Khi xuất hiện cơn đau dạ dày, nhiều người thường sử dụng muối nhằm giúp cơ thể trở nên thoải mái hơn. Hiện nay muối được dùng để chế thuốc đau dạ dày thường được sử dụng là thuốc muối (NaHCO3). Vậy vì sao nahco3 được dùng làm thuốc chữa đau dạ dày?
1. Sơ lược về điều trị đau dạ dày
Theo quan niệm mới hiện nay, nguồn gốc gây ra tình trạng viêm dạ dày là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori nên việc chữa trị tận gốc căn bệnh này bắt buộc phải dùng đến kháng sinh với tác dụng kìm hãm và tiêu diệt vi khuẩn.
Khi bệnh nhân mới mắc bệnh và chưa xảy ra tình trạng kháng thuốc, các bác sĩ có thể chỉ định sử dụng phác đồ thứ nhất gồm sự kết hợp giữa kháng sinh clarithromycin amoxicillin hay clarithromycin metronidazol hoặc phác đồ thứ hai kết hợp giữa kháng sinh clarithromycin nitroimidazol hoặc phác đồ thứ ba là kết hợp kháng sinh nitroimidazol tetracyclin hay amoxicilin furazolidon. Trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh đã trải qua điều trị lâu dài và vi khuẩn đã kháng thuốc thì cần điều trị theo phác đồ clarithromycin tinidazol.
Ngoài ra, để chữa triệu chứng tiết acid, các bác sĩ thường cho kết hợp với các thuốc giảm tiết acid khác nhau phụ thuộc vào phác đồ mà bệnh nhân đang sử dụng. Một số thuốc có tác dụng ức chế bài tiết acid gồm omeprazol, lansoprazol, rabeprazol, ranitidin giúp ngăn ngừa việc tiết acid tận gốc. Khi sử dụng đúng chỉ định thì việc giảm acid sẽ diễn ra ở mức độ thích hợp và không ảnh hưởng gì đến hoạt động của dạ dày. Mặc khác, tình trạng hạn chế tiết acid còn giúp tăng hiệu lực của các kháng sinh.
2. Vì sao NaHCO3 dùng để chế thuốc đau dạ dày?
Bệnh nhân bị đau dạ dày sẽ có xu hướng tiết nhiều dịch vị có thành phần là acid chlohydric. Natribicarbonat khi đi vào cơ thể sẽ trực tiếp tác dụng với acid chlohydric và xuất hiện phản ứng hóa học để tạo thành muối natrichlorua, nước, khí carbonic giúp cho môi trường dạ dày giảm bớt acid nên làm dịu đi cơn đau.
Việc sử dụng natribicarbonat có ưu điểm giúp trung hòa trực tiếp acid và làm giảm đau nhanh. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ góp phần điều trị triệu chứng chứ không giải quyết triệt để nguyên nhân như đã kể trên. Khi bệnh nhân lạm dụng quá mức sẽ khiến cho lượng acid bị giảm mạnh, điều này làm cơ thể phản ứng lại bằng cách tiết ra acid nhiều hơn và tần suất xuất hiện những cơn đau ngày một gia tăng. Ngoài ra, phản ứng hóa học trung hòa này còn sinh ra một lượng khí carbonic làm đầy hơi, khó tiêu, tương tự như khi ta uống nhiều nước giải khát có gas (khí carbonic).
Ngoài việc sử dụng natribicarbonat, người ta còn dùng các chế phẩm có tính keo như như các hydroxyt nhôm giúp che chở và làm cho vết loét không tiếp xúc với acid nên làm giảm đau.
3. Một số lưu ý khi sử dụng muối để chữa đau dạ dày
- Muối NaHCO3 là loại thuốc điều trị không cần kê đơn nên bệnh nhân có thể dễ dàng mua tại nhà thuốc. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn.
- Các chế phẩm này thường được áp dụng cải thiện một số tình trạng tiêu hóa như rối loạn, kiềm hóa nước tiểu,...Những đối tượng khác như người bị suy tim sung huyết, cao huyết áp, bệnh thận, xuất huyết dạ dày,... cần thận trọng trước khi sử dụng và hỏi ý kiến của bác sĩ.
- Đối tượng nhạy cảm như phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Trong suốt thời gian điều trị đau dạ dày, bệnh nhân cần tránh không ăn những loại thức ăn cay nóng, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, rượu, bia,...
Đây chỉ là phương pháp điều trị mang tính tạm thời và chưa giải quyết được dứt điểm nguyên nhân gây bệnh. Do đó, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.