Vì sao phụ nữ mang thai hay bị viêm đường tiết niệu?

Viêm đường tiết niệu khi mang thai thường xảy ra vào tháng thứ 4 của thai kỳ với các biểu hiện như tiểu buốt, tiểu rắt, sốt và đau bụng. Bệnh sẽ tiến triển nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sinh non, sảy thai, nhiễm trùng thai nhi...

1. Viêm đường tiết niệu khi mang thai là gì?

Viêm đường tiết niệu là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ đặc biệt phụ nữ trong thời kỳ mang thai sức đề kháng suy yếu tạo cơ hội cho các vi khuẩn từ da, âm đạo hay trực tràng xâm nhập vào đường tiết niệu gây ra tình trạng nhiễm trùng.

Viêm đường tiết niệu khi mang thai có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau của đường tiết niệu như thận, ống niệu quản, ống niệu đạo và đôi khi bệnh tiến triển âm thầm và không có nhiều triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho thai phụ như sinh non, sảy thai, nhiễm khuẩn sơ sinh...

Viêm đường tiết niệu khi mang thai bao gồm một số thể nhiễm khuẩn như sau:

  • Thể nhiễm khuẩn không có triệu chứng: Vi khuẩn đã sinh sôi và phát triển trong niệu đạo, tuy nhiên người bệnh chưa có biểu hiện rõ ràng
  • Thể viêm bàng quang: Vi khuẩn phát triển rộng và có một số biểu hiện cụ thể
  • Thể viêm thận - bể thận cấp: Bệnh phát triển nặng và triệu chứng rõ rệt hơn, thai phụ phải đến bệnh viện điều trị ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé.

Viêm đường tiết niệu khi mang thai có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau của đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu khi mang thai có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau của đường tiết niệu

2. Vì sao phụ nữ mang thai hay bị viêm đường tiết niệu?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến phụ nữ mang thai hay bị viêm đường tiết niệu hơn so với người bình thường, trong đó:

  • Sức đề kháng của phụ nữ mang thai thường suy yếu hơn so với bình thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, vi sinh vật phát triển và gây ra bệnh
  • Khi mang thai, do sức ép của tử cung lên bàng quang khiến lượng nước tiểu của thai phụ trong bàng quang khó xuất hết, lượng nước tiểu còn sót lại đó chính là nguồn lây nhiễm khi trào ngược từ bàng quang lên niệu đạo, là môi trường để vi khuẩn phát triển.
  • Trong thời kỳ mang thai, các hormone thai kỳ sẽ làm giãn trương lực cơ niệu quản khiến dòng chảy của nước tiểu chậm hơn so với bình thường và thời gian đi qua đường tiết niệu mất nhiêu thời gian hơn khiến vi khuẩn có thời gian để sinh sôi và gây ra bệnh.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến phụ nữ mang thai hay bị viêm đường tiết niệu
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến phụ nữ mang thai hay bị viêm đường tiết niệu

3. Các triệu chứng của viêm đường tiết niệu khi mang thai

Viêm đường tiết niệu khi mang thai thường xảy ra vào tháng thứ 4 của thai kỳ với các biểu hiện không rõ ràng và nhiều người thường nhầm lẫn với các thay đổi do mang thai. Các triệu chứng của viêm đường tiết niệu khi mang thai có thể không giống nhau giữa mỗi người nhưng nhìn chung đều có những biểu hiện như sau:

Nhiễm trùng bàng quang: Thai phụ cảm thấy đau, nóng rát khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục, cảm thấy muốn đi tiểu thường xuyên mặc dù có rất ít hoặc không có nước tiểu trong bàng quang, khi đi tiểu thấy vẩn đục hoặc đôi khi có máu kèm theo, nước tiểu có mùi hôi khó chịu, thai phụ cảm thấy đau bụng dưới, có thể sốt nhẹ kèm theo.

Nhiễm trùng thận: Sốt nặng kèm theo ớn lạnh, run hoặc đổ mồ hôi, đau ở nhiều vị trí như thắt lưng, một hoặc cả hai bên xương sườn, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn. Khi đi tiểu thai phụ có thể thấy máu hoặc mủ trong nước tiểu.

4. Điều trị viêm đường tiết niệu khi mang thai như thế nào?

Phụ nữ mang thai nếu bị viêm đường tiết niệu thể nhẹ như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm bàng quang sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị tại nhà bằng các kháng sinh ít có hại cho mẹ và bé, sau đợt điều trị thai phụ phải đi xét nghiệm lại nước tiểu để đánh giá tình trạng bệnh tránh để bệnh tiến triển nặng gây nguy hiểm cho thai phụ.

Đối với các trường hợp viêm đường tiết niệu khi mang thai thể nặng như viêm thận, bể thận cấp... thai phụ cần tích cực đến bệnh viện để phối hợp điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Thai phụ sẽ được theo dõi sát sao và tiến hành các xét nghiệm cần thiết cho quá trình điều trị cũng như được chăm sóc sản khoa như kiểm tra thai, theo dõi tim thai...

Bên cạnh việc điều trị thì việc phòng bệnh viêm đường tiết niệu khi mang thai là yếu tố cần mà mỗi thai phụ nên tuân thủ để tránh mắc phải căn bệnh này. Thai phụ có thể giảm nguy cơ viêm đường tiết niệu bằng các cách như sau:

  • Uống đủ nước từ 1,5 đến 2 lít nước một ngày để làm loãng nước tiểu, góp phần loại bỏ các vi khuẩn có trong nước tiểu
  • Không nên nhịn tiểu, nên đi khi cảm thấy buồn và đảm bảo tiểu sạch hoàn toàn
  • Nên đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục
  • Vệ sinh sau khi đi tiểu như dùng giấy nhẹ nhàng thấm khô, dùng nước rửa...
  • Vệ sinh âm đạo đúng cách, tránh việc đưa vi khuẩn từ hậu môn quay ngược trở lại âm đạo
  • Dùng quần lót làm từ chất liệu cotton, không mặc quần quá bó sát, không ngâm bồn tắm quá lâu và thường xuyên...
  • Hạn chế đi giày cao gót
  • Thai phụ nếu bị các bệnh viêm nhiễm âm đạo nên điều trị dứt điểm để tránh lây nhiễm sang các vùng khác
  • Thai phụ nên đi thử nước tiểu định kỳ để sớm phát hiện viêm nhiễm nếu có.

Uống đủ nước từ 1,5 đến 2 lít nước một ngày để làm loãng nước tiểu giúp giảm nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu khi mang thai
Uống đủ nước từ 1,5 đến 2 lít nước một ngày để làm loãng nước tiểu giúp giảm nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu khi mang thai

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe