Nang tuyến thượng thận nếu không được điều trị có thể gây tổn thương các cơ quan khác, đặc biệt là hệ thống tim mạch, thậm chí dẫn tới tử vong. Phẫu thuật nội soi nang tuyến thượng thận là phương pháp điều trị hữu hiệu cho bệnh lý này.
1. Nang tuyến thượng thận là gì?
Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết nằm sau phúc mạc, phía trên 2 thận, có chức năng sản xuất các hormone quan trọng, giúp cân bằng nước - điện giải, điều hòa huyết áp, chống căng thẳng,...
Nang tuyến thượng thận hay u tuyến thượng thận là một khối u lành tính phát triển trong tuyến thượng thận. Khối u tuyến thượng thận có thể phát triển ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp hơn trong độ tuổi 20 - 50.
Với những bệnh nhân bị u tuyến thượng thận, khối u sẽ giải phóng các hormone, gây cao huyết áp liên tục. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các triệu chứng khác như đau đầu, tim đập nhanh, đổ nhiều mồ hôi, run rẩy, khó thở, da xanh tái, lo lắng, táo bón, sụt cân,...
Huyết áp cao do u tuyến thượng thận có thể làm tổn thương nhiều cơ quan, đặc biệt là các mô não, thận và hệ tim mạch. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn tới bệnh tim, suy thận, đột quỵ, suy hô hấp cấp tính, tổn thương các dây thần kinh mắt hoặc ung thư. Phẫu thuật loại bỏ khối u là phương pháp điều trị chính cho các trường hợp u tuyến thượng thận. Trước phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc điều trị cao huyết để tránh gây tai biến trong quá trình phẫu thuật. Và phẫu thuật nội soi là phương pháp thường được chỉ định.
2. Phẫu thuật nội soi nang tuyến thượng thận
2.1 Chỉ định/chống chỉ định
Chỉ định
Các trường hợp nang tuyến thượng thận được phát hiện tình cờ, kích thước 3 - 7cm.
Chống chỉ định
- Bệnh nhân có chống chỉ định phẫu thuật nội soi: Mắc các bệnh hô hấp, tim mạch, rối loạn đông máu;
- Bệnh nhân có khối u ác tính đã xâm lấn, huyết khối tĩnh mạch hoặc ung thư di căn hạch;
- Phụ nữ mang thai 3 tháng cuối.
2.2 Chuẩn bị phẫu thuật
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ phẫu thuật nội soi, bác sĩ gây mê hồi sức, phụ tá;
- Phương tiện kỹ thuật: Hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng, dụng cụ phẫu thuật nội soi cơ bản, dao hàn mạch,...;
- Bệnh nhân: Được chia sẻ về mục đích phẫu thuật, các bước thực hiện, tai biến có thể xảy ra; được khám lâm sàng, làm các xét nghiệm lâm sàng phát hiện nang tuyến thượng thận; kết hợp với bác sĩ chuyên khoa nội tiết và tim mạch điều trị trước mổ; phối hợp với bác sĩ gây mê hồi sức thăm khám xếp loại nguy cơ;
- Hồ sơ bệnh án: Hoàn thiện đúng thủ tục quy định.
2.3 Thực hiện phẫu thuật
Bước 1: Kiểm tra hồ sơ và người bệnh, đảm bảo đúng người và đúng bệnh;
Bước 2: Thực hiện phẫu thuật. Có 2 lựa chọn là phẫu thuật theo đường vào trong phúc mạc hoặc phẫu thuật theo đường vào sau phúc mạc.
2.3.1 Với phẫu thuật theo đường vào trong phúc mạc
Mổ cắt nang tuyến thượng thận bên trái:
- Tư thế bệnh nhân phù hợp với kỹ thuật;
- Đặt 3 trocar dọc theo bờ sườn trái và có thể đặt thêm 1 trocar hỗ trợ nếu cần thiết. Vị trí đặt trocar và số trocar thay đổi tùy tính chất khối u và nhận định của bác sĩ phẫu thuật;
- Bơm hơi ổ phúc mạc: Kỹ thuật bơm hơi mở, áp lực 10-12mmHg, tốc độ bơm ban đầu là 2 - 3 l/phút;
- Mở phúc mạc thành bụng sau;
- Cắt bỏ dây chằng lách thận và dây chằng lách đại tràng. Cắt chỗ bám của lách ở trên và bên để lách di động dễ dàng;
- Phẫu tích tĩnh mạch thận và tĩnh mạch thượng thận chính trái;
- Kẹp, cắt giữa tĩnh mạch tuyến thượng thận trái;
- Cắt bỏ các động mạch cung cấp cho tuyến thượng thận khi tuyến thượng thận được phẫu tích tự do;
- Tách chỗ bám giữa tuyến thượng thận và thận bằng hook;
- Lấy bệnh phẩm, đưa qua lỗ trocar 10mm, chuyển tới khoa giải phẫu bệnh để làm xét nghiệm tế bào;
- Dẫn lưu, khâu các lỗ trocar.
