Chữa sỏi thận bằng thảo dược hay chữa sỏi thận bằng thuốc nam đang ngày một trở thành phương pháp phổ biến, tiết kiệm chi phí cho những người bị sỏi thận. Vậy cách điều trị sỏi thận bằng thuốc nam bao gồm những phương thức gì và dùng như thế nào? Tất cả thông tin sẽ có trong bài viết dưới đây.
1. Sỏi thận có thể điều trị bằng thuốc nam được không
Sỏi thận là tình trạng bệnh lắng đọng và tích tụ các khoáng chất trong nước tiểu ở người bệnh, cụ thể là các tinh thể cứng (calci phosphat, calci oxalat, hỗn hợp oxalat và phosphat, sỏi không có calci như acid uric, systin). Nguyên nhân chính gây ra sỏi thận thường là nước tiểu đặc, nồng độ khoáng chất trong máu cao và chất ức chế kết tinh sỏi bị giảm. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống có thực phẩm chứa nhiều muối, đường, chất bão hòa, đạm cũng có thể gây ra sỏi thận. Một số tình trạng khác cũng dễ dẫn tới sỏi thận là béo phì, thừa cân, lười vận động.
Sỏi thận thường sẽ gây ra các triệu chứng cho người bệnh như đau tức, nặng vùng thắt lưng, tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu ra nước đục,.. Lâu ngày có thể gây ra ứ mủ ở thận, đái ít, biến chứng của sỏi thận thể nhẹ có thể là nhiễm trùng đường tiểu, nặng thì có thể suy thận, vỡ thận, viêm bể thận cấp hay tắc đường tiểu.
Hiện nay, ngoài các phương pháp điều trị sỏi thận như tán sỏi bằng sóng xung kích, tán sỏi thận qua da, nội soi ống mềm, ống cứng và phẫu thuật mở, thì người bệnh còn biết đến phương pháp chữa sỏi thận bằng cách dùng thuốc nam, hay còn gọi là điều trị sỏi thận bằng đông y
Trong đông y thì sỏi thận còn được gọi là thạch lâm, khái niệm sỏi thận được hình thành từ những nguyên do bệnh nhân ăn uống với nhiều thức ăn mặn, cay nóng, gây uất kết lâu ngày dồn xuống bàng quang. Sỏi thận có thể do phòng sự quá độ khiến thận âm hao tổn, gây ảnh hưởng tới tác dụng khí hóa của bàng quang, từ đó khiến tạp chất trong nước tiểu kết lại gây hình thành sỏi.
Phương pháp đông y hay còn gọi là thuốc nam có những nhóm cây, thảo dược chuyên dùng trong điều trị sỏi thận như kim tiền thảo, cây sung, cây ngò gai, cây râu mèo, rễ cỏ tranh, râu ngô, cây dứa dại, mã đề, chuốt hột, nho tươi.
2. Các giống cây đông y trong điều trị sỏi thận
Các loài cây có nguồn gốc từ thiên nhiên được dùng trong các bài thuốc đông y giúp chữa sỏi thận hiệu quả. Cụ thể như sau:
- Cây Kim tiền thảo
Kim tiền thảo có tác dụng lợi tiểu, kiềm hóa nước tiểu, giảm đau chống viêm. Ngoài ra, loài cây này còn có tác dụng ngừa lắng đọng sỏi và biến chứng viêm đường tiết niệu do sỏi.
Thông thường, phương thuốc điều trị sỏi thận từ Kim tiền thảo là dùng khoản 25-40g lá này sắc nước uống cùng với thảo dược như Râu mèo, Xa tiền tử. Các bài thuốc cổ như Bát chính tán, Thạch vị tán là các bài thuốc trị sỏi thận tối ưu.
- Cây râu mèo
Cây râu mèo được dân gian ví như khắc tinh của bệnh sỏi thận/ sỏi tiết niệu. Tác dụng chính của cây râu mèo được biết đến là lợi tiểu, tăng sự bào mòn sỏi và giảm các khoáng chất như calci, oxalat và acid uric trong máu.
Liều dùng cây râu mèo trong các bài thuốc đánh tan sỏi thận là dùng 30-50g cây râu mèo đun với nửa lít nước lọc, uống 2-3 lần trong ngày. Thời gian uống là 15-30 phút trước bữa ăn, uống 8 ngày, nghỉ 2-4 ngày sau đó lại uống tiếp 8 ngày.
