Vì sao trẻ khó vào giấc ngủ đêm?

Trong những năm tháng đầu đời, giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Trẻ khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên quấy khóc sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và nhịp sống của cả gia đình.

1. Tổng quan về giấc ngủ của trẻ

Mỗi ngày trung bình trẻ sơ sinh ngủ khoảng 18-20 giờ, gần như ngủ suốt cả ngày lẫn đêm và thường chỉ thức dậy khi đói. Tuy vậy không phải trẻ sơ sinh nào cũng ngủ một giấc thẳng đến sáng, rất nhiều trẻ gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ như: Trẻ khó vào giấc ngủ đêm, ngủ không sâu giấc, hay quấy khóc, dễ giật mình... có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ sau này. Nếu tình trạng này kéo dài có thể làm giảm trí nhớ, giảm khả năng học tập, thậm chí dẫn đến rối loạn hành vi và cảm xúc khi trẻ lớn lên.

Chu kỳ tự nhiên của cơ thể khi thức và ngủ được gọi là nhịp sinh học (đồng hồ sinh học). Những đợt ngủ được phân định bởi ánh sáng ban ngày và bóng tối ban đêm. Trẻ em bắt đầu có nhịp sinh học vào khoảng 6 tuần tuổi, cha mẹ nên chú ý theo dõi nhịp này và trao đổi với bác sĩ nếu thấy con xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:

  • Trẻ thức giấc bất thường (giật mình, quấy khóc, la hét...);
  • Trẻ gặp vấn đề về hô hấp;
  • Trẻ ngủ ngáy, đặc biệt là ngáy to;
  • Trẻ khó vào giấc ngủ và không duy trì được giấc ngủ;
  • Trẻ thường xuyên thấy buồn ngủ vào ban ngày.

Trẻ khó vào giấc ngủ đêm là tình trạng khá phổ biến
Trẻ khó vào giấc ngủ đêm là tình trạng khá phổ biến

2. Nguyên nhân trẻ khó vào giấc ngủ đêm

Trẻ khó vào giấc ngủ đêm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề giấc ngủ ở trẻ sơ sinh:

2.1. Nguyên nhân sinh lý giấc ngủ

Theo các nghiên cứu, giấc ngủ được chia thành 2 giai đoạn:

  • Giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (Rapid Eye Movement - REM): Giai đoạn này hơi thở và nhịp tim của trẻ nhanh hơn vì não bộ và các cơ quan hô hấp tăng cường hoạt động dù trẻ đang ngủ.
  • Giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (Non Rapid Eye Movement - NREM).

Đối với người trưởng thành thì giai đoạn NREM chiếm đến 75% tổng thời gian ngủ, 25% còn lại là giai đoạn REM. Trong khi đó với trẻ sơ sinh thì hai giai đoạn này gần như tương đương nhau. Do vậy, giai đoạn REM trẻ thường khó ngủ và dễ giật mình tỉnh giấc khi có tác động từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, trẻ khó vào giấc ngủ đêm cũng có thể do được cho bú quá no hoặc chưa đủ no. Khi trẻ lớn hơn, biết bò, biết đi thì có xu hướng hoạt động nhiều hơn vào ban ngày, điều này cũng có thể khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ hơn.

2.2. Nguyên nhân bệnh lý

Trong nhiều trường hợp, trẻ khó ngủ có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý dưới đây:

  • Thiếu vi chất: Thiếu các chất dinh dưỡng như magie, kẽm, sắt... có thể dẫn đến tình trạng còi xương, hội chứng chân không yên thường xuyên mệt mỏi ở trẻ. Hệ quả là trẻ khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu, thường xuyên ngủ gà vào ban ngày và khó ngủ vào ban đêm. Đặc biệt, thiếu vitamin D, canxi còn được xem là một trong những nguyên nhân khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ;
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Do khả năng đề kháng của trẻ còn yếu, khó chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn nên trẻ rất dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh lý như viêm mũi, viêm phế quản, viêm amidan, viêm phổi... Khi mắc một trong những bệnh lý trên, trẻ sơ sinh thường có biểu hiện khó thở, thở khò khè hay thở bằng miệng, ngủ ngáy... và nếu kéo dài sẽ khiến trẻ khó ngủ, hay quấy khóc;
  • Béo phì: Tình trạng thừa cân, béo phì có thể khiến đường thở của trẻ bị phì đại gây khó khăn khi thở. Trẻ đa phần phải thở bằng miệng nên rất khó đi vào giấc ngủ, dễ tỉnh giấc và hay quấy khóc vào ban đêm;
  • Mộng du: Đặc trưng của tình trạng này là trẻ hay gặp ác mộng, dễ dàng bật dậy nói chuyện, khua tay chân trong khi vẫn đang ngủ. Rối loạn giấc ngủ dạng này khiến trẻ hay vặn mình, ngủ không sâu giấc và dễ sợ hãi;

Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khác khách quan hơn khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ mà cha mẹ có thể tham khảo:

  • Do tã, bỉm bị ướt; giường chiếu và quần áo không sạch khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu;
  • Môi trường xung quanh ồn ào, nhạc to... dễ làm cho trẻ giật mình tỉnh giấc;
  • Ánh sáng trong phòng ngủ quá sáng hoặc không thích hợp với trẻ;
  • Nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh cũng có thể khiến trẻ khó ngủ;
  • Trẻ đã ngủ nhiều vào ban ngày dễ bị khó ngủ khi về đêm;
  • Trẻ bú ít, không đủ no dễ bị nhanh đói. Do đó trẻ thường ngủ không sâu giấc và hay tỉnh dậy để đòi bú mẹ;
  • Trẻ đã được quen bế ẵm hoặc đưa võng khi ngủ. Do vậy nếu không được bế hoặc không được nằm nôi thì sẽ khó đi vào giấc ngủ và quấy khóc.

Thiếu vitamin D, canxi còn được xem là một trong những nguyên nhân khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ
Thiếu vitamin D, canxi còn được xem là một trong những nguyên nhân khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ

3. Làm sao khi trẻ khó đi vào giấc ngủ?

Sau khi đã tìm hiểu vì sao trẻ khó vào giấc ngủ đêm dưới góc nhìn khoa học, cha mẹ có thể thực hiện một số biện pháp để giúp trẻ dễ đi vào giấc hơn:

3.1. Quan sát dấu hiệu muốn ngủ của trẻ

Nếu trẻ thức quá lâu sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và khó đi vào giấc hơn. Do vậy cha mẹ nên nhận biết các dấu hiệu buồn ngủ của trẻ như: Kéo tai, ngáp, mắt lim dim, chớp liên tục, cong người... và nhanh chóng đặt bé vào giường, nôi và ru ngủ nhẹ nhàng;

3.2. Luyện cho trẻ cách phân biệt ngày đêm

Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, nhiều trẻ đã có thói quen thức đêm và khi sinh ra thói quen này vẫn không thay đổi. Mặc dù đã khuya nhưng nhiều trẻ vẫn quấy khóc, không muốn ngủ khiến mẹ rất mệt mỏi.

Để khắc phục tình trạng này, cha mẹ tránh để trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày. Nếu trẻ còn thức nên dành thời gian chơi với trẻ càng nhiều càng tốt. Lúc cho trẻ bú cữ mẹ cũng nên nói chuyện và hát cho trẻ nghe. Trước giờ ngủ vệ sinh cho bé sạch sẽ, cho bé mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát, bú đủ trước khi ngủ để trẻ không thức giấc vì đói. Đồng thời giữ không gian yên tĩnh và điều chỉnh ánh sáng thích hợp để trẻ dễ ngủ hơn.

3.3. Tập cho trẻ cách tự ngủ

Cha mẹ có thể tham khảo phương pháp giúp bé tự ngủ ngoan như: “Bế lên đặt xuống” (PUPD). Để thực hiện, khi bé buồn ngủ mẹ có thể bế bé và thì thầm những lời nhẹ nhàng, đến lúc bé thiu thiu ngủ thì đặt bé xuống giường. Tránh không tạo thói quen xấu để bé ngủ hẳn trên tay rồi mới đặt xuống hoặc đưa võng, lắc nôi khi bé ngủ.

Trẻ khó ngủ, thường xuyên quấy khóc giữa đêm sẽ khiến nhịp sống gia đình đảo lộn. Nhưng nếu biết cách rèn cho trẻ nếp ngủ ngoan và đúng giờ thì trẻ sẽ không còn quấy khóc hay thức giấc giữa đêm nữa. Bên cạnh đó cha mẹ cũng cần lưu ý các nguyên nhân bệnh lý để can thiệp và xử trí kịp thời. Nếu trẻ vẫn bị rối loạn giấc ngủ hoặc xuất hiện dấu hiệu bất thường, nên đưa bé đến bệnh viện có chuyên khoa Nhi để được thăm khám và điều trị kịp thời.


Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ khó vào giấc ngủ đêm
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ khó vào giấc ngủ đêm

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe