Vì sao có tình trạng tràn khí màng phổi tự phát?

Tràn khí màng phổi tự phát là tình trạng khí đột ngột xuất hiện trong khoang màng phổi mà không do các nguyên nhân tác động từ bên ngoài như chấn thương hoặc vết thương.

1. Tràn khí màng phổi tự phát là gì?

Màng phổi bao bọc lấy phổi, gồm có hai lớp là lá thành và lá tạng. Lá thành là lớp sát với phổi, lá tạng là lớp lót vào khoang ngực. Giữa lá thành và lá tạng tạo nên khoang màng phổi. Bình thường khoang màng phổi chỉ chứa một lớp thanh dịch mỏng và không chứa không khí. Cấu trúc này tạo áp suất âm trong khoang màng phổi giúp phổi di động được dễ dàng, máu về tim cũng dễ hơn do áp suất lồng ngực thấp hơn áp suất những vùng khác trong cơ thể.

Tràn khí màng phổi tự phát là tình trạng khí đột ngột xuất hiện trong khoang màng phổi do những thương tổn bệnh lý của phổi, màng phổi gây ra. Tràn khí màng phổi làm phổi bị ép lại ở các mức độ khác nhau, gây hạn chế chức năng thông khí của phổi. Nếu tràn khí màng phổi có mức độ nghiêm trọng có thể gây suy hô hấp, rối loạn tuần hoàn do trung thất và tim bị đẩy sang bên đối diện.

2. Vì sao có tình trạng tràn khí màng phổi tự phát?

Tràn khí màng phổi tự phát được chia thành tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát và tràn khí màng phổi tự phát thứ phát.

2.1. Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát

Xảy ra ở bệnh nhân không có tiền sử chấn thương hoặc bệnh phổi kèm theo. Bệnh xuất hiện ở nam nhiều hơn nữ, tập trung ở độ tuổi 30-40. Nguyên nhân thường do vỡ các bóng khí ở bề mặt phổi. Cơ chế xuất hiện các bóng khí nhỏ ở phổi hiện vẫn chưa rõ, tuy nhiên các bóng khí này thường xuất hiện ở những người có lồng ngực dài hoặc những người mắc bệnh rối loạn di truyền mô liên kết như hội chứng Marfan. Ngoài ra, các bóng khí nhỏ trong phổi có thể xuất hiện trong trường hợp sốt siêu vi.


Sốt siêu vi có thể làm xuất hiện các bóng khí nhỏ trong phổi
Sốt siêu vi có thể làm xuất hiện các bóng khí nhỏ trong phổi

2.2. Tràn khí màng phổi tự phát thứ phát

tràn khí màng phổi xuất hiện ở những người mắc bệnh phổi trước đó, tiên lượng bệnh xấu hơn tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát.

Nhiều lý ở bệnh phổi có thể gây biến chứng tràn khí màng phổi như:

  • Bệnh lao: Hang lao, những ổ lao nhuyễn hóa, những tổn thương lao nằm rải rác trên bề mặt phổi có thể vỡ vào khoang màng phổi gây tình trạng tràn khí, tràn mủ vào màng phổi. Trước những năm 1980, do tình trạng thiếu thuốc, hóa chất điều trị, nên biến chứng tràn khí màng phổi tự phát ở bệnh nhân lao rất cao.
  • Các bệnh lý phổi ngoài lao gây biến chứng tràn khí màng phổi như: viêm phổi, viêm tiểu phế quản, áp xe phổi, bệnh bụi phổi, hen suyễn, khí phế thủng, dị vật đường thở, vỡ kén khí, giãn phế quản, xơ phổi kẽ lan tỏa, ung thư phổi,...

Ngoài ra, các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, viêm da cơ, xơ cứng bì cũng có thể gây tràn khí màng phổi. Bệnh ung thư phế quản gây di căn màng phổi có thể gây thủng, làm tràn khí màng phổi nhưng hiếm gặp.

3.Các triệu chứng bệnh tràn khí màng phổi tự phát

Khi bị tràn khí màng phổi tự phát, bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau ngực đột ngột, có thể đau dữ dội như bị dao đâm, người bệnh không dám thở sâu do đau ngực. Xuất hiện ho khan dữ dội, khi ho làm mức độ đau tăng lên. Cảm giác khó thở, ngột ngạt, mức độ khó thở của bệnh nhân tăng theo mức độ tràn khí. Nếu tràn khí màng phổi nhanh và nhiều, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như tay chân lạnh, vã mồ hôi, mạch nhanh, nhẹ, hạ huyết áp, tinh thần lo âu, hốt hoảng,...

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các triệu chứng chỉ xảy ra kín đáo, người bệnh thấy tức ngực, ho khan, khó thở nhẹ.

Khi tiến hành thăm khám phổi, bác sĩ thấy lồng ngực bên bị tràn khí căng vồng, kém di động, các khoảng liên sườn rộng, gõ vang, rung thanh giảm, rì rào phế nang giảm. Có thể có dấu hiệu tràn khí dưới da như cổ bạnh, mắt híp, ấn da lạo xạo. Để chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính,...


Người bệnh tràn khí phổi tự phát sẽ thấy ngực đau dữ dội
Người bệnh tràn khí phổi tự phát sẽ thấy ngực đau dữ dội

4. Điều trị tràn khí màng phổi tự phát

Với trường hợp tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát <15% thể tích bên tràn khí, chiều ngang của dải khí sát màng phổi <2cm thì không cần hút dẫn lưu, cho bệnh nhân thở oxy 2-3 lít/phút trong 2-3 ngày, sau đó chụp lại X-quang phổi, nếu ổn định có thể cho bệnh nhân ra viện.

Với trường hợp tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát >15% thể tích bên tràn khí, chiều ngang của dải khí sát màng phổi >2cm, tiến hành chọc hút màng phổi đơn thuần bằng một trong các phương tiện:

  • Kim nhỏ nối với ba chạc và bơm tiêm 50 ml
  • Kim luồn nối với dây chuyển dịch, ba chạc và bơm tiêm 50ml
  • Carather có nòng polyethylen đặt vào khoang màng phổi, hút áp lực âm 20cm nước liên tục

Mở màng phổi- đặt ống dẫn lưu được chỉ định trong các trường hợp:

  • Tràn khí màng phổi tự phát thứ phát do tất cả các nguyên nhân.
  • Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát thất bại với các phương pháp điều trị trên
  • Tràn khí màng phổi áp lực dương, bệnh nhân có nhịp thở >30 lần/phút, nhịp tim >120 lần/phút, tràn khí dưới da, trung thất bị đẩy lệch về bên đối diện, vòm hoành hạ thấp dẹt và thẳng, có khi đảo ngược.

Bác sĩ sẽ tiến hành mở màng phổi, chọn ống thông với kích thước phù hợp cho từng bệnh nhân, tiến hành hút áp lực âm 20cm nước liên tục cho đến khi hết khí màng phổi, sau đó kẹp ống dẫn lưu 24 giờ. Nếu tràn khí màng phổi không tái phát sau 24 giờ, tiến hành khám lâm sàng, chụp X-quang, rút ống dẫn lưu nếu bệnh nhân ổn định, tiến triển tốt.

Xem xét chỉ định ngoại khoa khi các biện pháp điều trị trên thất bại, bệnh nhân tràn khí màng phổi kéo dài hoặc thường xuyên tái phát. Các biện pháp ngoại khoa bao gồm mở lồng ngực hoặc mổ qua nội soi để bịt lỗ dò, cắt thùy phổi có kén khí,...

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe