Rượu bia có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Việc sử dụng rượu bia quá mức có thể dẫn đến ngộ độc và thậm chí tử vong. Vậy cần làm gì sau khi uống nhiều rượu?
1. Tại sao cần giảm tác hại của rượu bia?
Trong những dịp quan trọng, đặc biệt là Lễ Tết, tình trạng sử dụng rượu bia quá mức đã khiến số trường hợp ngộ độc rượu tăng so với ngày thường. Nhiều trường hợp ngộ độc rượu do không được xử trí kịp thời đã dẫn đến hôn mê sâu và thậm chí tử vong.
Thành phần rượu bình thường (hay còn gọi là rượu bia thực phẩm) có chứa Ethanol (là một loại cồn). Tuy được dùng trong công nghiệp thực phẩm nhưng bản thân Ethanol cũng là chất có thể gây độc cho con người. Ethanol ức chế hệ thần kinh trung ương và gây giảm hoạt động của các nơron thần kinh.
Tình trạng ngộ độc ethanol có thể cấp hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu bia thường xuyên uống. Do đó việc sử dụng nhiều rượu bia không chỉ dẫn đến say xỉn mà còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Ngộ độc Ethanol cấp tính có những biểu hiện như sau:
- Giai đoạn đầu: Đặc trưng là những dấu hiệu kích thích như cảm giác sảng khoái, nói nhiều hoặc rối loạn phối hợp động tác;
- Giai đoạn sau gây ức chế thần kinh với những biểu hiện như giảm phản xạ gân xương, giảm tri giác, mất khả năng tập trung tư tưởng, giãn mạch ngoại vi gây hạ huyết áp và có thể dẫn đến tử vong.
Ngộ độc Ethanol mãn tính xảy ra khi sử dụng rượu dài ngày. Bệnh nhân bị sụt cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương tế bào gan và đường ruột, da tái do thiếu máu, xơ gan, ung thư gan, mất trí nhớ, run và đôi khi biểu hiện rối loạn tâm thần.
Tuy nhiên, một tình trạng nguy hiểm hơn và thường dẫn đến tử vong là sử dụng rượu có chứa Methanol (một loại cồn chỉ dùng trong công nghiệp). Methanol sau khi được đưa vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành Formaldehyde thông qua enzym Alcohol-Dehydrogenase và sau đó thành Formic acid nhờ enzym Acetaldehyde-Dehydrogenase. Những chất chuyển hóa của Methanol sẽ trực tiếp gây độc cho gan và thận với biểu hiện suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc, đặc biệt là nhiễm toan máu nặng. Khi mới uống rượu có chứa Methanol, bệnh nhân chỉ có biểu hiện loạng choạng, hoa mắt, buồn nôn, nôn ói... và tương tự tình trạng say rượu bình thường và khiến người uống lầm tưởng nhưng thực chất là đang bị ngộ độc. Nếu để kéo dài, bệnh nhân sẽ dần rơi vào tình trạng tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng. Những trường hợp ngộ độc rượu Methanol cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời, tuy nhiên dù được cứu sống nhưng vẫn có nguy cơ cao để lại nhiều di chứng về thần kinh.
Để giảm tác hại của rượu bia và phòng ngừa ngộ độc rượu, cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế khuyến cáo:
- Không sử dụng quá nhiều rượu (dưới 30 ml một ngày với rượu nồng độ cồn từ 30% trở lên);
- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol cao hơn 0.05%;
- Không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ ràng độc tính, mật cá hay những loại rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân;
- Đặc biệt, không cho trẻ dưới 16 tuổi uống rượu bia và cấm người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) uống rượu hoặc các loại nước có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên;
- Không uống khi không biết rõ nguồn gốc hoặc không có giấy chứng nhận lưu hành của cơ quan chức năng có thẩm quyền;
- Không uống rượu bia khi đang đói, mệt mỏi hoặc căng thẳng.
