Bài viết được viết bởi Dược sĩ, Th.S Phạm Thị Kim Dung, Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Thiết kế dạng thuốc là khâu quan trọng quyết định chất lượng của dạng thuốc. Khi thiết kế dạng thuốc, phải xem xét mối tương quan giữa các thành phần trong dạng thuốc dưới sự tác động trực tiếp của kỹ thuật bào chế nhằm tìm ra phương án tối ưu cho từng sản phẩm.
1. Dạng bào chế là gì?
Khái niệm dạng bào chế được định nghĩa như sau:
Dạng bào chế (Dạng thuốc – Dosage form) là sản phẩm cuối cùng của quá trình bào chế, trong đó dược chất được pha chế và trình bày dưới dạng thích hợp để đảm bảo an toàn, hiệu quả, thuận tiện cho người dùng, dễ bảo quản và giá thành hợp lý.
VD: Chloramphenicol là dược chất có vị đắng khó uống. Người ta bào chế thành dạng viên nén, nang cứng hoặc hỗn dịch để hạn chế vị đắng, làm cho người bệnh dễ tiếp nhận thuốc, nâng cao hiệu quả điều trị của thuốc.
Dạng bào chế bao gồm: Dược chất và Tá dược + Bao Bì
2. Vì sao một loại thuốc có nhiều dạng bào chế khác nhau?
Để đảm bảo phát huy tối đa tác dụng điều trị của dược chất khi dùng, dạng thuốc được thiết kế bao gồm 3 thành phần nêu trên, và ngoài ra, dựa trên nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng, nhà bào chế quyết định dạng thuốc bào chế. Các yếu tổ bao gồm:
- Yếu tố ảnh hưởng đến quá trình giải phóng và hấp thu của dược chất trong cơ thể người bệnh như: đường dùng, lứa tuổi, tình trạng bệnh,....
VD: Thuốc giảm đau, hạ sốt chứa thành phần paracetamol có các dạng bào chế khác nhau để phù hợp với nhiều đối tượng bệnh nhân: Dạng thuốc siro, dạng thuốc bột sủi bọt pha dung dịch, dạng thuốc viên đặt hậu môn trực tràng dành cho bệnh nhân nhi, sơ sinh hoặc người khó nuốt viên thuốc. Dạng thuốc tiêm, truyền dành cho bệnh nhân cần hạ sốt giảm đau nhanh và tình trạng bệnh nặng, không có khả năng uống. Dạng thuốc viên nén sủi bọt có tác dụng hòa tan nhanh thành dung dịch thuốc giúp hấp thu nhanh hơn và tác dụng nhanh hơn dạng thuốc viên nén thông thường.
- Tính chất lý hóa của dược chất cần lựa chọn tá dược, kỹ thuật bào chế, bao bì phù hợp nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu của dạng thuốc.
Tetracyclin hydroclorid nếu dập viên với tá dược dicalci phosphat, khi uống, tác dụng của tetracyclin sẽ bị giảm do tạo phức ít tan với dicalci phosphate, dẫn đến giảm hấp thu thuốc.
Vỏ đựng thuỷ tinh kiềm có thể làm kết tủa dược chất là muối ancaloid trong thuốc tiêm. Một số tạp chất trong lọ nhựa đựng dung dịch thuốc nhỏ mắt có thể làm tăng quá trình phân huỷ dược chất có trong dung dịch.
Theo quan điểm của bào chế học hiện đại, thiết kế dạng thuốc là khâu quan trọng quyết định chất lượng của dạng thuốc. Khi thiết kế dạng thuốc, phải xem xét mối tương quan giữa các thành phần trong dạng thuốc dưới sự tác động trực tiếp của kỹ thuật bào chế nhằm tìm ra phương án tối ưu cho từng sản phẩm. Kỹ thuật bào chế luôn luôn được đổi mới và hoàn thiện nhằm phát huy tối đa tác dụng của dược chất trong cơ thể và tạo ra những dạng thuốc mới có hiệu quả điều trị cao.
3. Các dạng bào chế của thuốc?
Dạng bào chế của thuốc có thể được phân loại theo nhiều cách:
3.1 Cách phân loại hay gặp theo thể chất của thuốc
Thuốc lỏng: Siro, dung dịch thuốc, hỗn dịch thuốc, cao lỏng,... Một số dạng thông dụng như:
- Dung dịch thuốc: thể chất thuốc đồng nhất, thuốc không bị phân tách lớp. Dạng thuốc thường hấp thu nhanh hơn so với dạng thuốc rắn, và ít gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa hơn. Nhược điểm là dạng thuốc này dễ nhiễm khuẩn hơn và không thích hợp với dược chất dễ bị thủy phân.
- Hỗn dịch thuốc: là dạng thuốc phân tán dược chất rắn trong dung môi thuốc, với kích thước dược chất thường lớn hơn 1 micromet. Thuốc thường phải có thêm tá dược là chất diện hoạt và tá dược treo để phân tán đều dược chất trong dung môi thuốc. Thuốc nên được lắc trước khi dùng để chia liều thuốc chính xác.
- Nhũ tương thuốc: là dạng thuốc phân tán dược chất dạng lỏng trong dung môi thuốc, kích thước dược chất đường kính từ 0.1 – 100 micromet. Thuốc thường có thêm tá dược nhũ hóa để phân tán đều hai phase thuốc vào nhau. Ngoài ra có thêm các tá dược khác như hệ đệm, chất chống oxy hóa, chất bảo quản.
