Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Kinh nguyệt của phụ nữ thường thay đổi sau khi sinh con, như cảm thấy kinh nguyệt nặng hơn hoặc đau hơn, trong khi những người khác thấy kinh nguyệt nhẹ nhàng hơn. Thông thường kinh nguyệt sau sinh không đều nhưng có thể trở lại bình thường theo thời gian. Bài viết sau đây sẽ lý giải tại sao lại có rối loạn kinh nguyệt sau sinh?
1.Kinh nguyệt sau sinh có đều không?
Sinh con là một chấn thương lớn đối với cơ thể phụ nữ và cần có thời gian để hồi phục. Hiện nay chưa có định nghĩa kinh nguyệt sau sinh “chuẩn”, nhưng thông thường những kỳ kinh đầu tiên sẽ khác so với trước khi mang thai.
Có nhiều lý do khiến kinh nguyệt có thể thay đổi sau khi sinh con, bao gồm:
- Tử cung cần thời gian để trở lại kích thước bình thường
- Mức độ hormone thay đổi
- Cho con bú ảnh hưởng đến mức độ hormone
Một số phụ nữ nhận thấy rằng kinh nguyệt của họ nặng hơn sau khi sinh con. Những người khác nhận thấy máu có màu khác, có nhiều cục máu đông hơn bình thường hoặc chuột rút dữ dội hơn.
Theo các chuyên gia, hầu hết phụ nữ sẽ nhận thấy kinh nguyệt của họ trở lại “bình thường” theo thời gian, có nghĩa là có thể về giống như trước khi mang thai.
Ở những phụ nữ không cho con bú hoặc cho con bú không đều, kinh nguyệt có xu hướng trở lại nhanh hơn.
Một phân tích năm 2011 đối với sáu nghiên cứu trước đó cho thấy, hầu hết phụ nữ có kinh lần đầu từ 45 đến 94 ngày sau khi sinh. Một nghiên cứu trong tổng quan cho thấy kỳ kinh đầu tiên trung bình xảy ra vào 74 ngày sau sinh.
Yếu tố chính ảnh hưởng đến thời điểm có kinh đầu tiên sau sinh là rụng trứng. Những phụ nữ muốn kiểm tra xem mình có rụng trứng hay không có thể thử sử dụng bộ dụng cụ thử rụng trứng (Ovulation predictor kit), có bán ở các hiệu thuốc và bán trực tuyến. Đo nhiệt độ cơ thể mỗi ngày cũng có thể giúp phát hiện hiện tượng rụng trứng.
Đặc biệt là những tháng ngay sau khi sinh thường xảy ra hiện tượng kinh nguyệt không đều. Phụ nữ đang cho con bú có nhiều khả năng bị kinh nguyệt không đều, vì các hormone hỗ trợ việc cho con bú có thể khiến cơ thể trì hoãn quá trình rụng trứng hoặc rụng trứng không thường xuyên.
Ngay cả ở những phụ nữ không cho con bú, kinh nguyệt có thể không đều, do cơ thể cần thời gian để hồi phục sau khi mang thai và sinh nở.
Theo thời gian, kinh nguyệt sẽ trở lại như bình thường. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể có kinh nguyệt không đều trước khi mang thai, chẳng hạn như những người bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc lạc nội mạc tử cung.
Nếu phụ nữ lo lắng về kinh nguyệt không đều sau sinh, tốt nhất là họ nên nói chuyện với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân để được điều trị.
2.Vì sao cho con bú dẫn đến không có kinh nguyệt?
Cho con bú được biết đến là nguyên nhân làm chậm kinh. Trong khi một số phụ nữ hoàn toàn không có kinh trong những tháng họ cho con bú, một số lại có kinh không đều. Nguyên nhân chính đó là do thay đổi hormone trong cơ thể người phụ nữ sau sinh.
