Tình trạng tích nước trong cơ thể là một vấn đề về sức khỏe phố biến đối với hầu hết mọi người. Nó có thể xảy ra khi chế độ sinh hoạt không lành mạnh, chẳng hạn như ăn quá nhiều muối, ít tập thể dục hoặc thường xuyên ăn đồ ăn nhanh. Khi cơ thể bị tích nước sẽ dẫn đến các triệu chứng như sưng, phù, đầy hơi, cùng với một số dấu hiệu khác.
1. Tích nước là gì?
Các tình trạng như ngồi lâu trên máy bay, thay đổi hormone và ăn quá nhiều muối có thể khiến cơ thể giữ lại lượng nước dư thừa. Cơ thể con người được tạo thành chủ yếu từ nước. Khi mức cân bằng hydrat hóa bị phá vỡ, cơ thể sẽ có xu hướng tích nước, dẫn đến các tình trạng như đầy hơi, sưng, phù hoặc bọng mắt.
Tích nước là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến, và có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Một số yếu tố gây ra tình trạng này bao gồm di truyền, chu kỳ kinh nguyệt hoặc chế độ dinh dưỡng. Để giúp giảm sự tích nước của cơ thể, bạn nên tạo lập và thực hiện các lối sống lành mạnh hơn.
2. Các triệu chứng của tích nước trong cơ thể
Khi cơ thể bị tích nước, bạn sẽ có những triệu chứng sau đây:
- Đầy hơi, nhất là ở vùng bụng
- Sưng chân, bàn chân và mắt cá chân
- Phù bụng, mặt và hông
- Cứng khớp
- Trọng lượng của cơ thể bị thay đổi bất thường
- Xuất hiện các vết lõm trên da
3. Nguyên nhân gây ra tích nước trong cơ thể
Tình trạng tích nước có thể được bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
*Đi máy bay: việc thay đổi áp suất trong cabin và ngồi trong một thời gian dài có thể khiến cơ thể bị tích nước.
*Chế độ ăn kiêng: cơ thể con người đều rất cần đến natri, một loại khoáng chất có vai trò trọng yếu trong việc điều chỉnh huyết áp và mức chất lỏng. Tuy nhiên, nếu nạp quá nhiều lượng natri, bạn có thể gặp phải tình trạng tích nước trong cơ thể. Muối ăn là một trong những nguồn cung cấp dồi dào loại khoáng chất này, ngoài ra, bạn có thể tìm thấy chúng trong một số loại thực phẩm khác, như bánh quy, thịt, khoai tây chiên, rau, thức ăn chế biến sẵn, thậm chí cả nước ngọt.
Để kiểm soát được lượng natri nạp vào cơ thể, bạn nên kiểm tra cẩn thận nhãn dán dinh dưỡng của các loại thực phẩm và đồ uống trước khi lựa chọn sử dụng. Ngoài ra, bạn cũng có thể cân bằng lượng natri bằng cách ăn các thực phẩm giàu kali, ví dụ như rau bina, chuối và uống nhiều nước.
*Ngồi hoặc đứng quá lâu: thông thường, tác động của trọng lực khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc lưu thông máu. Điều này đã làm tăng áp lực bên trong các mạch máu ở chân và bàn chân, và khiến các chất lỏng rò rỉ vào các mô đó.
Khi bạn ngồi hoặc đứng quá lâu có thể khiến các mô tích nước, dẫn đến các tình trạng như sưng ở chân hoặc mắt cá chân. Để cải thiện được vấn đề này, thay vì đứng hoặc ngồi cả ngày, bạn nên dành nhiều thời gian hơn để vận động cơ thể.
*Kích thích tố (hormone): một số phụ nữ có thể có các biểu hiện như đầy hơi hoặc sưng phù trong những ngày trước chu kỳ kinh nguyệt. Đây là điều hoàn toàn bình thường và nó sẽ biến mất chỉ sau một vài ngày. Ngoài ra, việc thực hiện các biện pháp kiểm soát sinh sản hoặc liệu pháp thay thế hormone cũng là những yếu tố chính gây ra tình trạng tích nước.
*Sử dụng thuốc: việc sử dụng một số loại thuốc để điều trị bệnh có thể gây ra các tác dụng phụ, trong đó có sự tích nước của cơ thể. Những loại thuốc này, bao gồm:
*Vấn đề về tim mạch: một trái tim yếu đuối sẽ không thể làm tốt được nhiệm vụ bơm máu của mình, điều đó có thể khiến cơ thể bị giữ nước và gây sưng ở chân hoặc bụng. Thậm chí, tình trạng suy tim còn có thể gây ra sự tích tụ chất lỏng nguy hiểm bên trong phổi.
*Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT): là hiện tượng xuất hiện các cục máu đông trong tĩnh mạch, gây ra các triệu chứng điển hình như sưng một bên chân, đau, hoặc tấy đỏ.
*Mang thai: sự thay đổi cân nặng trong thời gian thai kỳ có thể khiến chân tích nước nếu bạn không di chuyển thường xuyên.
*Một số nguyên nhân khác, gồm có:
- Các bệnh ung thư như ung thư buồng trứng, gan hoặc thận
- Bệnh thận
- Mất protein do suy dinh dưỡng nặng
- Bệnh xơ gan
- Phù bạch huyết
4. Các biến chứng của tích nước trong cơ thể
Sự tích nước liên tục có thể là một trong những triệu chứng phổ biến của các tình trạng nguy hiểm sau:
Nếu cơ thể không trở lại được trạng thái cân bằng một cách tự nhiên, bạn nên tìm đến sự trợ giúp của y tế để được tư vấn và có biện pháp điều trị kịp thời.
5. Các biện pháp giúp khắc phục tình trạng tích nước
Để ngăn ngừa và kiểm soát hiệu quả tình trạng tích nước trong cơ thể, bạn nên thực hiện theo các phương pháp sau đây:
*Ăn ít muối: hãy cố gắng hạn chế lượng natri nạp vào cơ thể. Theo khuyến cáo, mọi người không nên ăn quá 2.300 miligam natri mỗi ngày. Để làm được điều này, bạn hãy nói “không” với các loại thực phẩm chế biến sẵn hoặc đã được đóng hộp.
*Bổ sung thực phẩm giàu kali và magie: các loại thực phẩm này có thể giúp bạn cân bằng được lượng natri trong cơ thể. Một số nguồn cung cấp dồi dào hai loại khoáng chất này, bao gồm chuối, bơ, khoai lang, cà chua, rau bina,...
*Tăng cường vitamin B6: một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vitamin B6 có công dụng tuyệt vời trong việc làm giảm đáng kể các triệu chứng tiền kinh nguyệt của phụ nữ, chẳng hạn như cơ thể bị tích nước.
*Nạp protein: protein là một chất có khả năng thấm hút nước và giữ cân bằng cho cơ thể. Bạn nên bổ sung một loại protein đặc biệt, gọi là albumin, có tác dụng giữ các chất lỏng, đồng thời ngăn chặn nó không rò rỉ ra bên ngoài và gây ra tình trạng sưng.
*Thường xuyên tập thể dục: bạn nên tập luyện thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, ví dụ như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe,...Điều này giúp cho quá trình lưu thông máu trở nên dễ dàng hơn, từ đó ngăn ngừa được tình trạng tích nước trong cơ thể.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, healthline.com
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.