- Siro thuốc là dược chất phân tán trong dung dịch đường hoặc chất làm ngọt thay cho đường. Thường siro thuốc có hàm lượng đường từ 60-80% thành phần dung dịch thuốc.
Thuốc mềm: Thuốc mỡ, cao mềm,... dùng để bôi trên bề mặt da hoặc niêm mạc của cơ thể.
Thuốc rắn: Viên nén, viên nang cứng/mềm, bột thuốc, cốm thuốc,... Một số dạng thông dụng như:
Viên nén: có thể có 1 hoặc nhiều dược chất cùng với tá dược. Có loại viên nén có thể nhai được, có loại viên nén không được nhai, phá vỡ viên như các loại viên được bào chế đặc biệt để giải phóng dược chất kéo dài hoặc theo chương trình. Viên nén có dược chất thường ổn định hơn khi ở dạng thuốc lỏng, tuy nhiên có thể có nhược điểm khó nuốt ở một số đối tượng như trẻ nhỏ, người già...
Viên nang: là dạng thuốc có dược chất và tá dược được bao gói trong nang thuốc (thường bằng gelatin). Viên nang thích hợp cho dược chất cần được che dấu mùi, vị khó chịu hoặc cho dược chất cần tránh tác động của ánh sáng...
Bột thuốc: là dạng thuốc rắn hỗn hợp giữa bột dược chất và bột tá dược. Dạng thuốc này bền cho dược chất hơn dạng thuốc lỏng và hòa tan dược chất tốt hơn thuốc viên, tuy nhiên sẽ khó dấu mùi vị khó chịu của dược chất hơn so với thuốc viên.
Dạng thuốc giải phóng kéo dài, hoặc theo chương trình: là dạng thuốc được bào chế đặc biệt để dược chất được giải phóng ổn định vào máu với nồng độ nhất định, mục đích giảm tần suất uống thuốc của người bệnh. Các dạng thuốc này thường được viết tắt SR (sustained release), SA (sustained action), ER, XR, XL (extended release), TR (timed release), CR (controlled release), MR (modified release)...
3.2 Theo đường dùng (cách phân loại hay gặp)
Đường dùng ảnh hưởng nhiều đến tác dụng của thuốc. Một dược chất đưa vào cơ thể theo các con đường khác nhau có thể gây tác dụng dược lý khác nhau. VD: magnesi sulfat nếu uống thì có tác dụng lợi mật; nhuận tẩy; còn nếu tiêm thì có tác dụng chống phù nề.
Thuốc dùng qua đường tiêu hóa thường có vấn đề về hấp thu do bị tác động của nhiều yếu tố như pH dịch tiêu hoá, men, thức ăn, chuyển hoá qua gan lần đầu, thời gian vận chuyển của thuốc...
- Thuốc tiêm: Có nhiều loại tiêm khác nhau: tiêm bắp, tiêm hoặc truyền nhỏ giọt tĩnh mạch, tiêm dưới da
- Dạng thuốc dùng đường tiêu hóa:
Các thuốc để uống, ngậm, hay nhai (dược chất được hấp thu hoặc gây tác dụng tại chỗ chủ yếu ở ruột non), thuốc đặt và thuốc thụt (gây tác dụng tại chỗ hoặc được hấp thu qua hệ mao mạch tại trực tràng).
- Dạng thuốc dùng theo đường hô hấp:
Các dạng thuốc để xông, hít, phun mù, nhỏ mũi...
Các dạng thuốc này có thể gây tác dụng tại chỗ trên niêm mạc đường hô hấp hay tác dụng toàn thân.
- Dạng thuốc dùng theo đường da:
Thuốc mỡ, thuốc nước, cao dán, thuốc bột đắp, thuốc phun mù, hệ trị liệu qua da,....
Phần lớn các thuốc có tác dụng tại chỗ (chữa mẩn ngứa, bảo vệ da,...), nhưng cũng có trường hợp dược chất được hấp thu qua da để gây tác dụng toàn thân (chống đau thắt ngực, chống say tàu xe...)
Ngoài ra, theo nguồn gốc của công thức thuốc, có thể phân loại dạng bào chế của thuốc thành hai loại như sau:
- Thuốc bào chế theo công thức dược dụng đã được quy định trong các tài liệu chính thống như Dược điển, Dược thư, Công thức Quốc gia,.... Các công ty sản xuất dược phẩm phải tuân thủ đúng về công thức, tiêu chuẩn chất lượng của thuốc khi sản xuất các chế phẩm này.
- Thuốc pha chế theo đơn: để nâng cao hiệu quả điều trị, bác sĩ kê đơn thuốc pha chế cụ thể về hàm lượng, nồng độ, cách pha thuốc, đáp ứng theo tình trạng sinh lý và bệnh lý thay đổi của người bệnh. Dược sĩ trước khi pha chế thuốc phải kiểm tra lại đơn, xem xét lại liều dùng, cách phối hợp thuốc trong đó (chú ý tương kỵ), dạng bào chế,...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn:
- Kỹ Thuật Bào Chế Và Sinh Dược Học Các Dạng Thuốc – Tập 1; Bộ môn Bào Chế, Trường ĐH Dược Hà Nội 2006
- Tulane University School of Medicine, Medical Pharmacology, TMedWeb