Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Đức - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông
Phòng kỷ dược liệu là một vị thuốc quý, chế biến từ rễ cây phòng kỷ và là thành phần trong nhiều bài thuốc đông y. Tác dụng của phòng kỷ bao gồm hỗ trợ điều trị phong thấp, cao huyết áp, mụt nhọt, tiểu tiện không thông...
1. Phòng kỷ dược liệu là gì?
Phòng kỷ là tên thường dùng, ngoài ra dược liệu này còn có các tên gọi khác như phấn phòng kỷ, hán phòng kỷ, kim ty điếu miết, thạch thiềm thừ, sơn ô quy, đảo địa cung, bạch mộc hương. Tên khoa học là Stephania tetrandra. Cây phòng kỷ thuộc họ Tiết dê, pháp danh khoa học là Menispermaceae.
Tuy nhiên, cần phân biệt cây phòng kỷ thuộc họ Tiết dê này với các loại phòng kỷ khác như quảng phòng kỷ hay mộc phòng kỷ thuộc họ mộc thông (Aristolochiaceae).
Đặc điểm sinh thái của cây phòng kỷ:
- Là loại cây thân leo sống lâu năm, phần rễ phình to thành củ;
- Thân cây mềm chiều dài từ 2.5 đến 4m, phần vỏ màu xanh nhạt nhưng ở phần gốc thì có màu hơi đỏ;
- Lá cây phòng kỷ mọc so le, hình tim, chiều dài và rộng gần như tương đương nhau (từ 4 – 6cm), 2 mặt lá phòng kỷ đều có lông mịn. Mặt trên màu xanh lục, mặt dưới màu hơi xám, cuống lá dài gần bằng chiều dài của lá;
- Rễ thường có hình dạng cong queo, bên ngoài có màu vàng, bên trong có màu trắng xám. Đặc biệt, phần rễ cây phòng kỷ rất nặng, rắn chắc, có mùi nhẹ, vị hơi đắng;
- Hoa nhỏ mọc thành từng tán đơn. Mùa hoa nở thường vào tháng 5-6 hằng năm;
- Quả hạch, hình cầu, hơi dẹt, khi chín có màu đỏ, mùa quả thường từ tháng 7 đến tháng 9.
Trên thế giới, cây hán phòng kỷ phân bố chủ yếu ở khu vực miền núi, trên các sườn núi với rừng cây bụi và cây thân thảo, tập trung nhiều ở một số tỉnh của Trung Quốc như Chiết Giang, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam... Tại Việt Nam, cây phòng kỷ vẫn chưa được tìm thấy.
Phòng kỷ dược liệu chính là phần rễ của cây hán phòng kỷ. Vào mùa thu (khoảng tháng 9-10), người dân sẽ thu hoạch bằng cách đào lấy những rễ cây to, rắn chắc. Sau đó, đem về rửa thật sạch để loại bỏ đất cát rồi cạo bỏ phần vỏ ngoài và đem đi ngâm nước cho mềm. Cuối cùng, phần rễ còn lại được đem đi cắt thành từng lát dày chừng 5 – 20cm để phơi hoặc sấy khô. Phòng kỷ dược liệu cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát để hạn chế mối mọt, ẩm mốc.
2. Thành phần hóa học và tác dụng của phòng kỷ dược liệu
Phòng kỷ có thành phần hóa học chủ yếu là các alkaloid (tetrandrin, dimethyl tetrandrin, fangchinoline, menisine, menisidine, cyclanoline) và các loại tinh dầu.
Kết quả các nghiên cứu dược lý cho thấy, các loại alkaloid có trong hán phòng kỷ có tác dụng hạ áp nhanh. Phòng kỷ dược liệu có tác dụng làm giãn hệ mạch vành, giúp tăng lưu lượng máu nuôi và cung cấp oxy cho tế bào cơ tim. Các hoạt chất có trong phòng kỷ còn có khả năng chống rối loạn nhịp tim. Chất tetrandrine A và B có tác dụng chống viêm, đồng thời đa số các tetrandrine đều có thể giúp giảm đau hiệu quả.
