Hệ tiêu hóa khỏe mạnh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ dinh dưỡng tốt mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của con người. Khi hệ thống tiêu hóa được chăm sóc tốt sẽ giúp cơ thể tràn đầy năng lượng và sản sinh các hormone hạnh phúc. Vậy mối liên hệ đặc biệt giữa hệ tiêu hóa và cảm xúc là gì hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Cơ chế hệ tiêu hóa hoạt động
Hệ tiêu hóa đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa thức ăn và hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu, cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể. Quá trình này bao gồm cả cơ chế nhai, nghiền cơ học và sự hỗ trợ của các enzyme phân hủy sinh học để chuyển hóa chất dinh dưỡng.
Hệ thống tiêu hóa được vận hành bởi nhiều cơ quan bao gồm cổ họng, thực quản, túi mật, gan, dạ dày, ruột non, đại tràng và trực tràng. Quá trình tiêu hóa bắt đầu từ miệng - nơi thức ăn được đưa vào và kết thúc ở trực tràng - nơi thải ra ngoài những chất mà cơ thể không xử lý được.

Tóm lại, tiêu hóa là một chuỗi hoạt động phức tạp và đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan. Việc chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh là điều cần thiết để duy trì quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng hiệu quả. Nếu hệ thống tiêu hóa không được chăm sóc đúng cách sẽ dẫn đến gián đoạn trong việc hấp thụ dưỡng chất, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể.
2. Tại sao hệ tiêu hóa khỏe mạnh giúp chúng ta cảm thấy yêu đời hơn?
Trong nhịp sống hối hả của công việc và học tập ngày nay, nhiều người thường quên dành thời gian chăm sóc bản thân. Điều này thể hiện rõ qua chế độ ăn uống thiếu cân bằng, không đa dạng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần.
Chăm sóc cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh không chỉ mang lại lợi ích cho đường ruột mà còn giúp duy trì sức khỏe toàn diện, đồng thời phòng ngừa nhiều bệnh lý liên quan đến tiêu hóa như táo bón, đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy, đau dạ dày và trĩ.
Theo thống kê, 62% dân số thế giới gặp phải các vấn đề tiêu hóa ít nhất một lần mỗi năm. Đáng chú ý, nghiên cứu còn cho thấy tỷ lệ nữ giới mắc các vấn đề về tiêu hóa cao gấp đôi so với nam giới. Khoảng 4/5 người được khảo sát cho biết cần sự hỗ trợ từ nhân viên y tế để điều trị các bệnh liên quan đến đường ruột.
Ở trẻ nhỏ, việc thiếu chú ý đến chế độ ăn uống có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và thiếu dưỡng chất là hai vấn đề phổ biến có liên quan mật thiết đến hệ tiêu hóa. Những tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn cản trở quá trình phát triển toàn diện của trẻ.
Hệ tiêu hóa không chỉ đảm nhận chức năng tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng mà còn được xem như "bộ não thứ hai" của cơ thể vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của não, tinh thần và sức khỏe thể chất. Một ví dụ điển hình là serotonin - một loại hormone giúp thư giãn não bộ, mang lại cảm giác vui vẻ và giảm căng thẳng. Điều thú vị là khoảng 95% serotonin trong cơ thể được sản xuất ngay tại đường tiêu hóa, cụ thể là ở ruột.

Ngoài ra, việc bổ sung những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa như trái cây tươi, rau củ và các loại ngũ cốc đã được chứng minh có khả năng mang lại cảm xúc tích cực. Ngược lại, tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường hoặc chất béo không chỉ gây hại cho đường ruột mà còn dẫn đến những cảm xúc tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm trạng và chất lượng cuộc sống.
Những dẫn chứng trên cho thấy rõ tầm quan trọng của việc duy trì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh để nâng cao chất lượng cuộc sống, không chỉ về mặt thể chất mà còn về tinh thần.
3. Cách biện pháp bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Để tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, chúng ta không nhất thiết phải dùng thuốc mà có thể bổ sung những nguồn thực phẩm tự nhiên. Dưới đây là các biện pháp bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh:
- Uống đủ nước: Nước không chỉ giúp giải khát mà còn giảm mệt mỏi và ngăn ngừa táo bón. Nên uống từ 2-3 lít nước mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
- Chất béo tốt: Đây là một nhóm dinh dưỡng thiết yếu góp phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe. Các thực phẩm chứa chất béo tốt bao gồm cá béo (như cá hồi, cá mòi, cá thu), hạt chia, hạt óc chó và hạt lanh.
- Chất xơ: Đây là dưỡng chất rất có lợi cho quá trình tiêu hóa. Chất xơ hòa tan bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột, tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch và hỗ trợ tiêu hóa, đồng thời ngăn cản sự hấp thụ của cholesterol xấu và đường dư thừa vào máu. Chất xơ không hòa tan giúp đẩy nhanh các cặn bã ra khỏi cơ thể.
- Các dưỡng chất khác: Glutamine, Probiotic và kẽm cũng là những thành phần thiết yếu giúp bảo vệ và duy trì chức năng của hệ tiêu hóa.
- Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất: Bổ sung đầy đủ các loại vitamin tan trong dầu (A, D, E, K), vitamin tan trong nước (B, C, F) cùng các khoáng chất như sắt, kẽm, canxi,... đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Đồng thời, các dưỡng chất này còn giúp bảo vệ tế bào nhung mao và niêm mạc đường tiêu hóa khỏi sự tấn công của các tác nhân gây nhiễm trùng.
- Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ: Tiêu thụ nhiều thịt đỏ trong thời gian dài làm tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa. Thay vào đó, chúng ta nên hạn chế thịt đỏ và ưu tiên các thực phẩm như thịt trắng (gà), hải sản (cá, tôm, cua),... để bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Tóm lại, việc quan tâm chăm sóc hệ tiêu hóa là điều mà mọi người cần đặc biệt lưu ý. Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh không chỉ giúp bảo vệ mà còn duy trì sức khỏe tổng thể ở trạng thái tốt nhất. Ngược lại, nếu lơ là chăm sóc đường ruột, các vấn đề tiêu hóa và những biểu hiện tiêu cực có thể dần xuất hiện, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong hệ thống này. Chăm sóc tốt cho sức khỏe tiêu hóa và sức khỏe toàn diện là chìa khóa để tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc vui vẻ và ý nghĩa trong cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.