Khi con bạn được sinh ra, bạn đã được trang bị các chất dinh dưỡng tự nhiên cần thiết cho việc bú sữa. Trừ khi bạn không thể cho con bú, bác sĩ luôn khuyến khích bà mẹ cho con bú sữa mẹ càng sớm càng tốt. Đây thường được xem là nguồn dinh dưỡng an toàn và lành mạnh nhất cho trẻ sơ sinh.
Mặc dù có vẻ như sữa mẹ chỉ đơn giản xuất hiện khi con bạn được sinh ra, nhưng thực ra có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa. Trên thực tế, cũng giống như các hormone hỗ trợ bạn mang thai, chúng cũng chịu trách nhiệm cho việc nuôi con bằng sữa mẹ. Prolactin là loại hormone chính chịu trách nhiệm sản xuất sữa mẹ. Nó được sản xuất bởi tuyến yên, nằm trong não.
Prolactin cũng có tác dụng làm chậm kinh nguyệt. Việc cho con bú giữ cho lượng hormone này ở mức cao, vì vậy bạn càng cho con bú lâu, bạn càng có nhiều khả năng bị chậm kinh hoặc không có kinh. Mặt khác, khi bạn cai sữa mẹ cho con, kinh nguyệt của bạn có thể sẽ trở lại tương đối nhanh chóng sau đó.
Con bạn sẽ bú nhiều sữa mẹ nhất trong những tháng đầu đời. Khi con bạn cần ít sữa hơn và cũng bắt đầu ăn thức ăn rắn, tuyến yên sẽ cảm nhận được sự thay đổi cách bú này và sản xuất ít prolactin hơn. Khi mức prolactin chậm lại, bạn có thể thấy rằng chu kỳ kinh nguyệt của mình quay trở lại, mặc dù thực tế là bạn vẫn đang cho con bú.
Nếu bạn có kinh trong khi cho con bú, bạn cũng có thể nhận thấy những thay đổi bất ngờ khác. Ví dụ, bạn có thể thấy rằng con bạn không quan tâm đến thời gian bú và ăn ít hơn trong kỳ kinh nguyệt. Điều này được cho là có liên quan đến sự thay đổi mùi vị trong sữa.
Hoặc có thể ngược lại. Vì prolactin kiểm soát việc sản xuất sữa nên số lượng sữa giảm trong kỳ kinh nguyệt nên dẫn tới việc con bạn có thể muốn bú thường xuyên hơn.
Không có mốc thời gian cụ thể cho chu kỳ kinh nguyệt bình thường trở lại vì mỗi phụ nữ đều khác nhau. Rất có thể nếu bạn đã khá đều đặn trước khi mang thai, thì kinh nguyệt của bạn sẽ nhanh chóng trở lại và bình thường sau khi bạn ngừng cho con bú.
Theo các chuyên gia, khung thời gian cho các giai đoạn bình thường hóa của kinh nguyệt sau sinh là từ sáu tháng đến hai năm.
Cũng cần lưu ý rằng không có kinh không nhất thiết có nghĩa là không rụng trứng. Một số phụ nữ cho rằng họ không thể có thai trong khi cho con bú nếu họ không có kinh nguyệt. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc mang thai bất ngờ ở các bà mẹ đang cho con bú.
Mặc dù không hoàn toàn là không thể, nhưng việc mang thai có thể khó khăn hơn khi cho con bú. Hãy nhớ rằng prolactin chịu trách nhiệm cho cả sản xuất sữa và hỗ trợ mang thai. Có thể khó cho cơ thể để hỗ trợ cả hai cùng một lúc. Nếu bạn muốn mang thai vào thời điểm này, hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn của bạn.
3.Sản dịch sau sinh
Sản dịch là dịch tiết ra từ âm đạo sau khi sinh nở. Nó bắt đầu từ chảy máu nhiều, có thể có màu đỏ sẫm và đầy các cục máu đông.
