Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thị Thu và Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Vô sinh là một vấn đề lớn của xã hội hiện đại. Để giải quyết tình trạng vô sinh không dễ, nhất là những trường hợp khó như vô sinh không rõ nguyên nhân. Vậy vô sinh không rõ nguyên nhân là gì, tại sao giải quyết vô sinh không rõ nguyên nhân lại không dễ, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Vì sao lại có tình trạng vô sinh không rõ nguyên nhân?
Một cặp vợ chồng quan hệ tình dục đều đặn, thường xuyên, không dùng bất kì biện pháp tránh thai nào mà sau một năm vẫn không thụ thai thì được coi là vô sinh. Mặc dù mốc đánh giá là sau một năm, nhưng với những cặp vợ chồng mà người vợ trên 35 tuổi, mốc đánh giá có thể rút xuống còn 6 tháng.
Ủy ban thực hành của Hiệp hội y học sinh sản Hoa Kỳ (Practice Committee of the American Society for Reproductive Medicine - ASRM) đã đưa ra hướng dẫn thăm khám tiêu chuẩn đối với các trường hợp vô sinh, bao gồm thực hiện tinh dịch đồ, đánh giá sự rụng trứng, chụp buồng tử cung vòi trứng có cản quang (hysterosalpingography - HSG), và kiểm tra dự trữ buồng trứng và nội soi ổ bụng nếu cần. Nếu tất cả các kết quả đều là bình thường, thì trường hợp này là vô sinh không rõ nguyên nhân.
Mặc dù có sự khác nhau giữa các nghiên cứu và thống kê, nhưng vô sinh không rõ nguyên nhân chiếm tỉ lệ khoảng 15 - 30% tổng số trường hợp vô sinh.
2. Thăm khám và chẩn đoán vô sinh không rõ nguyên nhân
Vô sinh không rõ nguyên nhân được xác định trong trường hợp vô sinh nhưng kết quả các thăm khám đánh giá tiêu chuẩn lại bình thường, do đó bước đầu tiên để chẩn đoán vô sinh không rõ nguyên nhân là thực hiện các thăm khám vô sinh tiêu chuẩn.
2.1. Đánh giá vô sinh ở nam giới
Việc thăm khám, đánh giá vô sinh ở nam giới bao gồm khai thác tiền sử, khám lâm sàng và thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ.
Khai thác tiền sử sẽ bao gồm tiền sử sinh đẻ trước đây (nếu có), tiền sử về tinh hoàn lạc chỗ, tiền sử bệnh lý và phẫu thuật, rối loạn tình dục, và tiền sử dùng thuốc chữa bệnh, hút thuốc lá, sử dụng rượu và chất kích thích.
Thăm khám lâm sàng sẽ chủ yếu thăm khám để phát hiện các bất thường (nếu có) của tinh hoàn và dương vật.
Đối với xét nghiệm tinh dịch đồ, nếu kết quả là bất thường thì nên được làm lại sau ít nhất 1 tháng, tại cơ sở sử dụng tiêu chuẩn hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới (World Health Organization - WHO).
2.2. Đánh giá sự rụng trứng
Thường sự khiếm khuyết về rụng trứng sẽ đi kèm trong sự bất thường của kinh nguyệt, và có thể dễ dàng nhận ra qua khai thác tiền sử đối với đa số trường hợp. Một phụ nữ với kinh nguyệt bất thường cần được tìm nguyên nhân nền, chẳng hạn như hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh lý tuyến giáp, chứng cường prolactin, thay đổi cân nặng thứ phát do nguyên nhân vùng dưới đồi.
Bên cạnh việc tìm hiểu tiền sử kinh nguyệt, có thể sử dụng các phương pháp đánh giá rụng trứng khác như theo dõi thân nhiệt nền, xét nghiệm nội tiết tố hoàng thể hóa (urinary luteinizing hormone - LH), xét nghiệm nồng độ progesterone huyết tương giữa giai đoạn hoàng thể, và sinh thiết niêm mạc tử cung.
Nồng độ progesterone huyết tương giữa giai đoạn hoàng thể thường được đo ở khoảng ngày thứ 21 của chu kỳ kinh nguyệt với phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều 28 ngày, tuy nhiên với phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều thì ngày thứ 21 có thể không phải là giữa giai đoạn hoàng thể. Đối với những phụ nữ này, nên đo nồng độ progesterone ở ngày thứ 7 hoặc thứ 8 sau khi phát hiện nồng độ nội tiết tố hoàng thể hóa (LH) đạt đỉnh. Nồng độ progesterone huyết tương trên 3 ng/mL gợi ý sự rụng trứng đã xảy ra, và trên 10 ng/mL là tối ưu.
Sinh thiết niêm mạc tử cung trước đây được sử dụng để chẩn đoán bất thường của giai đoạn hoàng thể, nhưng nó lại không có tương quan với khả năng sinh sản, và do đó hiện nay không được khuyến cáo.
2.3. Đánh giá dự trữ buồng trứng
Một trong những kiểm tra cần làm đối với các cặp đôi có vấn đề về sinh sản là đánh giá dự trữ buồng trứng. Những phụ nữ nhiều tuổi hoặc đã có phẫu thuật buồng trứng trước đây đối mặt với nguy cơ suy giảm chức năng hoặc dự trữ buồng trứng. Các đánh giá được tiến hành bao gồm nồng độ nội tiết tố kích thích buồng trứng (follicle stimulating hormone - FSH) và nồng độ estradiol huyết tương ngày thứ 3 của chu kì kinh nguyệt, thử nghiệm thử thách clomiphene citrate (clomiphene citrate challenge test - CCCT), và/hoặc siêu âm đếm nang buồng trứng thứ cấp (ultrasonographic ovarian antral follicle count).
Kết quả của những phương pháp trên không phải là chỉ dấu tuyệt đối cho vấn đề vô sinh, nhưng nếu kết quả bất thường thì sẽ có mối liên quan với sự kém đáp ứng thuốc kích thích buồng trứng và hạ thấp tỷ lệ sống sau sinh khi thực hiện thụ tinh nhân tạo.
2.4. Đánh giá tử cung và ống fallop
Việc đánh giá tử cung và ống fallop có thể thực hiện bằng cách tiến hành chụp buồng tử cung vòi trứng có cản quang.
Đánh giá bằng siêu âm ở giai đoạn nang noãn (trước rụng trứng) được sử dụng để phát hiện u xơ tử cung, polyp, và các bất thường bẩm sinh khác (như tử cung có vách ngăn); đồng thời có thể thu được các thông tin khác như kích thước buồng trứng, số nang buồng trứng thứ cấp.
2.5. Vai trò của nội soi ổ bụng trong đánh giá vô sinh
Nội soi ổ bụng được chỉ định cụ thể đối với từng trường hợp nhất định. Bên cạnh việc quan sát được trực tiếp hình ảnh đại thể của cơ quan sinh sản nữ, nó còn giúp phát hiện ra các bất thường trong khoang phúc mạc ảnh hưởng lên khả năng sinh sản, đặc biệt là lạc nội mạc tử cung và viêm dính vùng chậu. Theo hướng dẫn của Hiệp hội y học sinh sản Hoa Kỳ, nội soi ổ bụng được chỉ định với phụ nữ vô sinh không rõ nguyên nhân, hoặc có dấu hiệu, triệu chứng của lạc nội mạc tử cung, hoặc nghi ngờ viêm dính vòi trứng có hồi phục.
3. Điều trị vô sinh không rõ nguyên nhân
- Thay đổi lối sống: hút thuốc lá, thừa cân, béo phì, tiêu thụ nhiều caffeine, lạm dụng rượu và chất kích thích đều làm suy giảm khả năng sinh sản. Hãy thực hành và duy trì lối sống lành mạnh.
- Các biện pháp hỗ trợ sinh sản: hiện nay có rất nhiều biện pháp hỗ trợ sinh sản để giúp đỡ các cặp vợ chồng vô sinh, như bơm tinh trùng vào buồng tử cung, kích thích buồng trứng (kèm không kèm theo bơm tinh trùng vào buồng tử cung), thụ tinh nhân tạo (có sử dụng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, hoặc không). Mỗi biện pháp có ưu nhược điểm khác nhau và tỉ lệ thành công khác nhau, lựa chọn phương pháp nào cần đánh giá từng trường hợp cụ thể cũng như phụ thuộc vào quyết định của từng cặp vợ chồng.
Được thành lập từ tháng 11/2014, cho đến nay, Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF thuộc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã thực hiện hỗ trợ sinh sản cho trên 1000 cặp vợ chồng hiếm muộn với tỷ lệ thành công trên 40%. Tỷ lệ này tương đương với các nước phát triển như Anh, Mỹ, Australia,...
Trung tâm quy tụ đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sản phụ khoa trong nước và quốc tế, được đào tạo tại những trung tâm hàng đầu trên thế giới như tại Mỹ, Singapore, Nhật, Úc và các trung tâm Hỗ trợ sinh sản nổi tiếng trên thế giới.
Với trình độ chuyên môn cao cùng bề dày kinh nghiệm, đội ngũ chuyên gia của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Vinmec có khả năng triển khai đồng bộ và toàn diện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất hiện nay, giúp hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ của hàng trăm gia đình trên khắp Việt Nam.
Quý khách có thể trực tiếp đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Vinmec để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn hoặc liên hệ qua số điện thoại 024 3974 3556 để được hỗ trợ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: NCBI