bùng phát;
  • Nitrat bạc/hồ nước: Sử dụng trong giai đoạn cấp, dùng ngay sau khi dùng các dung dịch kháng khuẩn. Tác dụng của chúng là làm khô dịch tiết, thúc đẩy các tổn thương da nhanh chóng đóng mài;
  • Thuốc mỡ corticoid: Là loại thuốc thường được chỉ định sử dụng trong giai đoạn mãn tính của viêm da cơ địa (vì nếu dùng trong giai đoạn cấp sẽ khiến da bị bí, lâu khỏi). Thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng sưng viêm, dị ứng,... khá nhanh nhưng cũng đi kèm các tác dụng phụ như gây rậm lông, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, mỏng da, teo da,... nên được chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn;
  • Thuốc chứa Acid salicylic: Được chỉ định sử dụng điều trị viêm da cơ địa giai đoạn mãn tính, có tác dụng bạt sừng, giảm dày sừng da;
  • Kem dưỡng ẩm: Sử dụng khi vùng da bị tổn thương đã lành hẳn, giúp làm dịu da, bảo vệ da và ngăn ngừa tình trạng nứt nẻ.

Thuốc điều trị toàn thân (đường uống)

  • Thuốc kháng histamin H1: Có tác dụng chống dị ứng và giảm ngứa, có thể gây buồn ngủ;
  • Corticoid đường uống: Có thể được chỉ định trong giai đoạn viêm da cơ địa cấp tính, giúp chống viêm và giảm dị ứng. Thuốc chỉ được sử dụng với liều lượng thấp trong khoảng 3 ngày;
  • Thuốc kháng sinh, chống nấm: Trường hợp viêm da cơ địa bội nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc chống nấm và kháng sinh toàn thân trong 7 - 10 ngày;
  • Thuốc chống viêm không steroid: Cải thiện triệu chứng cho các trường hợp bị tổn thương da gây sốt nhẹ, đau và viêm;
  • Viên uống bổ sung: Viên uống bổ sung vitamin nhóm B và C được sử dụng cho các trường hợp bị viêm da cơ địa mãn tính tái phát nhiều lần do nguyên nhân thiếu hụt vi chất dinh dưỡng và suy giảm miễn dịch.

Ngoài ra, Tây y còn sử dụng quang trị liệu và chiếu tia laser để điều trị viêm da cơ địa ở người lớn nếu việc sử dụng thuốc không đạt hiệu quả mong muốn.

4.2 Áp dụng phương pháp dân gian

Phương pháp này có độ an toàn cao nhưng tác dụng chậm nên thường được sử dụng phối hợp với Tây y. Một số bài thuốc dân gian điều trị viêm da cơ địa ở người lớn gồm:

  • Lá trầu không: Tinh dầu từ lá trầu không có tác dụng tiêu viêm, sát trùng, giảm ngứa và phục hồi các mô da bị tổn thương. Khi bệnh viêm da cơ địa bước sang giai đoạn ổn định, bệnh nhân có thể nấu nước tắm từ lá trầu không để giảm viêm, ngứa, làm mờ các vết thâm sạm;
  • Lá chè xanh: Có tác dụng sát trùng, tiêu viêm và giảm ngứa. Bệnh nhân có thể nấu nước chè xanh để uống và ngâm rửa vùng da bị tổn thương;
  • Lá lốt: Có tính ấm, vị cay nồng và khả năng sát trùng mạnh. Người bị viêm da cơ địa mãn tính gây ngứa nhiều có thể nấu lá lốt với nước và dùng ngâm tắm để giảm triệu chứng khó chịu.

Sử dụng lá trầu không có tác dụng tiêu viêm, sát trùng, giảm ngứa và phục hồi các mô da bị tổn thương
Sử dụng lá trầu không có tác dụng tiêu viêm, sát trùng, giảm ngứa và phục hồi các mô da bị tổn thương

4.3 Lưu ý trong quá trình điều trị

Viêm da cơ địa là bệnh lý có tính chất hệ thống nên ngoài việc điều trị tại chỗ, người bệnh cần thực hiện thêm các biện pháp dưới đây để nâng cao thể trạng, cải thiện hệ miễn dịch:

  • Loại bỏ các yếu tố có thể là nguyên nhân gây khởi phát viêm da cơ địa: Mỹ phẩm, thức ăn, tình trạng căng thẳng tâm lý,...;
  • Tập thể dục 20 - 30 phút/ngày để cải thiện hệ thống miễn dịch;
  • Dành thêm thời gian nghỉ ngơi, xây dựng chế độ ăn uống điều độ, giữ tâm trạng thoải mái và giảm khối lượng công việc;
  • Uống 2 - 2,5 lít nước/ngày để cung cấp độ ẩm cho da, thúc đẩy hoạt động đào thải độc tố ở gan, thận,...;
  • Dưỡng ẩm 2 lần/ngày, kết hợp sử dụng thêm kem chống nắng và các biện pháp bảo vệ da khi đi dưới ánh nắng mặt trời.

Bệnh viêm da cơ địa ở người lớn nếu không được chú ý điều trị sớm, hiệu quả thì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do đó, khi có các dấu hiệu cảnh báo bệnh lý này, người bệnh nên chủ động tới các bệnh viện để được thăm khám, có lựa chọn điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe