Vị trí tiêm thuốc kích trứng là điều mà nhiều nữ bệnh nhân quan tâm khi chuẩn bị tiến hành các phương pháp thụ tinh nhân tạo. Vậy, đâu là những vị trí tiêm thuốc kích trứng tốt nhất, phương pháp này có những tác dụng phụ nào và cần làm gì để giảm tác dụng phụ thuốc kích trứng. Cùng đọc bài viết sau để tìm hiểu nhé!
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BS Phạm Thị Kim Yến, chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, tại Vinmec Times City.
1. Tiêm thuốc kích trứng là gì?
Tiêm thuốc kích trứng là một trong những phương pháp hỗ trợ sinh sản, được áp dụng trong các trường hợp khó thụ thai và đặc biệt các trường hợp được chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc thụ tinh nhân tạo (IUI).
Quá trình này sẽ kích thích sự phát triển và trưởng thành của nang trứng. Sự phát triển của nhiều loại thuốc mới đã làm tăng tỷ lệ thành công trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản, đồng thời cung cấp cho bác sĩ nhiều lựa chọn hơn trong việc chỉ định thuốc, lên kế hoạch điều trị phù hợp với từng trường hợp.
2. Vị trí tiêm thuốc kích trứng phổ biến
Hiện nay, người vợ có thể sử dụng nhiều phương pháp để tiêm thuốc vào cơ thể. Vị trí tiêm thuốc phổ biến và được ưa chuộng nhất là tiêm dưới da bụng vùng quanh rốn. Mũi tiêm được thực hiện tại vị trí cách rốn 3-5cm, tiêm dưới da với chiều dài đầu kim chỉ 1cm. Với cách tiêm này người bệnh có thể dễ dàng tự thực hiện tại nhà, giảm thiểu chi phí đi lại và bất tiện khi phải đến cơ sở y tế tiêm kích trứng dài ngày. Người bệnh nên lưu ý thường xuyên đỏi vị trí tiêm không tiêm tại 1 chỗ duy nhất tránh gây xuất huyết dưới da, tím và đau vị trí tiêm.
3. Một số triệu chứng sau khi tiêm thuốc kích trứng
Tiêm thuốc kích trứng sẽ kích thích sản xuất nội tiết tố trong cơ thể. Trong quá trình này, cơ chế tự miễn dịch của cơ thể sẽ phản ứng với các kháng nguyên lạ, gây ra những phản ứng từ nhẹ đến nặng.
Triệu chứng ở mỗi người sẽ khác nhau tùy thuộc vào cơ địa. Do đó, người vợ nên quan sát và xử lý kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp:
3.1 Ngứa và nổi mẩn tại vị trí tiêm thuốc kích trứng
Nếu bị dị ứng với thuốc, người vợ sẽ cảm thấy ngứa và thậm chí phát ban tại vị trí tiêm. Các trường hợp nặng cần liên hệ với nhân viên y tế ngay lập tức.
3.2 Căng tức ngực
Cảm giác căng tức ngực có thể sẽ tương tự như dấu hiệu tiền kinh nguyệt. Do tác động của thuốc kích trứng, nồng độ Estradiol tăng nhanh, gây ra cảm giác không thoải mái và căng tức ở vùng ngực. Cảm giác này sẽ dần dần biến mất khi quá trình kích trứng kết thúc.
3.3 Tăng tiết dịch âm đạo
Tương tự như cảm giác căng tức ngực, dịch nhầy âm đạo - một biểu hiện tiền kinh nguyệt khác cũng xuất hiện do tác động của Estradiol. Phụ nữ cần quan sát chất lượng của dịch nhầy này để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ để phòng ngừa nguy cơ âm đạo bị viêm nhiễm. Nếu thấy dịch khác thường, phụ nữ cần đến bệnh viện để kiểm tra và xác định bản thân có đang mắc phải bệnh phụ khoa nào không.
3.4 Bụng phình to
Cảm giác bụng phình to hơn bình thường xuất phát từ quá trình phát triển của các nang noãn, làm cho hai buồng trứng tăng kích thước so với thường ngày. Tuy nhiên, mọi người cần đề phòng trường hợp bụng phình to do hội chứng quá kích buồng trứng.