Mổ cắt nang tuyến thượng thận bên phải:
- Tư thế bệnh nhân phù hợp với kỹ thuật;
- Đặt 3 trocar dọc theo bờ sườn phải, có thể đặt thêm 1 trocar để nâng gan nếu cần thiết;
- Cắt dây chằng tam giác phải để nâng gan, bộc lộ cực trên thận, mở phúc mạc thành bụng sau, hạ đại tràng góc gan, nâng gan lên, thấy được tĩnh mạch chủ dưới và tuyến thượng thận phải nằm sau, dưới gan;
- Thực hiện tương tự mổ cắt nang tuyến thượng thận bên trái.
2.3.2 Với phẫu thuật theo đường vào sau phúc mạc
Mổ cắt nang tuyến thượng thận phải:
- Bệnh nhân được gây mê nội khí quản, tư thế phù hợp với kỹ thuật;
- Đặt trocar: Trocar 1 (10mm) đặt gần đầu xương sườn XI, dưới xương sườn XII; trocar 2 (10mm hoặc 5mm) đặt ở góc tạo bởi khối cơ cạnh sống với xương sườn XII, trocar 3 (10mm hoặc 5mm) đặt trên mào chậu;
- Vị trí trocar 1 là vị trí tách phúc mạc ra khỏi thành bụng: Rạch da 1 - 2cm ở đầu xương sườn XI, dưới xương sườn XII, dùng dao điện hoặc Kelly tách cơ và cân cho tới khi thấy cân ngực thắt lưng. Sau đó cắt cân ngực thắt lưng bằng kéo hoặc dao điện và dùng ngón tay để bóc tách, tạo một khoảng trống giữa sau cân cơ Psoas và cân Gerota;
- Đưa sonde dạ dày có buộc ngón găng ở đầu hoặc sonde Foley buộc bao cao su ở đầu vào khoảng trống giữa sau cân cơ Psoas và cân Gerota;
- Bơm hơi qua sonde khoảng 200 - 300ml tạo khoang sau phúc mạc;
- Đặt trocar 10mm đầu tù vào khoang sau phúc mạc vừa tạo, bơm hơi tới áp lực 12 - 13mmHg;
- Mở cân Gerota, sau đó xác định rốn thận và cực trên thận;
- Bộc lộ, phẫu tích tuyến thượng thận bên phải khỏi cực trên thận phải;
- Kẹp tĩnh mạch thượng thận chính phải và cắt;
- Phẫu tích tuyến thượng thận bên phải;
- Kẹp và cắt bỏ các nhánh động mạch cung cấp máu cho tuyến thượng thận phải;
- Lấy bệnh phẩm, đưa qua lỗ trocar 10mm, chuyển tới khoa giải phẫu bệnh để làm xét nghiệm tế bào;
- Dẫn lưu, khâu các lỗ trocar.
Mổ cắt nang tuyến thượng thận trái: Thực hiện tương tự.
2.4 Theo dõi và xử trí tai biến
- Theo dõi tình trạng toàn thân, nước tiểu, điện giải đồ, dẫn lưu hố thượng thận và các hormon tuyến thượng thận;
- Biến chứng sớm sau mổ: Chảy máu, nhiễm trùng vết mổ thành bụng, tràn khí dưới da, tắc ruột: Xử trí đúng phác đồ tùy theo thương tổn.
Phẫu thuật nội soi nang tuyến thượng thận có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mở: Thời gian nằm viện ngắn, sẹo mổ nhỏ, bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe. Để giảm biến chứng khi điều trị, người bệnh nên tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ trước, trong và sau phẫu thuật.