2. Cần làm gì sau khi uống nhiều rượu?
2.1. Những việc nên làm sau khi uống rượu
- Khi sử dụng rượu mà cảm thấy chếnh choáng, chúng ta nên tìm cách để gây nôn ói, sau đó xát mạnh 2 bên má;
- Sau uống rượu nên uống nhiều nước để dự phòng mất nước, đặc biệt khi nôn ói liên tục. Trong đó nước ấm sẽ tốt hơn nước lạnh, đồng thời có thể nên uống thêm các loại nước khác như nước chanh, nước cam, nước ép, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ (đặc biệt là đậu xanh). Uống nhiều lần các loại nước trên sẽ hỗ trợ gan giải độc các trường hợp nhẹ;
- Cởi nút áo cổ, tháo thắt lưng và nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa sau khi uống nhiều rượu bia;
- Làm gì sau khi uống nhiều rượu? Một trong những việc nên làm là duy trì tư thế nằm úp xuống giường, 2 tay xuôi ra sau và mặt nghiêng về bên trái;
- Người sau uống nhiều rượu nếu buồn ngủ thì người nhà hãy để yên cho họ ngủ. Tuy nhiên khoảng vài tiếng phải đánh thức họ dậy để cho ăn cháo loãng và dự phòng hạ đường huyết do đói rất nguy hiểm.
2.2. Những việc không nên làm sau uống rượu
- Không sử dụng những loại thuốc có tác dụng bổ gan với mục đích giải độc rượu;
- Không uống vitamin B1, B6, Acid folic... để điều trị đau đầu do say rượu vì khả năng gây hại cho tế bào gan;
- Paracetamol, aspirin và một số loại thuốc giảm đau hạ sốt khi dùng đồng thời với rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ kích ứng niêm mạc dạ dày, đôi khi gây xuất huyết đường tiêu hóa;
- Không uống các loại thuốc chống nôn vì nguy cơ giữ lại chất độc trong cơ thể. Khi gan không kịp đào thải thì chất độc càng gây tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ dẫn đến xơ gan và thậm chí là ung thư gan.
3. Một số lưu ý để giảm tác hại của rượu bia
- Có nên tắm sau khi uống rượu là thắc mắc của nhiều người. Các chuyên gia cho biết không tắm ngay sau khi uống rượu bia vì tắm ngay sẽ làm tiêu hao một lượng lớn đường Glucose, từ đó dẫn đến hạ đường huyết, đôi khi đột ngột gây giảm thân nhiệt và thậm chí gây đột quỵ/trụy tim mạch;
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi hay đậu nành do thành phần rất giàu Vitamin và chất chống oxy hóa. Khi dùng sẽ giúp bảo vệ gan và hạn chế tác hại của cồn đến hoạt động của gan;
- Không hút thuốc lá trong khi đang uống rượu bia do tăng nguy cơ ung thư thực quản và vòm họng;
- Không uống trà ngay sau khi uống rượu bia vì thành phần trong trà có chứa tanin sẽ kích thích nhanh hơn quá trình thẩm thấu của cồn vào niêm mạc dạ dày;
- Để giảm tác hại của rượu bia thì cách tuyệt đối nhất vẫn là không uống, đặc biệt là khi đói. Khi bụng đói, lượng acid trong dạ dày tăng lên, khi kết hợp với cồn trong rượu bia sẽ làm người uống dễ say hơn, kèm theo đó là cảm giác nôn nao, khó chịu. Vì vậy, vừa ăn vừa uống hay ăn một chút lót dạ trước khi uống rượu bia là cách giảm tác hại của rượu bia vừa tốt do đẩy lùi được cơn vừa giảm bớt tác hại của rượu bia với sức khỏe cơ thể;
- Không dùng nhiều loại rượu, bia cùng lúc, như rượu thuốc, rượu vang, rượu trắng... Nguyên nhân là do mỗi loại có thành phần và liều lượng khác nhau, khi trộn lẫn lộn sẽ dễ gây say hơn bình thường;
- Không uống nhiều rượu trong một lần, thay vào đó hãy uống từ từ để giảm cơn say. Đây cũng là một cách giảm tác hại của rượu bia vì một lượng cồn lớn bất ngờ "đổ bộ" vào cơ thể trong thời gian ngắn có thể gây những triệu chứng nguy hiểm như tác động nhanh, mạnh đến não bộ, có thể biểu hiện choáng và nhịp tim nhanh say hơn;
- Uống nhiều nước khi uống rượu bia. Dù lượng nước nhiều hay ít thì việc này cũng đẩy nhanh quá trình đào cồn ra khỏi cơ thể qua đường tiểu tiện, làm bạn không bị say khi uống rượu;
- "Làm ấm" rượu trước khi uống: Đối với tất cả các loại rượu, trước khi uống, bạn hãy "làm ấm" chúng bằng cách ngâm vào nước nóng. Dưới tác động của nhiệt độ, một số chất có hại trong rượu sẽ bay hơi, từ đó giảm được những tác động xấu của rượu tới sức khỏe cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.