Chèn ép thực quản là tình trạng lòng thực quản bị thu hẹp bất thường, gây ra biểu hiện khó nuốt và nuốt nghẹn. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn, đôi khi là do khối u thực quản hay tác động từ bên ngoài. Lúc này, nội soi đường tiêu hóa trên thường là phương thức chẩn đoán đầu tiên được chỉ định, giúp tìm nguyên nhân chèn ép thực quản và cho phép can thiệp điều trị đúng cách.
1. Vì sao có hiện tượng chèn ép thực quản?
Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây chèn ép thực quản thường là:
- Tiến triển của chấn thương thực quản;
- Phát triển khối u tại chỗ hay từ bên ngoài;
- Hiện diện của thức ăn và dị vật.
Các chấn thương trên thực quản tiến triển thành chèn ép thực quản hay tắc nghẽn có thể do tổn thương thực quản với cơ chế axit trào ngược nhiều lần từ dạ dày (trào ngược dạ dày thực quản), thường trong nhiều năm. Tắc nghẽn thực quản cũng có thể do tổn thương thực quản xảy ra sau khi nuốt phải một chất ăn mòn (viêm thực quản ăn mòn) hoặc xảy ra sau khi thực quản bị viêm do một viên thuốc mắc kẹt trong thực quản thời gian dài.
Bên cạnh đó, các khối u thực quản là nguyên nhân nghiêm trọng gây chèn ép thực quản, bao gồm khối u ung thư và khối u không phải ung thư của thực quản.
Hơn nữa, chèn ép thực quản cũng có thể xảy ra khi có vật gì đó đè lên thực quản từ bên ngoài. Có một số nguyên nhân cần phải kể đến, chẳng hạn như:
- Giãn rộng tâm nhĩ trái của tim khi bị hẹp van hai lá;
- Phình động mạch chủ;
- Mạch máu hình thành bất thường;
- Tuyến giáp lớn bất thường;
- Xương mọc ra từ cột sống;
- Ung thư (phổ biến nhất là ung thư phổi).
Đôi khi nguyên nhân chèn ép thực quản là do di truyền. Những rối loạn này thường chỉ gây tắc nghẽn thực quản một phần.
Bởi vì tất cả những tình trạng này đều làm giảm đường kính của thực quản, bệnh nhân thường đi khám trong bệnh cảnh khó nuốt, nuốt nghẹn khi nuốt thức ăn rắn, đặc biệt là thịt và bánh mì. Khó nuốt chất lỏng sẽ phát triển muộn hơn sau đó.
2. Làm cách nào để chẩn đoán hiện tượng chèn ép thực quản?
Khi đã khai thác tiền sử bệnh về tình trạng khó nuốt, nuốt nghẹn kéo dài từ thức ăn rắn sang thức ăn lỏng và nghi ngờ có hẹp thực quản, chỉ định để chẩn đoán hiện tượng chèn ép thực quản tốt nhất luôn là nội soi thực quản hoặc chụp thực quản có cản quang.
Cả hai phương pháp hình ảnh học này đều là phương thức chẩn đoán chính cho hiện tượng chèn ép thực quản. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng khó nuốt và sự hiện diện của các triệu chứng lâm sàng khác, người bệnh có thể cần chụp X-quang ngực để đánh giá các vấn đề như chèn ép dị vật hoặc thoát vị cơ hoành và loại trừ một số tình trạng phổi khác. Đôi khi, chụp CT sẽ hữu ích hơn ở những bệnh nhân có tiền sử ăn chất ăn mòn để phát hiện thủng thực quản. Tuy nhiên, chụp X-quang và CT không cần thiết trong các trường hợp thường quy. CT sẽ trở nên hữu ích hơn ở các bệnh nhân được phát hiện có bệnh lý ác tính khi sinh thiết và giúp xác định giai đoạn bệnh.
Phần lớn bệnh nhân được đánh giá bằng nội soi vì có thể cung cấp thông tin tổng thể về giải phẫu thực quản và xác định chẩn đoán, cho phép sinh thiết niêm mạc. Nội soi tạo cơ hội cho việc điều trị giãn cơ khi có chỉ định. Nội soi cản quang chỉ dành cho những bệnh nhân có tình trạng hẹp thực quản do chèn ép phức tạp hoặc khi nội soi không hoàn chỉnh do lòng mạch bị chèn ép gây hẹp quá mức. Thông thường, bác sĩ dùng chất cản quang hòa tan trong nước để xem qua lần đầu nhằm tránh phát sinh các tác nhân nặng như bari, giảm thiểu nguy cơ tắc nghẽn và/ hoặc cần phải hút dịch từ thực quản
3. Các biện pháp điều trị chèn ép thực quản như thế nào?
Có nhiều phương pháp và công cụ khác nhau được sử dụng để đạt giải phóng chèn ép thực quản và cải thiện lưu thông trong lòng thực quản. Điều trị bao gồm sử dụng chất làm giãn cơ vòng thực quản, đặt stent và phẫu thuật cắt bỏ thực quản.
Trong đó, kỹ thuật được sử dụng nhiều và lành tính nhất là nong nội soi trong lòng thực quản bằng cách sử dụng một quả bóng hoặc một dụng cụ nong bóng. Mục tiêu chính là cải thiện các triệu chứng, chủ yếu là làm giảm chứng khó nuốt, nuốt nghẹn cho bệnh nhân.
Can thiệp đặt stent thực quản, chống lại các khối chèn ép thực quản thường được dành cho các trường hợp khối u thực quản gây hẹp ác tính và lành tính. Mục tiêu của việc đặt stent là để giữ cho lòng thực quản mở ra trong thời gian dài, bệnh nhân vẫn có thể ăn uống được một cách sinh lý. Trong trường hợp khối u thực quản ác tính, đặt stent có thể được sử dụng để giảm nhẹ hoàn toàn trong trường hợp ung thư tiến triển hoặc giảm nhẹ tạm thời trong trường hợp đang điều trị bổ trợ tân sinh.
Cắt bỏ thực quản do bị chèn ép thực quản dành riêng cho tình trạng hẹp thực quản gây ra bởi nhóm bệnh ác tính hoặc tình trạng lành tính không thích nghi với các hình thức điều trị bảo tồn như trên. Lúc này, phẫu thuật mở rộng thực quản có thể cần thiết trong các trường hợp hẹp thực quản ác tính, trong đó việc cắt bỏ khối u gây chèn ép thực quản đồng thời cũng diễn ra nếu thuận lợi. Trong những trường hợp như vậy, phẫu thuật viên sẽ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản, kéo ống dạ dày lên hoặc đặt quai ruột để tạo hình lại ống tiêu hóa trên.
4. Các biến chứng của chèn ép thực quản
Các biến chứng liên quan đến tình trạng chèn ép thực quản nếu không được chẩn đoán và không được điều trị kịp thời sẽ gây ra đó là:
- Ăn kém;
- Khó nuốt;
- Nuốt nghẹn;
- Hít sặc thức ăn;
- Hen suyễn do hít phải;
- Đau ngực dữ dội;
- Thủng thực quản do viêm nhiễm lâu ngày;
- Hình thành đường rò thực quản.
Mặc khác, các biện pháp can thiệp trên thực quản nhằm giải phóng chèn ép thực quản cũng tiềm ẩn những rủi ro. Ví dụ như các biến chứng thiếu máu do nong và đặt stent có thể gây chảy máu và thủng thực quản. Chính vì thế, bệnh nhân cần được hướng dẫn cách thức theo dõi sau can thiệp, như thăm khám lại ngay lập tức khi tái phát các triệu chứng khó nuốt, nôn trớ.
Tóm lại, chèn ép thực quản cấp tính do thức ăn hay dị vật có thể là một tình trạng cấp cứu. Ngược lại, các khối u thực quản tại chỗ hay các khối từ bên ngoài có thể gây chèn ép thực quản theo thời gian, khiến người bệnh khó nuốt, nuốt nghẹn tăng dần. Dù với nguyên nhân nào, khi bệnh nhân được nội soi tiêu hóa trên để chẩn đoán sớm thì khả năng điều trị thành công cao, cải thiện đáng kể cho tiên lượng bệnh về lâu dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov, accesssurgery.mhmedical.com, winchesterhospital.org, medanta.org