Trong vài ngày hoặc vài tuần, máu sẽ nhạt hơn, cuối cùng chuyển sang màu hồng, nâu và trong.
Thông thường phụ nữ bị chuột rút khi đi có sản dịch vì tử cung đang co lại để trở lại kích thước bình thường.
Sản dịch không phải là máu trong kinh nguyệt. Đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể vẫn đang hồi phục sau quá trình sinh nở, do lớp niêm mạc trong tử cung bong ra.
Theo các nghiên cứu năm 2012 cho thấy chảy máu do sản dịch kéo dài từ 24 đến 36 ngày. Tuy nhiên, chỉ có một nghiên cứu theo dõi những người tham gia cho đến khi máu ngừng chảy, kết quả cho thấy, chảy máu sau sinh vẫn tiếp tục trong ít nhất 3 đến 5 tuần, nhưng có thể lâu hơn.
Bạn có thể nhầm sản dịch với kinh nguyệt hoặc ngược lại. Trong khi cả sản dịch và kinh nguyệt đều bắt đầu bằng máu đỏ tươi nhưng sản dịch có xu hướng nhạt màu hơn sau mấy ngày, trong khi máu từ kỳ kinh sẽ sẫm màu hơn theo thời gian.
4.Sử dụng biện pháp tránh thai sau sinh
Bạn có thể sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn ngay sau khi sinh con. Tuy nhiên, các bác sĩ thường khuyên bạn nên đợi vài tuần hoặc lâu hơn trước khi bắt đầu dùng thuốc kết hợp.
Phụ nữ nếu muốn tránh sử dụng biện pháp tránh thai có chứa nội tiết tố thì có thể cân nhắc sử dụng bao cao su, màng ngăn âm đạo, dụng cụ tử cung không chứa nội tiết tố (IUD) hoặc các phương pháp theo dõi khả năng sinh sản.
Các biện pháp kiểm soát sinh sản bằng nội tiết tố có thể giúp điều chỉnh kinh nguyệt trong thời kỳ hậu sản. Những phương pháp này chính là thuốc viên có chứa thành phần là estrogen và progestin hoặc chỉ progestin, cũng như vòng tránh thai nội tiết tố, tiêm hoặc cấy ghép.
Một số lựa chọn kiểm soát sinh sản có thể làm ngưng kinh nguyệt của phụ nữ hoặc gây ra kinh nguyệt ít hơn. Bác sĩ có thể chỉ định các lựa chọn này cho những phụ nữ bị kinh nguyệt ra nhiều hoặc đau nhiều.
Phụ nữ đang cho con bú có thể lo lắng về ảnh hưởng của biện pháp ngừa thai đối với em bé hoặc khả năng sản xuất sữa mẹ của họ.
Một nghiên cứu năm 2012 đã so sánh hai loại thuốc tránh thai khác nhau - viên kết hợp và viên chỉ chứa progestin, kết quả cho thấy, không phát hiện ra sự khác biệt đáng kể trong việc cho con bú hoặc sản xuất sữa.
Mặc dù biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố an toàn để sử dụng khi đang cho con bú, nhưng bà mẹ vẫn phải nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc mới nào trước khi bắt đầu sử dụng.
Khi nào đến gặp bác sĩ?
Sau khi sinh con, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh nên đưa ra lời khuyên về các dấu hiệu cảnh báo vấn đề nguy hiểm. Các rất nhiều kiểu chảy máu bình thường khác nhau, tùy thuộc vào phương pháp sinh nở, tiền sử bệnh của phụ nữ và các yếu tố cá nhân khác.
Bạn cần đến cơ sở Y tế ngay lập tức nếu gặp các dấu hiệu dưới đây:
- Chảy máu rất nặng, thấm một băng vệ sinh chỉ trong vòng một giờ
- Chảy máu kèm theo sốt
- Chuột rút dữ dội
- Cục máu đông lớn hơn quả bóng gôn
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: parents.com, medicalnewstoday.com