Khi mắc hội chứng quá kích buồng trứng, ngoài chướng bụng, phụ nữ có thể xuất hiện các triệu chứng như khó thở, đau bụng, tăng cân và nôn mửa. Những trường hợp xảy ra các cơn đau dữ dội cũng có thể do xoắn buồng trứng hoặc mang thai ngoài tử cung. Chính vì thế, chị em cần theo dõi kĩ các triệu chứng và đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường.
4. Cách làm giảm tác dụng phụ của thuốc
Để giảm nhẹ tác dụng phụ của thuốc kích trứng, người vợ cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ. Nếu phát hiện bất kỳ phản ứng lạ nào, người vợ nên đi khám để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể. Dưới đây là một số biện pháp giảm tác dụng phụ của việc tiêm thuốc kích trứng:
4.1 Theo dõi các dấu hiệu lạ của cơ thể
Khi có phản ứng, người vợ nên giữ bình tĩnh và theo dõi các dấu hiệu. Tuy nhiên, không phải tất cả các dấu hiệu đều cảnh báo về nguy cơ xấu. Đôi khi, cơ thể chỉ đang tự kích hoạt cơ chế phòng vệ và sẽ tự khỏi.
4.2 Bổ sung đủ nước
Mọi người thường có suy nghĩ hạn chế uống nước khi bị chướng bụng do lo ngại uống nhiều nước sẽ dẫn đến việc bụng phình to.
Tuy nhiên, phụ nữ sau khi tiêm kích trứng cần phải bổ sung đủ lượng nước hàng ngày bằng các dung dịch điện giải. Theo các chuyên gia, uống đủ 2 lít dung dịch oresol mỗi ngày sẽ góp phần làm giảm nguy cơ mắc phải hội chứng quá kích buồng trứng.
Đồng thời, phụ nữ có thể bổ sung thêm vitamin và khoáng chất từ các thực phẩm khác. Vận động và tập luyện một số bài tập nhẹ nhàng như yoga để lưu thông khí huyết.
4.3 Chườm bụng
Đau bụng dưới trong thời điểm hành kinh thường sẽ gây khó chịu và triệu chứng này cũng xuất hiện sau khi tiêm thuốc kích trứng. Lúc này, người vợ nên sử dụng túi chườm bụng để giảm đau và khiến cơ thể dễ chịu hơn. Hãy sử dụng túi chườm ở độ ấm vừa phải để tránh tình trạng bỏng.
Nếu cơn đau bụng dưới trở nên nghiêm trọng, phụ nữ không nên dùng thuốc giảm đau. Lúc này, hãy tới các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời.
4.4 Chế độ dinh dưỡng
Phụ nữ trong thời kì kích trứng cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Người bệnh nên ăn nhiều đạm để giảm nguy cơ quá kích buồng trứng. Những thực phẩm giàu đạm như trứng, cá hồi, thịt bò,...rất có giá trị trong khoảng thời gian này.
Ngoài ra, người bệnh nên duy trì cân nặng hợp lý, tránh ăn những thực phẩm nhiều tinh bột, đường nhanh và chất béo. Việc tăng cân không kiểm soát có thể ảnh hưởng đến chất lượng trứng cũng như gây nhiều tác động tiêu cực khi mang thai và sinh em bé.
4.5 Thăm khám bác sĩ định kỳ
Bất kỳ nguy cơ nào cũng có thể xuất hiện trong suốt quá trình tiêm thuốc kích trứng. Các biến chứng như quá kích buồng trứng, xoắn nang noãn, vỡ nang noãn hay băng huyết đều có thể xảy ra.
Vì thế, chị em phụ nữ cần theo dõi chặt chẽ các triệu chứng và thực hiện thăm khám thường xuyên. Điều này sẽ đảm bảo toàn bộ quá trình được diễn ra an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, mọi người không được tự ý tự điều trị khi gặp bất kỳ biến chứng nào.
Phương pháp kích trứng đã được áp dụng thành công ở nhiều cặp đôi đang mong con. Rất nhiều em bé khỏe mạnh và đáng yêu đã chào đời nhờ vào bước tiến quan trọng này.
Hiểu rõ về quy trình, vị trí tiêm thuốc kích trứng cũng như các biến chứng và phương pháp điều trị sẽ giúp các cặp vợ chồng có sự chuẩn bị tốt hơn để chào đón bé yêu của cả gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.