Chăm sóc trẻ sinh non như thế nào là một vấn đề thách thức, gặp nhiều khó khăn từ trong phòng chăm sóc đặc biệt cho đến khi về nhà. Những vấn đề về dinh dưỡng cho trẻ sinh non bao gồm các cữ bú sớm, chia nhỏ và liên tục nhằm hấp thụ lượng sữa cần thiết để bắt kịp sự phát triển như trẻ sinh đủ tháng.
1. Đặc điểm về chế độ dinh dưỡng cho trẻ sinh non
Trẻ sinh non còn nhỏ và có thể không chịu bú sữa ngay. Trong thực tế, những trẻ sinh non, từ 34 đến 37 tuần thường gặp khó khăn khi bú bình hoặc bú mẹ. Điều này là do trẻ chưa đủ trưởng thành để phối hợp các động tác hút, thở và nuốt.
Do đó, chế độ dinh dưỡng cho trẻ sinh non không phải lúc nào cũng dễ dàng để thực hiện nhưng lại rất quan trọng đối với sự phát triển và tăng trưởng của trẻ. Một chế độ dinh dưỡng tốt không chỉ giúp cơ thể trẻ sinh ra phát triển bình thường mà mà sự phát triển trí não cũng không bị ảnh hưởng vì sinh non.
Các tình trạng khác cũng có thể cản trở khả năng bú bằng miệng của trẻ sinh non bao gồm:
- Các vấn đề về hô hấp;
- Mức oxy thấp;
- Chức năng hệ tuần hoàn
- Nhiễm trùng máu.
Như vậy, nếu trẻ sơ sinh rất nhỏ hoặc ốm yếu thì có thể cần được cung cấp dinh dưỡng và chất lỏng qua tĩnh mạch. Khi trẻ khỏe hơn, dinh dưỡng cho trẻ sinh non có thể lấy sữa mẹ hoặc sữa công thức bằng một ống dẫn vào dạ dày qua mũi hay miệng. Lượng sữa mẹ hoặc sữa công thức được tăng lên rất chậm qua từng ngày, đặc biệt là đối với trẻ sinh rất non. Điều này làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường ruột là viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh. Đồng thời, nếu trẻ sinh non bú sữa mẹ thì sẽ ít có nguy cơ mắc viêm ruột hoại tử hơn.
Đối với nhóm trẻ sinh non từ 34 đến 37 tuần tuổi thường có thể được bú bình hoặc bú mẹ. Trẻ sinh non có thể bú mẹ dễ dàng hơn so với bú bình lúc đầu. Điều này là do dòng chảy từ bình sữa khó kiểm soát hơn và trẻ có thể bị nghẹt thở hoặc ngừng thở. Tuy nhiên, trẻ cũng có thể gặp vấn đề trong việc duy trì lực hút thích hợp ở vú để có đủ sữa đáp ứng nhu cầu của mình.
2. Vì sao cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ sinh non?
Trẻ sinh non gặp khó khăn hơn trong việc duy trì đủ năng lượng, sự cân bằng nước thích hợp trong cơ thể. Theo đó, những trẻ này có thể mau chóng bị cạn kiệt năng lượng, thiếu hoặc thừa nước do mất nhiều sức lực để thở.
Dù vậy, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng cho trẻ sinh non tốt, đặc biệt là đối với trẻ sinh sớm và trẻ nhẹ cân. Lợi ích của sữa mẹ là có thể bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại nhiễm trùng và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, viêm ruột hoại tử.
Nếu mẹ không đủ sữa, các loại sữa công thức đặc biệt dành cho trẻ sinh non cũng có thể được sử dụng. Các loại sữa công thức này thường có thêm canxi và protein để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của trẻ sinh non. Đối với trẻ sinh non lớn (tuổi thai 34-36 tuần) có thể được chuyển sang sữa công thức thông thường hoặc sữa công thức chuyển tiếp.
Tuy vậy, trẻ sinh non vì ở trong bụng mẹ chưa đủ lâu để kịp dự trữ các chất dinh dưỡng cần thiết nên phải dùng một số loại thuốc bổ sung. Theo đó, trẻ bú sữa mẹ có thể cần một chất bổ sung để cung cấp thêm protein, calo, sắt, canxi và vitamin. Trẻ bú sữa công thức có thể cần bổ sung một số chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin A, C, D và axit folic.
Hầu hết trẻ sinh non sẽ cần tiếp tục bổ sung dinh dưỡng sau khi xuất viện. Đối với trẻ bú mẹ cần các chất bổ sung sắt và vitamin D. Một số trẻ sẽ cần bổ sung nhiều hơn những trẻ khác nếu không thể hấp thụ đủ lượng sữa thông qua việc bú mẹ.
3. Lượng sữa cần để chăm sóc trẻ sinh non như thế nào?
Để xác định nên cho trẻ sinh non ăn bao nhiêu sữa tại nhà, cha mẹ cần hỏi nhân viên phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU) xem trẻ đã có thể ăn được bao nhiêu trong bệnh viện. Đây là lượng sữa cơ sở tối thiểu làm thước đo để cha mẹ tiếp tục chăm sóc trẻ sinh non tại nhà.
Trong thực tế, hầu hết trẻ sơ sinh bú sữa mẹ đều bú khoảng 8 đến 12 lần mỗi ngày (khoảng 90 phút đến 3 giờ một lần), mỗi lần khoảng 45 đến 90ml sữa sau mỗi 2 đến 3 giờ.
Cho dù trẻ sinh non ăn gì, sữa công thức hoặc sữa mẹ thì đều nhận được dinh dưỡng cần thiết nếu đảm bảo ăn đủ. Nếu trẻ bú không đủ sữa, trẻ sẽ có dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như:
- Khóc không ra nước mắt;
- Khô miệng, lưỡi và da;
- Thay ít hơn sáu tã ướt trong khoảng thời gian 24 giờ;
- Mắt trũng;
- Thóp trũng.
Điều quan trọng là cha mẹ cần nhớ các lần tái khám theo lịch với bác sĩ nhi khoa. Trẻ sẽ được đo chiều dài, cân nặng và đánh giá sự phát triển của đầu mỗi lần kiểm tra sức khỏe định kỳ để đánh giá quá trình tăng trưởng.
4. Cách chăm sóc trẻ sinh non như thế nào tại nhà?
Tại nhà, nếu trẻ bú ít sữa hơn so với ở bệnh viện hoặc trông có vẻ phát triển không tốt, hãy tham vấn với bác sĩ nhi khoa. Bên cạnh đó, cho dù trẻ đang bú mẹ hay bú bình, các thủ thuật sau đây có thể khuyến khích trẻ ăn được nhiều hơn:
- Cho trẻ ăn ngay khi trẻ đói: Khóc là một dấu hiệu đói muộn. Nếu em bé đang mút nắm tay hoặc gồng mình, hãy cho bé bú. Trẻ có thể bú tốt hơn hoặc nhiều sữa hơn nếu được cho bú ngay khi bắt đầu có dấu hiệu đói.
- Hãy đảm bảo rằng em bé hoàn toàn tỉnh táo: Nếu em bé có xu hướng buồn ngủ trong khi bú, hãy cố gắng giữ cho trẻ tỉnh táo và thích thú.
- Sau mỗi cữ bú, cần ẵm dọc trẻ và vỗ lưng. Tránh đặt trẻ nằm xuống quá sớm sẽ dễ trào ngược dạ dày thực quản.
Tóm lại, với một chế độ dinh dưỡng hoàn chỉnh, trẻ sinh non sẽ có điều kiện tốt để tiếp tục phát triển. Những hiểu biết nhất định trên đây sẽ giúp cha mẹ giải đáp lo lắng, băn khoăn về việc trẻ sinh non ăn gì hay chăm sóc trẻ sinh non như thế nào để xây dựng cho con sự khởi đầu vững chắc như những đứa trẻ đồng trang lứa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov, verywellfamily.com, medlineplus.gov