Vì sao miệng có vị mặn?

Cảm giác có vị mặn trong miệng đôi khi là một triệu chứng bình thường. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý tại chỗ hoặc của cả cơ thể. Mặc dù nó thường không gây lo lắng, bạn vẫn nên đến gặp bác sĩ nếu bạn đang có tình trạng miệng có vị mặn và đi kèm với những triệu chứng khác.

1. Khô miệng

Cùng với triệu chứng miệng có vị mặn, bạn cũng có thể có cảm thấy như có bông gòn trong miệng. Đây được gọi là hội chứng khô miệng (xerostomia). Tình trạng có thể được gây ra bởi việc sử dụng thuốc lá, do lão hóa hoặc tác dụng phụ của thuốc.

Bạn cũng có thể gặp:

  • Mảng bám trong miệng của bạn
  • Nước bọt đặc
  • Hơi thở hôi
  • Đau họng
  • Khàn tiếng
  • Lưỡi có rãnh

Khô miệng thông thường sẽ tự khỏi. Chỉ cần bạn đảm bảo uống đủ nước và cần tránh thức ăn cay và mặn cho đến khi các triệu chứng giảm đi. Bạn cũng có thể sử dụng kẹo cao su không đường hoặc dùng các loại nước súc miệng không kê đơn để giúp kích thích tiết nước bọt.

2. Mất nước

Mất nước cũng là một nguyên nhân phổ biến khác nên tình trạng miệng có vị mặn. Và tình trạng này có thể xuất hiện đột ngột hoặc một cách từ từ. Một số người có thể bị mất nước đột ngột sau một đợt tiêu chảy hoặc nôn mửa. Một số bệnh nhân khác có thể bị mất nước một cách từ từ sau khi vận động mạnh dưới trời nóng.

Bạn cũng có thể có những triệu chứng khác của tình trạng mất nước:

  • Cực kỳ khát
  • Đi tiểu ít thường xuyên hơn
  • Nước tiểu đậm
  • Mệt mỏi
  • Chóng mặt
  • Cảm giác mệt mỏi

Các bác sĩ khuyến khích nên uống từ sáu đến tám ly nước mỗi ngày tương đương khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Bạn có thể cần lượng nước hơn nếu bạn bị ốm, hoặc thời tiết quá nóng hoặc nếu bạn tập thể dục với cường độ lớn.

Nếu không được điều trị, việc mất nước có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Bạn có thể xuất hiện co giật, kiệt sức vì nóng hoặc các vấn đề bệnh lý thận hoặc thậm chí là tình trạng đe dọa tử vong hay còn gọi là sốc giảm thể tích. Hầu hết người lớn có thể hồi phục bằng cách uống bổ sung nhiều chất lỏng hơn. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn cần phải nhập viện để truyền dịch và điện giải qua đường tĩnh mạch.


Mất nước là một trong các nguyên nhân phổ biến khiến miệng có vị mặn
Mất nước là một trong các nguyên nhân phổ biến khiến miệng có vị mặn

3. Chảy máu miệng

Khi bạn cảm giác có vị mặn hoặc kim loại trong miệng, đó có thể là dấu hiệu của chảy máu miệng. Nguyên nhân có thể do ăn thức ăn sắc nhọn, như khoai tây chiên hoặc đánh răng quá mạnh.

Nếu nướu thường xuyên bị chảy máu sau khi sử dụng chỉ nha khoa hoặc đánh răng, bạn có thể đang có tình trạng bệnh nướu (viêm nướu). Đây là một tình trạng thường gặp khiến nướu của bạn bị đau và sưng lên theo thời gian.

Nếu không điều trị, bệnh nướu răng có thể gây nên nhiễm trùng. Nếu bạn đang bị chảy máu răng hoặc miệng, đau không rõ nguyên nhân, hãy đến gặp nha sĩ.

4. Nhiễm trùng miệng

Nếu không điều trị, bệnh viêm nướu có thể gây nhiễm trùng gọi là viêm nha chu. Nếu phát hiện sớm, tình trạng viêm nha chu sẽ không gây ra bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào. Nhưng trong trường hợp nặng, viêm nha nó có thể làm tổn thương xương hàm và răng của bạn.

Nếu tình trạng viêm nướu của bạn đã chuyển biến thành viêm nha chu, bạn có thể gặp phải:

  • Hơi thở hôi
  • Răng lung lay
  • Áp xe nướu
  • Mủ dưới răng

Chảy máu cũng có thể dấu hiệu đầu tiên các bệnh nhiễm trùng khác, ví dụ như nấm miệng. Đây là một bệnh lý nhiễm trùng do nấm men phát triển trong miệng. Bạn có thể thấy các tổn thương dạng mảng trắng trong miệng hoặc cảm giác đau rát. Trong khi một số người cảm giác có vị mặn mặn trong miệng, những người khác có thể mất đi vị giác.

Cũng có thể nguyên nhân gây cảm giác vị mặn là do virus gây u nhú ở người (HPV). Mặc dù virus này thường không gây ra các triệu chứng trong giai đoạn đầu, nhưng bạn có thể có những triệu chứng như khàn giọng hoặc ho ra máu khi tình trạng nhiễm trùng tiến triển.

5. Chảy dịch mũi họng

Chảy dịch mũi họng khi bạn bị viêm xoang hoặc dị ứng cũng gây nên cảm giác mặn trong miệng. Chất nhầy từ mũi tích tụ trong vùng họng, nếu chúng trộn lẫn với nước bọt trong miệng có thể tạo ra vị mặn. Bạn cũng có triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi hoặc khó thở.

Nhiều bệnh cảm lạnh và dị ứng sẽ dần dần tự thoái triển. Các biện pháp điều trị như nâng cao sức đề kháng, nghỉ ngơi và bổ sung nước đầy đủ, xì mũi hoặc dùng thuốc cảm lạnh hoặc thuốc kháng histamine. Xịt nước muối hoặc súc miệng cũng giúp làm giảm triệu chứng và thông mũi.

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bạn có:

  • Triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày
  • Sốt cao
  • Đau xoang
  • Nước mũi màu vàng hoặc xanh lá cây
  • Nước mũi có máu

6. Trào ngược axit hoặc mật

Vị chua hoặc mặn trong miệng có thể là dấu hiệu của trào ngược axit hoặc mật. Những điều kiện này có thể xảy ra cùng nhau hoặc riêng biệt. Mặc dù các triệu chứng của chúng tương tự nhau, nhưng trào ngược axit là do axit dạ dày chảy vào thực quản, và trào ngược dịch mật là do dịch mật từ ruột non chảy vào dạ dày và thực quản.

Bạn cũng có thể gặp:

  • Đau dữ dội ở bụng trên của bạn
  • Ợ chua thường xuyên
  • Buồn nôn
  • Nôn ra mật
  • Ho hoặc khàn giọng
  • Giảm cân không giải thích được

Nếu không được điều trị, trào ngược có thể dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), một tình trạng tiền ung thư được gọi là thực quản Barrett, hoặc ung thư thực quản. Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, thuốc và thậm chí phẫu thuật có thể giúp điều trị chứng trào ngược.


Miệng có vị mặn có thể là dấu hiệu của trào ngược axit hoặc mật
Miệng có vị mặn có thể là dấu hiệu của trào ngược axit hoặc mật

7. Thiếu dinh dưỡng

Bạn có thể có vị mặn hoặc vị kim loại trong miệng nếu cơ thể bạn đang thiếu một số chất dinh dưỡng. Sự thiếu hụt có thể phát triển nhanh chóng hoặc trong vài năm.

Bạn cũng có thể gặp:

  • Mệt mỏi
  • Nhịp tim không đều
  • Xanh xao
  • Thay đổi tính cách
  • Sự hoang mang
  • Tê tay và chân của bạn

Điều trị thiếu hụt dinh dưỡng dành riêng cho loại vitamin mà cơ thể bạn đang thiếu. Ví dụ:

Thiếu hụt folate được điều trị bằng cách ăn một chế độ ăn uống cân bằng và bổ sung folate theo toa.

Sự thiếu hụt vitamin B12 có thể đáp ứng tốt với những thay đổi trong chế độ ăn uống. Một số người có thể cần uống thuốc bổ sung dạng viên hoặc xịt mũi. Những người khác có thể cần tiêm B12 nếu tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

Thiếu vitamin C được điều trị bằng thuốc bổ sung. Ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin C cũng có ích.

8. Hội chứng Sjögren

Hội chứng Sjögren xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn tấn công tất cả các tuyến tạo độ ẩm trong cơ thể bạn, bao gồm cả tuyến nước bọt và ống dẫn nước mắt. Điều này có thể dẫn đến vị mặn hoặc khô miệng và khô mắt.

Bạn cũng có thể gặp:

  • Đau khớp
  • Viêm da
  • Khô âm đạo
  • Ho khan
  • Mệt mỏi

Tình trạng này có thể đi kèm với các rối loạn tự miễn dịch khác, như lupus hoặc viêm khớp dạng thấp. Nhiều người có thể kiểm soát các triệu chứng răng miệng của họ bằng cách sử dụng các phương pháp điều trị OTC, như súc miệng hoặc uống nhiều nước hơn. Những người khác có thể dùng thuốc theo toa hoặc trải qua phẫu thuật.

9. Các nguyên nhân có thể khác

Vị mặn cũng có thể do:

  • Nguyên nhân thần kinh: Rò rỉ dịch não tủy (CF) có thể xảy ra khi có một vết rách hoặc lỗ trên màng bao quanh não của bạn. Lỗ thủng cho phép chất lỏng bao quanh não thoát ra ngoài, chảy vào mũi và miệng của bạn. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn thấy rò rỉ cũng như buồn nôn, nôn mửa, cứng cổ hoặc thay đổi nhận thức.
  • Thay đổi nội tiết tố: Nướu của bạn có thể bị chảy máu hoặc trở nên nhạy cảm hơn khi mang thai. Do đó, vị kim loại là phổ biến, nhưng những thay đổi là riêng lẻ đối với từng phụ nữ. Thời kỳ mãn kinh là một thời điểm khác mà phụ nữ có thể bị thay đổi khẩu vị.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Có hơn 400 loại thuốc có thể gây ra vị mặn trong miệng của bạn. Thuốc cũng có thể gây khô miệng và một loạt các tác dụng phụ khác. Nếu bạn nghi ngờ thuốc của bạn làm thay đổi khẩu vị, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn.
  • Tác dụng phụ của hóa trị: Những người đang điều trị ung thư bằng hóa trị thường báo cáo những thay đổi về vị giác do tổn thương các chồi vị giác và tuyến nước bọt. Khô miệng cũng phổ biến, đặc biệt là ở những người đang điều trị bằng tia xạ đối với bệnh ung thư đầu và cổ.

10. Khi nào đến gặp bác sĩ của bạn

Nhiều tình trạng gây ra vị mặn trong miệng có thể dễ dàng điều trị được một khi nguyên nhân cơ bản được phát hiện. Đề cập đến bất kỳ thay đổi khẩu vị nào mà bạn gặp phải với bác sĩ của bạn. Nếu sự thay đổi đột ngột và kèm theo các triệu chứng hoặc dấu hiệu nhiễm trùng khác, bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe