Phì đại tuyến vú ở trẻ em là tình trạng bệnh lý khá phổ biến, mang tính chất lành tính (không phải ung thư vú) chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nam ở lứa tuổi thiếu niên. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ mà còn có thể gây ra những khó chịu tại chỗ như loét nếp vú, trở ngại khi mặc áo và sinh hoạt thường ngày hay gây đau mỏi vai gáy, gù lưng, thiểu năng tuần hoàn não,...
1. Thế nào là tình trạng tuyến vú phì đại?
Vú phì đại ở trẻ em là tình trạng bệnh lý tăng thể tích tuyến vú quá mức, gây ra do sự quá phát của mô tuyến vú, kèm theo sự tăng thâm nhập tổ chức mỡ xung quanh. Tình trạng này có thể xảy ra ngay ở thời điểm tuổi dậy thì của trẻ. Triệu chứng và kích cỡ phì đại tuyến vú ở trẻ có thể khác nhau: Từ một khối nhỏ bất thường sau núm vú cho đến việc cả tuyến vú phì đại như phụ nữ. Phì đại tuyến vú có thể ảnh hưởng tới một hoặc hai vú khiến khi chạm vào khu vực này bệnh nhân có thể cảm thấy đau hoặc tăng độ nhạy cảm.
2. Vì sao có hiện tượng phì đại tuyến vú ở trẻ em?
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng phì đại tuyến vú ở trẻ em như:
Phì đại do sinh lý:
- Dậy thì ở bé trai thường bắt đầu ở lứa tuổi thiếu niên nhưng một số bé lại nhận thấy nhiều thay đổi về kích thước từ khi chúng 10 tuổi.
- Trong độ tuổi phát triển, estrogen và testosterone sẽ quyết định kích thước của mô vú. Nếu estrogen cao hơn mức testosterone thì sẽ khiến vú phát triển và trở nên to hơn, dễ nhận thấy hơn.
- Tuy nhiên, ở cuối giai đoạn dậy thì, tinh hoàn phát triển hoàn thiện thì hormone testosterone sẽ chiếm ưu thế hơn, từ đó, lớp mỡ vú lại co được vào. Trường hợp mất cân bằng hormone khiến tuyến vú không thể teo lại chính là căn nguyên gây bệnh phì đại tuyến vú .
Phì đại do bệnh lý:
- Tình trạng phì đại tuyến vú do bệnh lý thường gặp ở nam giới lớn tuổi hơn là trẻ em do các nguyên nhân lạm dụng thuốc.
- Hội chứng Klinefelter do gen di truyền khiến trẻ nam được sinh ra với thừa 1 nhiễm sắc thể X làm hormone giới tính đặc trưng không được đẩy mạnh sản xuất khiến kích thước ngực bị ảnh hưởng theo và gây nên bệnh lý phì đại tuyến vú.
- Ngoài ra, việc trẻ bị thừa cân béo phì cũng làm gia tăng lượng tế bào mỡ trong cơ thể gây sản sinh ra nhiều estrogen, từ đó, dẫn tới mô vú phát triển. Chế độ ăn cân bằng và tập luyện sẽ giúp cải thiện cân nặng và giảm tình trạng bệnh ở trẻ.
3. Điều trị phù đại tuyến vú như thế nào?
Thông thường, điều trị phì đại tuyến vú ở trẻ thường là theo dõi và điều trị nội khoa, hiếm khi điều trị phẫu thuật. Các thuốc điều trị nội khoa có thể được cân nhắc sử dụng gồm:
- Tamoxifen: Có tác dụng làm giảm lượng estrogen trong cơ thể và làm giảm kích thước tuyến vú ở nam giới.
- Danazol: Được sử dụng để điều trị phì đại tuyến vú nam, có gây đau và tăng nhạy cảm tuyến vú. Thuốc cũng làm giảm estrogen được sản xuất và làm giảm kích thước, cải thiện triệu chứng tuyến vú.
- Các chất ức chế aromatase là thuốc nội tiết bậc 2 rất hiếm khi được dùng.
Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định nếu bệnh phì đại tuyến vú không cải thiện khi thay đổi lối sống hoặc điều trị thuốc không hiệu quả, khiến chất lượng sống người bệnh giảm sút. Phẫu thuật phì đại tuyến vú nam không phải là một phẫu thuật đơn giản, cần phụ thuộc vào kích thước của vú phì đại và lượng da thừa lại. Mục đích là khôi phục kích thước ngực bình thường và có thể thực hiện nhiều lần. Hút mỡ thừa là một trong những thủ thuật phổ biến nhất được dùng đơn lẻ hoặc cùng với phẫu thuật giảm kích thước vú (tạo hình ngực). Bệnh phì đại tuyến vú vẫn có thể tái phát sau phẫu thuật vì các thủ thuật này đều để lại một số mô vú nhất định.
Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: bachmai.gov.vn, vtv.vn