- Râu bắp (râu ngô)
Râu bắp được biết đến là một loại nước lợi tiểu, tăng lưu lượng nước tiểu. Ngoài ra thì râu bắp còn được biết đến với chức năng cầm máu trong trường hợp sỏi thận gây trầy xước niêm mạc tiết niệu.
Với 10g râu bắp đung với 200ml nước, uống 3-4 lần trong ngày, dùng trong 10 ngày liên tục thì sẽ có công dụng làm tan sỏi thận của người bệnh, giảm các triệu chứng đau rát khi đi tiểu.
- Cây mã đề
Với cây mã đề, người ta hay lấy hạt chín của loại cây này để sắc nước uống. Hạt chín của cây mã đề gọi là Xa tiền tử, có tác dụng lợi tiểu, ngăn ngừa viêm đường tiết niệu do sỏi. Cách dùng rất đơn giản, phơi khô hạt mã đề sau đó sắc nước uống hàng ngày.
3. Các bài thuốc chữa sỏi thận trong đông y
Sỏi thận thể thấp nhiệt và thể thận hư trong đông y đều có các bài thuốc riêng, cụ thể như sau:
Thể thấp nhiệt
Ở thể thấp nhiệt thì bệnh nhân có biểu hiện trì trệ, đi tiểu có màu vàng hoặc đỏ, nước tiểu đục và có cặn, đau nhức vùng thắt lưng.
Bài thuốc dùng cho thể thấp nhiệt như sau:
Bài 1: Kim tiền thảo (hàm lượng 30g), quả dành dành (hàm lượng 20g), vỏ núc nác (hàm lượng 16g), hoa và lá mã đề (hàm lượng 20g), xương bồ (hàm lượng 8g), mộc thông (hàm lượng 12g), tỳ giải (hàm lượng 30g), cam thảo đất (hàm lượng 16g), ý dĩ nhân (hàm lượng 20g), quế chi (hàm lượng 4g).
Rửa sạch tất cả lá và thảo dược trên, thái nhỏ và sao vàng, làm khô. Cho vào ấm đất với 4 bát nước và đun nhỏ lửa. Đun cho đến khi còn 2 bát nước thì chắt ra, cho nước sắc tiếp. Mỗi lần uống lấy 1,5 bát nước, nước đun từ hỗn hợp bài thuốc trên trong từng lần sẽ được trộn chung lại, chia làm nhiều lần uống trong ngày, bài thuốc này được khuyến cáo uống trong 2-3 tháng
Bài 2: Bài thuốc 2 ở thể thấp nhiệt có cách dùng tương tự như bài 1, chỉ khác thành phần trong bài thuốc như sau: Mộc thông (hàm lượng 12g), biển súc (hàm lượng 12g), sa tiền tử (hàm lượng 12g), hoạt thạch (hàm lượng 12g), cù mạch (hàm lượng 12g), sơn chi tử (hàm lượng 12g), đại hoàng (hàm lượng 8g), cam thảo (hàm lượng 6g).
Thể thận hư
Ở thể thận hư, các biểu hiện như ở thể thấp nhiệt đều có đủ. Người bệnh còn có thêm các biểu hiện như mệt mỏi, đau lưng, mỏi đầu gối, ù tai, ngại vận động, mộng tinh ở nam giới, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ.
Bài thuốc: Tơ hồng (sao vàng) (hàm lượng 30g), tỳ giải (hàm lượng 30g), thổ phục linh (hàm lượng 20g), mã đề (hàm lượng 16g), hoài sơn (sao vàng) (hàm lượng 30g), liên nhục (hàm lượng 20g), thạch vĩ (hàm lượng 12g), quy bản (hàm lượng 10g). Cách dùng tương tự với bài 1 thể thấp nhiệt.
Ngoài việc sử dụng những bài thuốc kể trên để điều trị sỏi thận, người bệnh cũng nên kết hợp một chế độ dinh dưỡng khoa học như uống đủ 1.5-2 lít nước mỗi ngày, chế độ ăn lành mạnh nhiều hoa quả, tập thể dục đều đặn. Tránh các thức ăn và đồ uống gây lắng đọng calci để quá trình điều trị sỏi thận bằng thuốc nam được hiệu quả.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán sỏi thận