Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ Thanh đã có thời gian công tác 25 năm trong điều trị các bệnh lý Nhi sơ sinh.
Tái khám sau sinh cho trẻ sơ sinh là khâu quan trọng, cần thiết sau khi bé ra đời. Đây là lựa chọn giúp cha mẹ có thể an tâm khi biết trẻ phát triển một cách khỏe mạnh và toàn diện. Bên cạnh đó, nếu phát hiện ra các bệnh lý bẩm sinh, các bác sĩ cũng sẽ kịp thời can thiệp để trẻ có cơ hội điều trị, đảm bảo sức khỏe về sau.
1. Lý do nên tái khám cho trẻ sơ sinh
Ngay sau khi trẻ chào đời, bác sĩ sẽ ghi lại một số thông tin của bé gồm nhịp thở, tư tư thế, sắc da, phản xạ,... rồi cho bé và mẹ tiếp xúc da kề da. Sau khoảng 1 giờ, bác sĩ sẽ cân trẻ, kiểm tra nhiệt độ, đo chu vi vòng đầu,...
Sau sinh 4 ngày, trẻ sẽ được khám lại. Việc này giúp phát hiện các bệnh lý như vàng da sơ sinh để đưa ra lựa chọn can thiệp phù hợp. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ thực hiện đo thính lực cho bé, phát hiện khiếm thính. Ngoài ra, trẻ còn được xét nghiệm sàng lọc sơ sinh để phát hiện 3 bệnh gồm suy giáp bẩm sinh, tăng sản thượng thận bẩm sinh và thiếu men G6PD (sớm nhất sau 72 giờ sau sinh, muộn nhất sau 3 tuần tuổi). Như vậy, tái khám sau sinh cho trẻ sơ sinh sẽ giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng sức khỏe của trẻ và đưa ra đề nghị can thiệp điều trị phù hợp.
Thông thường, sau khi sinh 2 tuần, cha mẹ nên đưa bé đi khám sàng lọc sơ sinh để trao đổi với bác sĩ về những vấn đề của bé ở những tuần đầu đời. Cũng có cơ sở y tế hẹn lịch tái khám sau sinh 1 tháng. Sau đó, lịch tái khám của trẻ là các tháng thứ 2, 4, 6. Từ tháng thứ 6 thì cứ 3 tháng sẽ tái khám cho bé một lần. Khi bé được 2 tuổi thì tái khám từng năm một.
XEM THÊM: Lợi ích của sàng lọc sơ sinh
2. Tái khám khi trẻ được 1 tháng tuổi gồm những gì?
Trong lần khám sức khỏe cho trẻ khi được 1 tháng tuổi, trẻ sẽ được khám:
- Cân nặng và số đo của bé, đảm bảo trẻ phát triển bình thường, khỏe mạnh;
- Kiểm tra nhịp thở, nhịp tim của bé;
- Kiểm tra mắt và đo thính lực cho trẻ;
- Đo kích cỡ đầu của bé để theo dõi sự phát triển của bộ não;
- Kiểm tra xem dây rốn đã teo rụng, cuống rốn đã lành chưa;
- Kiểm tra bộ phận sinh dục cho bé trai có bị hẹp bao quy đầu;
- Tiêm vaccin theo đúng tuổi cho trẻ;
- Cho trẻ đang bú mẹ uống vitamin D.
XEM THÊM: Xét nghiệm lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh
3. Cha mẹ nên chuẩn bị gì khi tái khám cho trẻ sơ sinh?
Cha mẹ có thể chuẩn bị sẵn một số câu hỏi về sức khỏe, thói quen của trẻ khi đưa bé đi tái khám sau sinh. Bác sĩ sẽ giải đáp cụ thể:
- Về giấc ngủ của bé: Trẻ dưới 1 tháng tuổi thường có giấc ngủ thất thường. Hầu hết trẻ ngủ các giấc ngắt quãng 2 - 3 tiếng trong ngày, tổng lại khoảng 15 tiếng;
- Về tư thế ngủ: Nên đặt bé nằm ngửa khi ngủ;
- Về việc ăn uống: Hầu hết các bé 1 tháng tuổi ăn theo nhu cầu ( thường 2 - 3 tiếng/lần );
- Về vấn đề tiêu hóa: Phân của bé mềm là bình thường. Phân nhão hoặc vón cục có thể là dấu hiệu của việc bé bị thiếu nước hoặc táo bón;
- Về thời gian thức: Không có kết luận chính xác về thời gian thức của trẻ. Quan sát cho thấy thời kỳ thức dần dài hơn cho thấy bé đang phát triển bình thường;
- Về mắt trẻ: Bác sĩ có thể kiểm tra cấu trúc của mắt cũng như khả năng dịch chuyển nhãn cầu của mắt trẻ;
- Về thói quen gắt ngủ vào cuối ngày: Trẻ 1 tháng tuổi thường có thói quen mệt mỏi, cáu kỉnh và gắt ngủ vào khoảng từ 6h tối đến đêm;
- Về cử động đầu: Kiểm soát cử động đầu là một trong những mốc phát triển quan trọng của trẻ 1 tháng tuổi. Nếu trẻ không thể giữ vững đầu trong thời gian ngắn thì phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Tái khám sau sinh cho trẻ sơ sinh là cần thiết để bác sĩ đánh giá chính xác tình hình sức khỏe của bé và đưa ra lựa chọn can thiệp phù hợp. Từ đó, đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh, toàn diện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.