Khi túi mật bị viêm hay có nhiều sỏi sẽ gây ra đau đớn cho người bệnh. Trên thăm khám lâm sàng dựa vào vị trí của túi mật, bác sĩ xác định được điểm đau túi mật, từ đó giúp chẩn đoán và định hướng nguyên nhân bệnh viêm túi mật.
1. Túi mật nằm ở đâu?
Mật được các tế bào gan sản xuất rồi đổ vào các đường mật trong gan, sau đó dịch mật được sử dụng để tiêu hoá các tế bào chất béo. Nếu không sử dụng hết, dịch mật sẽ quay trở lại túi mật và dự trữ tại đó. Dịch mật trong túi mật bị mất nước để trở thành dạng cô đặc hơn.
Túi mật là một túi nhỏ hình quả lê, dài khoảng từ 6 đến 8 cm, cấu tạo gồm 3 phần đáy, thân và cổ túi mật. Vị trí của túi mật là ở mặt dưới của thùy gan phải, sát bờ sườn bên phải.
Túi mật có vai trò dự trữ và điều tiết dịch mật xuống đường tiêu hóa khi cần để giúp cơ thể tiêu hóa và hấp thu chất béo. Khi chúng ta nạp các chất béo vào cơ thể, túi mật sẽ co bóp để tống đẩy dịch mật vào ống mật chủ xuống ruột non. Tại đây dịch mật sẽ giúp việc phân tách các chất béo, hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong dầu( vitamin A, D, E, K ).
2. Đau túi mật là gì?
Đau túi mật là tình trạng đau do nguyên nhân xuất phát từ túi mật. Nguyên nhân thường gây ra đau túi mật là do tình trạng viêm túi mật.
Viêm túi mật xảy ra do nhiễm trùng túi mật. Tình trạng này diễn ra đột ngột gọi là viêm túi mật cấp tính hoặc tái phát nhiều lần gọi là viêm túi mật mãn tính. Bệnh lý viêm túi mật nếu không được xử lý kịp thời sẽ đưa đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Nguyên nhân chính dẫn tới viêm túi mật đó là sỏi túi mật. Sỏi túi mật làm tắc đường dẫn mật, rồi lâu dần sẽ gây bội nhiễm vi khuẩn từ đó dẫn tới viêm túi mật cấp. Ngoài nguyên nhân chính là do sỏi thì viêm túi mật có thể do vài nguyên nhân khác như chấn thương, hẹp cơ vòng oddi, ung thư túi mật...
Viêm túi mật cấp thường biểu hiện với các biểu hiện theo thứ tự sau:
- Đầu tiên, người bệnh sẽ cảm thấy rất đau vùng hạ sườn phải, đau lan lên vai, sau lưng, đôi khi đau vùng thượng vị. Đau tăng lên khi ăn uống, đi lại, không có tư thế chống đau cố định.
- Tiếp theo, sau khi xuất hiện đau khoảng trên 6h thì người bệnh sẽ biểu hiện sốt cao, rét run. Lúc sốt nóng lúc sốt lạnh.
- Sau khi đau và sốt người bệnh sẽ có biểu hiện vàng da, vàng mắt mức độ tùy thuốc vào tình trạng ứ mật.
3. Đau túi mật ở đâu?
Trong thực hành khám lâm sàng người ta chia bụng thành 9 vùng khác nhau, tương ứng với các vùng sẽ là các cơ quan nội tạng tại vùng đó. Từ các mốc cố định trên vùng bụng, chúng ta có thể xác định được một số điểm đau dùng trong chẩn đoán và định hướng một số bệnh.
Trên thực hành khám lâm sàng người ta tìm điểm đau túi mật thông qua thăm khám bằng nghiệm pháp murphy. Các bước tiến hành nghiệm pháp murphy như sau:
- Đâu tiên xác định điểm túi mật:
Cách 1: Xác định điểm giao nhau giữa bờ ngoài cơ thẳng bụng.
Cách 2: Xác định điểm gặp nhau giữa cung sườn bên phải với đường phân giác của góc 1/4 trên bên phải tạo bởi đường trắng giữa bụng vuông góc với đường ngang qua rốn.
- Thực hiện nghiệm pháp murphy:
Dùng đầu ngón tay 2,3,4 ấn từ từ vào điểm túi mật đã xác định bên trên, ấn từ từ và từ nông vào sâu. Đồng thời người bệnh hít sâu từ từ. Nếu như bệnh nhân không hít sâu cố hết sức được mà phải dừng giữa chừng vì đau thì gọi là dương tính.
Đây là một nghiệm pháp rất đặc hiệu để xác định tình trạng viêm túi mật. Tuy nhiên, trong viêm teo túi mật có thể gặp nghiệm pháp Murphy âm tính giả. Trường hợp nhìn thấy túi mật gồ lên, kết hợp biểu hiện rõ thì không cần thăm khám nghiệm pháp này.
Viêm túi mật là bệnh lý thường gặp gây đau túi mật. Bệnh thường gặp trên những người có yếu tố nguy cơ cao như tiền sử sỏi mật, thừa cân béo phì...và có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nên nếu xuất hiện tình trạng đau túi mật hay nghi ngờ nên thăm khám để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.