Những ngày cuối năm, bạn có thể tận hưởng không khí dễ chịu hơn; tuy nhiên, nó cũng đi kèm với rủi ro nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng cao khi thời tiết lạnh. Đặc biệt với những người lớn tuổi và những người có sẵn nguy cơ mắc bệnh tim mạch lại trở thành mối lo ngại. Vậy làm thế nào để giữ một trái tim khỏe mạnh và tránh các nguy cơ tai biến, đột quỵ trong mùa này?
1. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng cao khi thời tiết lạnh
Trong những ngày cuối năm, không khí mát mẻ có thể mang lại cảm giác dễ chịu nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng cao khi thời tiết lạnh.Khi nhiệt độ giảm, cơ thể phản ứng bằng cách co thắt mạch máu để giữ nhiệt, từ đó làm tăng huyết áp. Cao huyết áp không chỉ gây áp lực lên tim mà còn ảnh hưởng đến tốc độ và hiệu quả của dòng máu lưu thông trong cơ thể, đặc biệt là máu nuôi dưỡng tim và não.
Thời tiết lạnh cũng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Các cục máu đông này có thể tạo ra tình trạng tắc nghẽn mạch máu, cản trở sự lưu chuyển máu đến các cơ quan quan trọng. Trong trường hợp máu không thể đến được tim hoặc não, nguy cơ xảy ra các tình trạng nguy hiểm như cơn đau tim hoặc đột quỵ là rất cao.
Đặc biệt, bệnh nhân có tiền sử bệnh tim, như những người đã từng trải qua đau thắt ngực, phẫu thuật bắc cầu, đau tim, đặt stent, hoặc can thiệp nong mạch, nằm trong nhóm có nguy cơ cao nhất khi phải đối mặt với thời tiết lạnh. Điều này đòi hỏi họ phải hết sức cảnh giác và chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch của mình trong mùa lạnh.
Bên cạnh đó, những tháng mùa đông cũng là lúc mọi người dễ mắc các bệnh lý như cảm lạnh và cúm. Điều này càng trở nên quan trọng khi xét đến mối liên quan giữa các bệnh nhiễm trùng này và sức khỏe tim mạch. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, trong vòng 7 ngày sau khi bị nhiễm trùng - dù là cúm hay viêm phổi (nhiễm trùng ở phổi) - nguy cơ đau tim có thể tăng lên đáng kể.
2. Biện pháp ngăn ngừa các vấn đề về tim xảy ra trong mùa lạnh
Để giảm thiểu nguy cơ gặp phải các vấn đề tim mạch trong những tháng mùa đông, việc tăng cường hệ thống phòng vệ của cơ thể chống lại cảm lạnh, cúm và các loại bệnh nhiễm trùng khác là hết sức quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả bạn có thể tham khảo:
- Tiêm vắc-xin cúm hàng năm: Đây là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi virus cúm, giảm thiểu khả năng nhiễm trùng và các biến chứng liên quan đến tim.
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm phổi cho người trên 65 tuổi (vaccine phế cầu): Người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu hơn, do đó việc tiêm vắc-xin phòng viêm phổi giúp giảm nguy cơ mắc bệnh này, đồng thời bảo vệ tim.
- Rửa tay thường xuyên: Sử dụng xà phòng và nước để loại bỏ vi khuẩn và virus, giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh.
- Ngủ đủ giấc: Nên ngủ ít nhất 7-8 giờ mỗi đêm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ đủ giấc giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh.
- Không hút thuốc: Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ rất mạnh cho bệnh tim mạch. Ngừng hút thuốc có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tim mạch.
- Tập thể dục đều đặn: Hoạt động thể chất không chỉ giúp tăng cường sức khỏe nói chung mà còn cải thiện sức khỏe tim mạch. Luyện tập thể dục hàng ngày, ít nhất 30 phút, có thể giúp giảm huyết áp, cải thiện lưu lượng máu và giảm stress.
Nếu như bạn đang làm các công việc nặng ngoài trời, hãy tự bảo vệ mình bằng các bước sau:
- Khởi động để làm nóng cơ thể trước khi bắt đầu bất kỳ hoạt động nào.
- Che miệng và mũi bằng khăn quàng cổ hay khẩu trang để giúp làm ấm nhiệt độ không khí bạn hít thở.
- Đừng cố nâng vật nặng hay nhiều đồ vật cùng một lúc. Thay vào đó, hãy chia nhỏ cho từng đợt
- Uống nhiều nước.
- Nghỉ giải lao giữa các đợt hoạt động, tránh làm kiệt sức.
3. Nhận viết dấu hiệu của cơn đau tim và cách xử trí
Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo của cơn đau tim và hành động kịp thời bằng cách gọi cấp cứu hoặc chủ động đến cơ sở y tế gần nhất là điều hết sức quan trọng. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến nhất của cơn đau tim:
- Đau ngực: Cảm giác đau, ép, tức nghẹt hoặc đau rát ở vùng ngực. Đau có thể kéo dài trong vài phút và có thể lan ra hoặc giảm bớt theo thời gian.
- Đau ở một hoặc cả hai cánh tay: Đau có thể lan từ ngực đến một hoặc cả hai cánh tay, đặc biệt là cánh tay trái.
- Đau ở lưng, vai, cổ, hàm hoặc phần trên của dạ dày: Đau có thể không chỉ giới hạn ở ngực mà còn lan ra các khu vực khác của cơ thể. Đau ở phần trên của dạ dày đôi khi có thể bị nhầm lẫn với các triệu chứng của chứng khó tiêu.
- Hụt hơi: Khó thở hoặc cảm giác không thể hít thở sâu, đôi khi kèm theo cảm giác đau ngực.
- Đổ mồ hôi: Sự xuất hiện đột ngột của mồ hôi lạnh, kể cả khi không hoạt động mạnh.
- Buồn nôn và ói mửa: Cảm giác buồn nôn và có thể kèm theo nôn mửa, đôi khi xuất hiện cùng với các triệu chứng khác.
Như vậy, chúng ta cần lưu ý về nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng cao khi thời tiết lạnh. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với người cao tuổi, những người có tiền sử bệnh tim mạch hoặc những ai đã có các yếu tố nguy cơ cao. Do đó, nhận biết các yếu tố rủi ro của mình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp cũng như xử trí khẩn cấp, bạn có thể giữ được sức khỏe và giữ cho trái tim mình khỏe mạnh — bất kể mùa nào!