Tác dụng khác của phòng kỷ dược liệu bao gồm:
- Giải nhiệt;
- Chống dị ứng và phản vệ;
- Thư giãn cơ vân;
- Đặc biệt là khả năng chống ung thư mà chủ yếu là do tetrandrine A;
- Cả tetrandrine A và B đều có tác dụng kháng amip. Riêng tetrandrine A có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ Shigella.
Phòng kỷ dược liệu có vị đắng, vị cay, tính hàn. Quy kinh vào bàng quang, thận, tỳ. Theo Y Học Cổ Truyền, tác dụng của phòng kỷ dược liệu bao gồm:
- Lợi tiểu tiêu thũng;
- Khu phong chỉ thống;
- Chữa thủy thũng, thấp cước khí, tiểu tiện không thông;
- Chữa nhọt độc, phong thấp tê đau.
Liều lượng mỗi thang thuốc sắc có phòng kỷ là từ 5-10g/ngày.
Một số lưu ý khi sử dụng phòng kỷ:
- Dược liệu có vị đắng hàn nên dễ gây tổn thương cho tỳ vị, do đó những người có tỳ vị vốn hư, âm hư mà không có chứng thấp nhiệt thì không nên dùng;
- Trên thực nghiệm khi cho động vật uống liều lớn tetrandrine A có thể gây độc cho gan, thận, tuyến thượng thận nên cần thận trọng khi sử dụng phòng kỷ;
- Theo kinh nghiệm Đông y, hán phòng kỷ và mộc phòng kỷ đều có tác dụng trừ phong thấp và tiêu thũng. Tuy nhiên hán phong kỷ lợi thủy, tiêu thũng mạnh hơn, còn mộc phòng kỷ lại khu phong chỉ thống tốt hơn.
3. Một số bài thuốc từ hán phòng kỷ dược liệu
3.1. Bài thuốc trị viêm, sưng đau khớp
- Bài thuốc số 1: Sử dụng các thành phần: phòng kỷ, bạch truật, sinh khương, bạch linh mỗi vị 12g, cam thảo 9g, ô đầu 6g, quế chi 3g. Đem tất cả các thành phần tiến hành sắc lấy nước uống;
- Bài thuốc số 2: Thành phần bao gồm phòng kỷ 15g, ý dĩ nhân 15g, mộc qua 9g, ngưu tất 9g, sau đó đem tất cả đi sắc nước để uống;
- Bài thuốc 3: Sử dụng 10g phòng kỷ, 10 tằm sa đều, 12g uy linh tiên, 15g kê huyết đằng và đem đi sắc lấy nước uống.
3.2. Bài thuốc trị phù thũng, bí tiểu
- Bài thuốc số 1: Lấy các thành phần phòng kỷ dược liệu, bạch truật mỗi loại 10g, hoàng kỳ 16g, cam thảo 5g đem đi sắc lấy nước uống;
- Bài thuốc số 2: Sử dụng các dược liệu phòng kỷ, phục linh, hoàng kỳ, quế chi mỗi loại 10g và 6g, cam thảo để đem đi sắc lấy nước uống.
3.3. Bài thuốc trị chứng nhiệt tý (thấp khớp cấp)
Ngâm phòng kỷ dược liệu với rượu trong 20 ngày, sau đó đem ra uống mỗi lần từ 10 – 20ml, ngày uống từ 2 – 3 lần trong vòng 10 ngày/liệu trình, cần 3 – 6 liệu trình, mỗi lần cách nhau 4 – 5 ngày.
Phòng kỷ dược liệu là một vị thuốc quý, chế biến từ rễ cây phòng kỷ và là thành phần trong nhiều bài thuốc đông y. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ tại các đơn vị, phòng khám cơ sở y tế Y Học Cổ Truyền uy tín.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.