Theo khảo sát, khoảng 80% những người bị bệnh đái tháo đường có hàm lượng Triglyceride cao. Triglyceride cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bệnh tim mạch, đột quỵ và tổn thương thần kinh. Vậy vì sao đái tháo đường làm tăng Triglyceride?
1. Triglyceride là gì?
Triglyceride là các phân tử chất béo tạo nên phần lớn các chất béo có trong cơ thể và thức ăn. Cùng với Cholesterol, triglyceride là những chất béo lưu thông trong máu của cơ thể.
Nếu xét nghiệm máu vào lúc đói, mức Triglyceride bình thường là dưới 150mg/dL. Giới hạn tiền tăng triglyceride từ 150 - 199mg/ dL. Mức triglyceride cao từ 200 - 499mg/Dl và trên 500mg/dL được xem là cực cao.
Triglyceride cao có thể là nguyên nhân gây tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ và tổn thương thần kinh, cũng có nhiều tìm hiểu về nhiều mối liên hệ giữa mức độ triglyceride cao kinh niên với nguy cơ bị xơ vữa động mạch và mức kháng Insulin.
2. Nguyên nhân đái tháo đường làm tăng Triglyceride
Có nhiều nguyên nhân gây tăng Triglyceride, trong đó không kiểm soát được đái tháo đường Type 2 là một yếu tố:
- Khi đái tháo đường không được kiểm soát trong giới hạn có lợi cho cơ thể, điều này làm cho cả lượng Glucose (đường huyết) và Insulin tăng vọt.
- Insulin giúp chuyển hóa Glucose thành Glycogen (Glycogen là dạng dự trữ của Glucose trong cơ thể) và hỗ trợ lưu Glycogen trong gan.
- Khi gan bão hòa Glycogen, Glucose sẽ được dùng thay thế để tạo ra các axit béo, giải phóng vào trong máu.
- Các axít béo này được sử dụng để sản sinh Triglycerides trong các tế bào mỡ và cuối cùng làm tăng mỡ trong cơ thể.
3. Một vài nguyên nhân khác gây tăng Triglyceride
- Lượng calo nạp vào cao hơn khả năng tiêu hao của cơ thể: Triglycerides như một nguồn năng lượng nhanh giữa các bữa ăn. Lượng calo nạp vào còn dư sẽ được lưu trữ dưới dạng triglycerides trong các tế bào cơ thể.
- Tiêu thụ nhiều carbohydrate: Hệ thống tiêu hóa chiết xuất Glucose bằng cách bẻ gãy thức ăn khi bổ sung thức ăn giàu carbohydrate; Glucose sẽ được hấp thụ qua ruột vào trong máu. Nếu bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt, lượng Glucose dư sẽ được sử dụng để tạo ra Triglyceride, làm tăng Triglyceride;
- Béo phì tuy không phải là điều kiện “tiên quyết” làm tăng triglyceride, nhưng nó lại có sự tương quan nguy hiểm ở chu vi vòng bụng và mức tăng Triglyceride. Điều này còn nguy hiểm hơn cả chỉ số khối lượng chung của cơ thể (BMI);
- Kháng insulin: Kháng insulin có thể làm tăng cả Insulin và Glucose, dẫn đến tình trạng không kiểm soát được bệnh tiểu đường và gây tăng Triglyceride;
- Bệnh suy thận: Đối với bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường cũng được xem là nhóm có nguy cơ mắc bệnh suy thận mãn tính cao. Suy thận có thể gây tăng mỡ máu, trong đó có triglyceride. Khi đó chỉ số triglyceride cao hoặc kết hợp cả suy thận lẫn triglyceride trong máu cao đều gây bất lợi và làm trầm trọng thêm khả năng kháng insulin;
- Do di truyền: Nồng độ cholesterol HDL thấp và triglyceride cao là nguyên nhân làm tăng bệnh đái tháo đường týp 2, đồng thời cũng là những yếu tố mang tính di truyền. Nếu một thành viên bất kì trong gia đình có hiện tượng mỡ vàng dưới da hoặc xanthoma thì những người còn lại cũng dễ bị bệnh triglyceride cao;
- Hoóc-môn tuyến giáp thấp: những người mắc chứng rối loạn tuyến giáp thường có tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường cao. Một trong những rối loạn phổ biến nhất là suy giáp hoặc nhược giáp. Nếu triglyceride và cholesterol cao, rất có thể đây là dấu hiệu báo cho biết hoóc-môn tuyến giáp thấp. Hãy tư vấn bác sĩ để biết bệnh, điều trị suy giáp hiệu quả có thể giúp làm hạ triglyceride trong máu.
- Do thuốc chữa bệnh: một số loại thuốc chữa bệnh như thuốc tránh thai, estrogen, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, corticoid, retinoid, thuốc ức chế protease và tamoxifen... đều có thể làm tăng triglyceride. Nếu đang dùng một hoặc nhiều loại thuốc nói trên, hãy hỏi bác sĩ để lựa chọn loại thuốc thích hợp nhằm hạ triglyceride. Không nên ngưng thuốc đột ngột mà phải có sự tư vấn cụ thể của bác sĩ.
- Do thực phẩm: cùng với thuốc chữa bệnh, một số thực phẩm cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến triglyceride. Khi bị đái tháo đường, cơ thể không dung nạp với một số loại thực phẩm nhất định, như các loại đường, ngũ cốc chế biến kỹ, rượu, và nhóm thực phẩm giàu chất béo, đặc biệt là những chất béo bão hòa và chất béo trans-fat (mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần).... Vì vậy ăn uống khoa học, kiêng khem hay hạn chế nhóm thực phẩm bất lợi sẽ giúp làm giảm triglyceride và tạo điều kiện kiểm soát đường huyết được tốt hơn.
4. Biện pháp giảm Triglyceride
Từ một số nguyên nhân gây tăng Triglyceride nêu trên, bạn có thể tham khảo một vài biện pháp giúp làm giảm Triglyceride dưới đây:
- Tập luyện thể dục, thể thao, duy trì cuộc sống vận động, hạn chế cuộc sống tĩnh tại, tránh nằm nhiều và ngồi nhiều;
- Thiết lập và thực hiện một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, chú ý giảm bớt carbohydrate, đường, chất béo bão hòa và chất béo trans-fat;
- Không nên hút thuốc lá, nếu đã hút nên bỏ sớm càng tốt;
- Chủ động kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, cân đối và điều chỉnh chỉ số đường huyết về ngưỡng hợp lý bằng thuốc, ăn uống và luyện tập;
- Hạn chế rượu, đồ uống kích thích;
- Theo dõi Triglyceride trong cơ thể, khi có biểu hiện bất thường hoặc chỉ số báo động nên tìm đến sự hỗ trợ, tư vấn và trợ giúp từ bác sĩ để có phương án tốt cho sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.