Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Trình - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Phân suất tống máu là chỉ số quan trọng trong siêu âm tim bởi sẽ giúp bác sĩ xác định tình trạng rối loạn chức năng tâm thu hoặc đánh giá mức độ suy giảm chức năng thất trái, đồng thời có ý nghĩa đánh giá hiệu quả các phương pháp điều trị ở bệnh nhân suy tim.
1. Khi nào nên siêu âm tim?
Tim có chức năng quan trọng là bơm máu để nuôi cơ thể. Sự bơm máu của tim là theo chu kỳ và lượng máu được bơm phải đủ lớn để đảm bảo cho sự hoạt động bình thường của cơ thể. Nếu vì một lý do nào đó mà sức bơm máu của tim thay đổi thì chức năng của các hệ cơ quan trong cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Vì vậy, cần thực hiện siêu âm tim để đánh giá nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.
Siêu âm tim là phương pháp thăm dò không xâm lấn, không gây hại sức khỏe cũng như gây đau cho người bệnh. Khi thực hiện siêu âm tim, bác sĩ sẽ theo dõi cấu trúc, kích thước, nhịp tim và chức năng thông qua hình ảnh để phân tích, đánh giá tình trạng của tim như:
- Cách tim hoạt động, co bóp, sức bơm của tim
- Kích thước, hình dạng tim và chuyển động bơm của các thành tim
- Sự hoạt động của các van tim
- Có khối u hay viêm nhiễm xung quanh van tim, cơ tim, mạch máu không.
Từ những thông số trên sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán các vấn đề có thể gặp ở tim mạch như: Mạch máu lớn vào và ra khỏi tim; vấn đề về cơ tim, màng trong, màng ngoài của tim; bệnh lý van tim cục máu đông trong buồng tim và lỗ bất thường giữa các buồng tim... Vì vậy, khi thấy những dấu hiệu bất thường sau đây, người bệnh nên đi siêu âm tim:
- Khó thở khi lao động nhẹ hoặc khi nghỉ ngơi
- Cảm thấy mệt mỏi thường xuyên
- Bất thường ở nhịp tim như loạn nhịp, nhịp tim tăng
- Sưng, phù nề ở chân.
2. Phân suất tống máu là gì?
Ngoài những dấu hiệu lâm sàng và tiền sử bệnh lý về tim mạch, chỉ số phân suất tống máu là một chỉ số rất quan trọng trong việc đánh giá chức năng tim ở những bệnh nhân bị suy tim. Phân suất tống máu hay còn gọi là chỉ số EF trong siêu âm tim, đây là một chỉ số được dùng để đánh giá chức năng thất trái, thể hiện lượng máu thực tế được bơm ra khỏi thất trái sau mỗi nhát bóp so với toàn bộ lượng máu chứa trong thất trái trước đó.
Theo nghiên cứu, chỉ số phân suất tống máu ở người bình thường tại Việt Nam là vào khoảng 63 ± 7% - cao hơn chỉ số trung bình trên thế giới. Việc kiểm tra phân suất tống máu sẽ giúp xác định tình trạng rối loạn chức năng tâm thu hoặc đánh giá mức độ suy giảm chức năng thất trái.
Ngoài ra, ở người bệnh bị suy tim, chỉ số phân suất tống máu có ý nghĩa đánh giá hiệu quả các phương pháp điều trị. Nếu chỉ số phân suất tống máu của người bệnh được cải thiện thì đồng nghĩa với việc điều trị có hiệu quả. Chính vì vậy, phân suất tống máu là chỉ số quan trọng trong siêu âm tim.
3. Các giá trị của chỉ số phân suất tống máu trong siêu âm tim
Chỉ số phân suất tống máu trong siêu âm tim có thể nói lên các bất thường hoặc bình thường. Cụ thể:
- Phản ánh tình trạng rối loạn chức năng tâm thu: Chỉ số EF đối với người khỏe mạnh là khoảng 50 - 70%. Nếu siêu âm cho thấy kết quả phân suất tống máu thay đổi thì có nghĩa sức khỏe tim mạch của người bệnh đang có vấn đề.
- Nếu trường hợp phân suất tống máu cao trên 75%, có thể người bệnh đang mắc chứng cơ tim phì đại (thành tim dày lên, đặc biệt là ở tâm thất trái và tâm thất phải) khiến cho thể tích buồng tim giảm, từ đó tỷ lệ máu bơm ra khỏi tim tăng trong khi lượng máu bơm lại rất ít.
- Khi siêu âm tim, nếu phân suất tống máu thấp dưới 50%, có thể là dấu hiệu cảnh báo chức năng bơm máu của tim suy giảm, tim không còn khả năng bơm máu đủ với nhu cầu của cơ thể.
4. Phải làm gì khi phân suất tống máu giảm?
Khi phân suất tống máu giảm thì càng nguy hiểm đến sức khỏe nhưng người bệnh cũng không nên quá lo lắng. Tùy vào mức độ giảm của phân suất tống máu, bác sĩ sẽ đưa ra những khuyến cáo thích hợp như:
- Hạn chế muối: Phân suất tống máu giảm tức thì khả năng bơm máu của tim không đủ đáp ứng cho cơ thể khiến dịch bị ứ đọng trong hệ tuần hoàn. Nếu bạn bổ sung nhiều muối vào cơ thể thì khiến lượng dịch đi vào ngày một nhiều, áp lực cho tim cũng lớn hơn.
- Điều trị bằng thuốc: Ngoài kết hợp với việc ăn uống, sinh hoạt, người bệnh có thể sẽ được kê thuốc điều trị.
- Kiểm soát lượng dịch vào cơ thể: Nếu lượng dịch đưa vào cơ thể lớn sẽ gây thêm gánh nặng cho tim, khiến bệnh nhân suy tim ngày càng nặng, khó điều trị.
- Vận động, rèn luyện cơ thể hợp lý: Theo nghiên cứu, những người bệnh tập thể dục đều đặn, hợp lý thì sẽ cải thiện đáng kể sức khỏe tim mạch và phân suất tống máu của tim. Vì vậy, mọi người nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập các bài tập thể dục thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.