Lao là một căn bệnh gây ra bởi vi khuẩn lây lan trong không khí. Trong khi HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch, đây là tình trạng càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao. Vấn đề đồng nhiễm này nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát tích cực sẽ càng khiến cho sức khỏe người bệnh nhanh chóng suy giảm, đồng nhiễm thêm nhiều bệnh lý nhiễm trùng cơ hội khác.
1. Bệnh lao là gì?
Lao là một bệnh truyền nhiễm có thể lây từ người sang người. Bệnh lao gây ra bởi vi khuẩn có tên Mycobacterium tuberculosis.
Vi trùng lao thường ảnh hưởng đến phổi. Theo đó, lao phổi là bệnh lý rất thường gặp tại các nước kém phát triển, đông dân và điều kiện vệ sinh còn hạn chế. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể tấn công bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, bao gồm cả hạch bạch huyết, thận, xương hoặc não. Nếu không được điều trị, bệnh lao có thể gây suy giảm chức năng cơ quan, gây suy kiệt cơ thể và có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh lao lây lan từ người sang người dễ dàng qua đường không khí. Một người mắc bệnh lao phổi có thể lan truyền các giọt bắn chứa vi khuẩn lao trong không khí, đặc biệt là khi ho hoặc hắt hơi. Những người hít phải vi khuẩn lao có thể bị nhiễm lao.
Khi vào cơ thể, bệnh lao có thể ở dạng hoạt động hoặc ở dạng không hoạt động. Vi trùng lao không hoạt động được gọi là lao tiềm ẩn. Lao hoạt động sẽ gây ra bệnh lao.
2. Vì sao bệnh lao thường đồng nhiễm với HIV?
Trên toàn thế giới, bệnh lao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người nhiễm HIV. Đây là một bệnh nhiễm trùng cơ hội - từ chung chỉ các bệnh lý nhiễm trùng có thể xảy ra với tần suất thường xuyên hơn hoặc với mức độ nghiêm trọng hơn ở những người có hệ miễn dịch suy yếu hơn ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Chính vì thế, vì cơ thế gây bệnh của virus HIV là tấn công và làm tổn thương hệ thống miễn dịch, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao ở người nhiễm HIV.
Khi nhiễm cả HIV và bệnh lao sẽ được gọi là đồng nhiễm HIV và lao. Lao tiềm ẩn có nhiều khả năng tiến tới bệnh lao hoạt động ở người nhiễm HIV hơn ở người không nhiễm HIV. Đồng thời, bệnh lao cũng có thể có biểu hiện nặng nề hơn ở những người nhiễm HIV hay có thể tình trạng nhiễm HIV trở nên xấu đi.
Điều trị với thuốc kháng virus HIV sẽ làm giảm tải lượng siêu vi trong máu, qua đó sẽ bảo vệ hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa hay làm chậm nhiễm HIV tiến tới AIDS. Theo đó, ở những người bị đồng nhiễm HIV và lao, thuốc kháng virus cũng sẽ gián tiếp góp phần giúp người bệnh giảm nguy cơ lao tiềm ẩn chuyển thành lao tiến triển hoặc bệnh lao hoạt động sẽ dễ dàng được kiểm soát hơn.
3. Người nhiễm HIV có nên xét nghiệm lao?
Tất cả những người nhiễm HIV nên được xét nghiệm nhiễm lao, tốt nhất là ngay tại thời điểm chẩn đoán HIV.
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy người đó mắc bệnh lao tiềm ẩn, cần thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung nhằm có bằng chứng loại trừ khả năng lao chuyển dạng hoạt động. Càng thực hiện nhiều xét nghiệm, càng sớm có căn cứ xác định xem người nhiễm HIV đồng nhiễm lao và lên kế hoạch điều trị.
Trong trường hợp các xét nghiệm đều âm tính, cần tiếp tục theo dõi người bệnh và lặp lại xét nghiệm tầm soát theo định kì hoặc khi người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ lao phổi cũng như lao tại các cơ quan.
4. Các triệu chứng của bệnh lao là gì?
Những người mắc bệnh lao tiềm ẩn có thể không có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh lao tiềm ẩn tiến triển thành bệnh lao thực sự, người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của bệnh. Các triệu chứng phổ biến của bệnh lao bao gồm:
- Ho dai dẳng
- Ho khạc đờm
- Ho ra máu
- Tức ngực
- Mệt mỏi
- Ăn mất ngon
- Sụt cân
- Sốt âm ỉ
- Đổ mồ hôi đêm
Theo đó, khi có một trong các triệu chứng nêu trên, cần cho người bệnh chụp phim phổi, xét nghiệm soi vi trùng lao trong đàm hay cấy rửa dịch phế quản nếu khó lấy đàm nhằm chẩn đoán sớm tình trạng lao đồng nhiễm với HIV.
5. Điều trị bệnh lao ở người nhiễm HIV như thế nào?
Nhìn chung, phác đồ điều trị lao là tương tự nhau đối với người đồng nhiễm với HIV và người không nhiễm HIV. Thuốc trị lao được sử dụng nhằm mục tiêu ngăn ngừa bệnh lao tiềm ẩn tiến triển đến bệnh lao thực sự hoặc tiêu diệt vi trùng lao khi đã chuyển dạng hoạt động. Lúc này, việc lựa chọn thuốc điều trị lao và thời gian điều trị có thể có khác biệt, tùy thuộc vào bệnh cảnh một người mắc bệnh lao tiềm ẩn hay bệnh lao thực sự.
Xét riêng trên nhóm đối tượng đồng nhiễm lao trên cơ địa HIV, cả hai bệnh lý này nên được điều trị song song.
Tuy nhiên, cụ thể là khi nào bắt đầu điều trị và nên dùng loại thuốc nào lại tùy thuộc vào hoàn cảnh, thể trạng cơ thể của mỗi người. Việc uống một số loại thuốc điều trị HIV và lao cùng một lúc có thể làm tăng nguy cơ tương tác thuốc cũng như có thể gây khó khăn trong việc kiểm soát các tác dụng phụ của thuốc. Theo đó, các đối tượng đồng nhiễm HIV và lao cần được theo dõi cẩn thận bởi các bác sĩ chuyên khoa nhiễm phối hợp với các trung tâm kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.
Tóm lại, lao là bệnh lý cần tích cực tầm soát do thường đồng nhiễm với HIV. Khi có bằng chứng mắc bệnh lao thể hoạt động, người bệnh cần nhanh chóng lên kế hoạch điều trị kháng lao, song song với điều trị thuốc kháng virus. Chỉ khi được như vậy, tổn thương các hệ cơ quan do vi trùng lao mới được hạn chế ở mức thấp nhất. Từ đó, người nhiễm HIV mới hy vọng có được một cuộc sống khỏe mạnh gần như người bình thường.
Nguồn tham khảo: Aidsinfo.nih.gov; Euro.who.int
XEM THÊM: