Bệnh cơ tim Takotsubo thường được gọi là hội chứng trái tim tan vỡ, là một tình trạng y khoa khá phổ biến, gây ra sự suy yếu đột ngột của cơ tim. Đặc trưng bởi sự giãn nở không bình thường của tâm thất trái, tình trạng này thường xảy ra sau sự kiện căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần, gián đoạn chức năng bơm máu của tim. Dựa vào vùng cơ tim bị ảnh hưởng, bệnh được phân thành bốn loại chính, mỗi loại có những đặc điểm và triệu chứng riêng. Hiểu biết về các yếu tố nguy cơ, cơ chế và các phương pháp quản lý hiệu quả bệnh là rất quan trọng đối với bệnh nhân.
1. Định nghĩa và các loại bệnh cơ tim Takotsubo
1.1. Định nghĩa bệnh
Hội chứng trái tim tan vỡ (broken heart) là tình trạng ngắn hạn khi một số cơ tim yếu đi nhanh chóng. Điều này thường xảy ra sau một căng thẳng đột ngột về thể chất hoặc tinh thần. Khi một phần của tim không hoạt động tốt, các phần khác phải làm việc nhiều hơn.
Cơ tim yếu làm gián đoạn nguồn cung máu và khả năng bơm của tim. Nếu tim không bơm máu tốt sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Có nhiều tên gọi và loại khác nhau của hội chứng trái tim tan vỡ, bao gồm:
- Bệnh cơ tim Takotsubo
- Hội chứng phình giãn mỏm tim (hoặc hội chứng phình mỏm thoáng qua)
- Bệnh cơ tim do stress
- Hội chứng Gebrochenes-Herz
1.2. Phân loại hội chứng trái tim tan vỡ
Bệnh cơ tim Takotsubo được phân thành bốn loại dựa trên khu vực bị ảnh hưởng:
- Loại mỏm: Ảnh hưởng đến phần nửa dưới của tim và là loại phổ biến nhất.
- Giữa tâm thất: Ảnh hưởng đến phần giữa của tâm thất
- Phần đáy: Tương tự như loại giữa tâm thất, khu vựa bị ảnh hưởng giống như vòng nhẫn nhưng cao hơn.
- Cục bộ: Loại hiếm nhất, ảnh hưởng đến một khu vực nhỏ của tim.
2. Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây ra bệnh
Bệnh cơ tim Takotsubo thường xảy ra ở những phụ nữ, đặc biệt là sau tuổi mãn kinh. Nguyên nhân do hormone estrogen - bảo vệ tim trước các hormone gây căng thẳng, sẽ giảm theo tuổi tác. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm tuổi trên 50, tiền sử rối loạn tâm thần như lo lắng hoặc trầm cảm, và các rối loạn thần kinh như đột quỵ hoặc co giật.
Nguyên nhân cụ thể của bệnh không được biết rõ, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng một sự kiện căng thẳng như ly hôn, tai nạn xe hơi hoặc mất việc làm có thể gây ra hội chứng này. Cơ thể phản ứng với căng thẳng bằng cách giải phóng hormone, gây tạm thời suy yếu cơ tim.
3. Triệu chứng và biến chứng của bệnh cơ tim Takotsubo
3.1. Triệu chứng của bệnh
Người bệnh sẽ có các triệu chứng của hội chứng trái tim tan vỡ trong vòng từ vài phút đến vài giờ sau khi trải qua căng thẳng. Giải phóng các hormone gây căng thẳng sẽ làm tê liệt tạm thời cơ tim, gây ra các triệu chứng tương tự như cơn đau tim thông thường. Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng trái tim tan vỡ bao gồm:
- Đau ngực đột ngột, dữ dội (đau thắt ngực) - một triệu chứng chính.
- Khó thở - một triệu chứng chính.
- Suy yếu tâm thất trái của tim – một dấu hiệu chính.
- Rối loạn nhịp tim
- Hạ huyết áp
- Tim đập nhanh
- Ngất xỉu
3.2. Những biến chứng có thể xảy ra đối với bệnh cơ tim Takotsubo
Các biến chứng của hội chứng trái tim tan vỡ rất hiếm nhưng có thể bao gồm:
- Phù phổi
- Vỡ tâm thất trái
- Sự tắc nghẽn dòng máu từ tâm thất trái
- Suy tim
- Cục máu đông trong thành tâm thất trái
- Hạ huyết áp
- Rối loạn nhịp tim
- Sốc tim
- Block nhĩ thất
- Tử vong
4. Điều trị và phòng ngừa
4.1. Phương pháp điều trị
Mặc dù không có cách chữa trị hội chứng trái tim tan vỡ, hầu hết mọi người đều hồi phục hoàn toàn sau khi dùng thuốc. Các loại thuốc điều trị hội chứng trái tim tan vỡ bao gồm:
- Aspirin để cải thiện lưu thông và ngăn ngừa cục máu đông.
- Thuốc ức chế ACE (men chuyển angiotensin) hoặc ARB (thuốc ức chế thụ thể angiotensin) để hạ huyết áp và chống viêm
- Thuốc chẹn beta để làm chậm nhịp tim
- Thuốc lợi tiểu để giảm sự ứ dịch
- Trong trường hợp tim cần được hỗ trợ chức năng bơm máu (hiếm khi xảy ra), bác sĩ sẽ đặt bóng đối xung động mạch chủ hoặc thiết bị hỗ trợ tâm thất trái
4.2. Phòng ngừa bệnh
Không có cách nào để ngăn ngừa bệnh cơ tim Takotsubo. Tuy nhiên, học các kỹ thuật quản lý, giải quyết vấn đề sẽ giúp bệnh nhân hạn chế căng thẳng về thể chất và tinh thần. Một số phương pháp bao gồm:
- Tập yoga, thiền, viết nhật ký
- Tắm nước ấm
- Sử dụng nến thơm
- Hít hơi dài, sâu và thở ra từ từ
Ngoài ra, những thói quen lành mạnh có thể giúp người bệnh kiểm soát căng thẳng về thể chất và tinh thần:
- Ăn thực phẩm bổ dưỡng như chế độ ăn Địa Trung Hải
- Tập thể dục thường xuyên (ít nhất năm lần một tuần trong 30 phút)
- Ngủ đủ giấc
- Trò chuyện với mọi người
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ
- Tránh sử dụng sản phẩm thuốc lá, sử dụng các chất kích thích và sử dụng rượu quá mức.
Bệnh cơ tim Takotsubo là một tình trạng y khoa đặc biệt cần được hiểu rõ và chú ý đúng mức. Mặc dù phần lớn các trường hợp hồi phục hoàn toàn, nhận biết sớm và quản lý bệnh hiệu quả là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro cùng hậu quả lâu dài, giúp bệnh nhân cải thiện sức khoẻ tim mạch.