Vì sao phải kiểm tra nước tiểu khi mắc bệnh thận

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Xét nghiệm nước tiểu là chỉ số quan trọng giúp chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý, đặc biệt là bệnh thận. Xét nghiệm nước tiểu có thể giúp phát hiện một loạt các rối loạn về thận và đường tiết niệu, bao gồm bệnh thận mãn tính, tiểu đường, nhiễm trùng tiết niệu và sỏi thận.

1. Tại sao cần xét nghiệm nước tiểu khi chẩn đoán bệnh thận?

Thận khỏe mạnh có chức năng loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa từ máu. Xét nghiệm máu và nước tiểu cho thấy hiệu quả làm việc của thận và chất thải cơ thể được loại bỏ như thế nào.

Xét nghiệm nước tiểu cũng có thể phát hiện xem thận có bị rò rỉ lượng protein bất thường hay không, một dấu hiệu của tổn thương thận.

2. Các xét nghiệm nước tiểu dùng trong chẩn đoán bệnh thận

Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ cho thấy thận của bạn sản xuất bao nhiêu nước tiểu, có thể đưa ra một phép đo chính xác hơn về việc thận của bạn hoạt động tốt như thế nào và bao nhiêu protein rò rỉ từ thận vào nước tiểu trong một ngày.


Xét nghiệm nước tiểu giúp chẩn đoán tình trạng hoạt động của thận trong ngày
Xét nghiệm nước tiểu giúp chẩn đoán tình trạng hoạt động của thận trong ngày

2.1 Xét nghiệm nước tiểu

Bao gồm kiểm tra bằng kính hiển vi của mẫu nước tiểu cũng như test nhanh bằng que nhúng (dipstick test), que nhúng là một dải được xử lý hóa học, được nhúng vào mẫu nước tiểu. Dải này thay đổi màu sắc khi có sự bất thường như lượng protein, máu, mủ, vi khuẩn và đường dư thừa.

Xét nghiệm nước tiểu có thể giúp phát hiện một loạt các rối loạn về thận và đường tiết niệu, bao gồm bệnh thận mãn tính, tiểu đường, nhiễm trùng bàng quang và sỏi thận.

2.2 Protein niệu

Protein niệu là dấu hiệu cho thấy có bệnh lý ở thận, có máu trong nước tiểu hay có nhiễm trùng.

2.3 Microalbumin niệu

Đây là một xét nghiệm que thử nhạy hơn, có thể phát hiện một lượng nhỏ protein gọi là albumin trong nước tiểu. Những người có nguy cơ mắc bệnh thận, chẳng hạn như những người mắc bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao, nên làm xét nghiệm này hoặc xét nghiệm tỷ lệ albumin-creatinine nếu xét nghiệm que thử tiêu chuẩn của họ cho protein niệu là âm tính.


Người mắc bệnh huyết áp hoặc tiểu đường nên thực hiện xét nghiệm Microalbumin niệu
Người mắc bệnh huyết áp hoặc tiểu đường nên thực hiện xét nghiệm Microalbumin niệu

2.4 Độ thanh thải Creatinin

Xét nghiệm thanh thải creatinine so sánh creatinin trong mẫu nước tiểu 24 giờ với mức độ creatinine trong máu của bạn để cho thấy lượng chất thải mà thận đang lọc ra mỗi phút.

2.5 Chỉ số pH nước tiểu

Chỉ số pH nước tiểu dùng để kiểm tra xem nước tiểu có tính chất acid hay bazơ

2.6 Hồng cầu niệu

Đây dấu hiệu cho thấy có nhiễm trùng đường tiểu, sỏi thận, hay xuất huyết từ bàng quang hoặc bướu thận

2.7 Ketone niệu

Dấu hiệu hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường không kiểm soát, chế độ ăn ít chất carbohydrate, nghiện rượu, nhịn ăn trong thời gian dài.

2.8 Glucose (Glu)

Dấu hiệu hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường

2.9 Nitrate (NIT)

Thường dùng để chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng đường tiểu.


Xét nghiệm Nitrate giúp chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng đường tiểu
Xét nghiệm Nitrate giúp chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng đường tiểu

3. Cách lấy nước tiểu để làm xét nghiệm

Tùy vào từng yêu cầu của xét nghiệm nước tiểu mà bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách lấy nước tiểu phù hợp:

3.1 Lấy nước tiểu giữa dòng

Đây là cách lấy nước tiểu làm xét nghiệm thường gặp nhất. Mẫu nước tiểu xét nghiệm đòi hỏi phải sạch, tươi.

Đầu tiên, người bệnh cần vệ sinh sạch bộ phận sinh dục ngoài bằng nước, sau đó đi tiểu bình thường và dùng lọ vô trùng hứng nước tiểu giữa dòng nghĩa là không lấy nước tiểu lúc bắt đầu và lúc kết thúc đi tiểu.

Mẫu nước tiểu giữa dòng sẽ dùng để thực hiện hầu hết các xét nghiệm như: Tổng phân tích nước tiểu để phát hiện tiểu đạm, tiểu máu, tiểu bạch cầu, soi nước tiểu, cấy nước tiểu. Trong một số trường hợp, kỹ thuật viên sẽ lấy nước tiểu trực tiếp qua ống sonde bàng quang. Kỹ thuật viên sẽ dùng một sonde nhỏ đặt vào bàng quang để lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm vi trùng. Bệnh nhân được hướng dẫn vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài, đặt sonde, bỏ 100-200 ml nước tiểu đầu, sau đó lấy khoảng 20ml vào ống nghiệm vô trùng để gửi xét nghiệm vi khuẩn.

3.2 Lấy nước tiểu 24 giờ

Mẫu nước tiểu 24 giờ sẽ được sử dụng để xác định lượng đạm, hoặc một số chất khác mất qua nước tiểu trong một ngày, hay kết hợp với xét nghiệm máu để ước đoán chức năng thận. Cách lấy nước tiểu 24 giờ như sau:


Lấy nước tiểu 24 giờ thường được kết hợp với xét nghiệm máu
Lấy nước tiểu 24 giờ thường được kết hợp với xét nghiệm máu
  • Người bệnh sẽ được chuẩn bị dụng cụ là bình chứa nước tiểu và chất bảo quản (acid chlohydric 1%)
  • 6 giờ sáng bạn thức dậy và đi tiểu lần đầu, nước tiểu này được bỏ đi
  • Từ lần tiểu thứ 2, toàn bộ lượng nước tiểu được trữ trong dụng cụ chứa có sẵn chất bảo quản. Lưu ý lấy cả nước tiểu khi đại tiện, khi tắm
  • Đến 6 giờ sáng hôm sau, bạn đi tiểu lần cuối vào dụng cụ chứa và mang số nước tiểu 24 giờ này đến phòng xét nghiệm.

4. Lưu ý khi lấy nước tiểu xét nghiệm

  • Trước khi xét nghiệm nước tiểu nên tránh ăn những thực phẩm có màu vì sẽ khiến nước tiểu thay đổi màu
  • Phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt nên báo với bác sĩ để được thực hiện xét nghiệm nước tiểu ở lần sau
  • Một số loại thuốc, thực phẩm chức năng có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm, do đó hãy thông báo cho bác sĩ biết về những loại thuốc bạn đang dùng trước khi tiến hành lấy mẫu nước tiểu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe