Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc xin – Khoa Ngoại trú Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh lao cao nhất trên thế giới. Chính vì vậy, phòng ngừa bệnh lao bằng cách tiêm vắc-xin lao BCG chính là mục tiêu của mỗi gia đình và cả cộng đồng.
1. Đối tượng nên tiêm phòng vắc-xin lao BCG
Theo Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế Việt Nam về ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc thì vắc-xin BCG là vắc-xin bắt buộc phải tiêm cho trẻ sơ sinh. Ngoài độ tuổi sơ sinh, trẻ em và người lớn dưới 35 tuổi có nguy cơ mắc bệnh lao (TB) cũng có thể tiêm chủng trong một số trường hợp đặc biệt theo sự chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, các trường hợp từ 1 tuổi trở nên cần rất thận trọng và cân nhắc chỉ định vắc-xin BCG vì nguy cơ phản ứng phụ sau tiêm chủng thường tăng cao và không có bằng chứng cho thấy vắc-xin BCG hoạt động ở những người trên 35 tuổi.
- Trẻ sơ sinh nên tiêm vắc-xin BCG phòng lao: tất cả trẻ sơ sinh đều cần tiêm phòng vắc-xin BCG kể cả trẻ đẻ non. Theo Quyết định 2470/QĐ-BYT ban hành ngày 14/6/2019 về Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em quy định có thể tiêm vắc-xin BCG phòng lao cho trẻ đẻ non từ 34 tuần thai trở lên;
- Trẻ em ngoài tuổi sơ sinh đến 1 tuổi có thể chủng ngừa BCG nếu chưa bị nhiễm trực khuẩn lao. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, có thể làm xét nghiệm Mantoux hoặc kháng thể kháng lao để xác định tình trạng nhiễm bệnh và kháng thể kháng lao trước khi tiêm chủng vắc-xin BCG;
- Tất cả trẻ em trên 1 tuổi và người lớn có nguy cơ mắc bệnh lao cần phải cân nhắc giữa khả năng phòng bệnh và phản ứng phụ khi chỉ định tiêm vắc-xin BCG phòng lao bao gồm: trẻ có nguy cơ mắc bệnh lao không được tiêm phòng khi còn nhỏ, trẻ dưới 16 tuổi tiếp xúc với người bị lao phổi hay nhiễm trùng phổi, những người từ 16 đến 35 tuổi có nguy cơ phơi nhiễm lao nên tiêm chủng ngừa BCG bao gồm:
- Nhân viên phòng thí nghiệm tiếp xúc với mẫu máu, nước tiểu và mô;
- Nhân viên thú y và các công nhân làm việc với động vật khác, chẳng hạn như công nhân lò mổ, làm việc với động vật dễ mắc bệnh lao, chẳng hạn như gia súc hoặc khỉ;
- Nhân viên trại giam làm việc trực tiếp với tù nhân;
- Nhân viên nhà trọ cho người vô gia cư;
- Nhân viên làm việc trong các cơ sở cho người tị nạn và người xin tị nạn;
- Nhân viên y tế tăng nguy cơ phơi nhiễm với bệnh lao.
- Khách du lịch chưa bị nhiễm lao, sống trong môi trường không có nguy cơ nhiễm lao nên tiêm vắc-xin BCG khi đi du lịch: Vắc-xin BCG cũng được khuyến nghị cho những người dưới 16 tuổi sẽ sống chung với người dân địa phương trong hơn 3 tháng ở khu vực có tỷ lệ mắc lao cao hoặc nguy cơ mắc lao đa kháng thuốc cao.
2. Những lưu ý khi tiêm vắc-xin lao BCG
Vắc-xin BCG phòng lao - sản xuất từ chủng vi khuẩn sống Calmette - Guérin (Bacillus de Calmette - Guérin: BCG), được sử dụng phổ biến hiện nay ở nước ta là sản phẩm của Viện vắc-xin và sinh phẩm Y tế Nha Trang tại Việt Nam. Vắc-xin BCG phòng lao kích thích cơ thể đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào, khiến phản ứng tuberculin trong da chuyển đổi từ âm tính sang dương tính chỉ sau 1 liều tiêm ở trẻ sơ sinh. Trẻ không cần tiêm nhắc lại. Vắc-xin được chỉ định tiêm cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh và khuyến cáo hạn chế sử dụng cho trẻ quá 1 tuổi.
Nếu ngoài độ tuổi trên, tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ cho lời khuyên trước khi tiêm vắc-xin BCG, cần cân nhắc giữa phản ứng phụ sau tiêm với lợi ích của việc tiêm vắc-xin BCG cho tất cả các đối tượng này trước khi chỉ định tiêm chủng. Trước khi tiêm vắc-xin, cần kiểm tra tình trạng đã bị nhiễm hay mắc bệnh lao hoặc đã có kháng thể kháng lao hay chưa. Thử nghiệm, được gọi là xét nghiệm da tuberculin hoặc xét nghiệm Mantoux, sẽ được thực hiện trước khi tiêm vắc-xin BCG nếu có người:
- Trẻ em quá tuổi sơ sinh, người lớn có nhu cầu tiêm vắc-xin BCG;
- Là em bé hoặc trẻ em dưới 6 tuổi có tiền sử cư trú hoặc ở lại kéo dài (hơn 3 tháng) tại một quốc gia có tỷ lệ mắc lao cao;
- Đã tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh lao;
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh lao trong vòng 5 năm qua.
Xét nghiệm Mantoux đánh giá mức độ nhạy cảm của cơ thể với một chất gọi là dẫn xuất protein tinh khiết tuberculin (PPD) khi tiêm vào trong da. Sau khi tiêm 48-72 giờ, người ta sẽ đo đường kính của sẩn (vùng cứng) trên da cẳng tay chỗ tiêm tính bằng milimet, phản ứng càng lớn, càng có nhiều khả năng bị nhiễm hoặc mắc bệnh lao. Kết quả được xem là có nguy cơ khi kích thước sẩn là 5mm, 10mm, 15mm tùy từng đối tượng nguy cơ. Trong trường hợp này, không nên tiêm vắc-xin BCG, vì nó sẽ có thể gây ra tác dụng phụ nặng hơn hoặc không có khả năng phòng bệnh. Nếu bạn có kết quả Mantoux dương tính mạnh, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên sâu về bệnh lao để đánh giá thêm tình trạng nhiễm bệnh để điều trị. Nếu xét nghiệm Mantoux âm tính, bạn có thể tiêm vắc-xin BCG.
Ngoài ra, có thể xét nghiệm máu đánh giá kháng thể kháng lao IgG và IgM, nếu kháng thể dương tính cũng không tiêm vắc-xin BCG.
3. Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin lao BCG
- Đa số trẻ em đều có phản ứng tại vết tiêm, thông thường ngay sau khi tiêm vắc-xin BCG sẽ xuất hiện một nốt đỏ nhỏ tại chỗ tiêm và biến mất sau khoảng 30 phút đến 1 giờ;
- Trong 24 giờ sau tiêm vắc-xin lao BCG có thể có biểu hiện sưng, áp xe tại chỗ, có thể kèm theo sốt nhẹ, nổi hạch. Các triệu chứng này thường tự khỏi trong 1 - 3 ngày sau tiêm mà không cần phải điều trị gì;
- Sau 2 tuần đến 2 tháng, có trường hợp lâu hơn, tại vết tiêm xuất hiện đỏ da, hóa mủ trắng, mụn mủ tự vỡ tạo vết loét tại vùng tiêm, kéo dài khoảng 2 tuần. Sau đó, vết loét tự lành và để lại một vết sẹo nhỏ khoảng 3-5 mm. Quá trình này đồng nghĩa với việc cơ thể trẻ đã có miễn dịch với vi khuẩn lao;
- Tiêm không đúng kĩ thuật tiêm trong da hoặc cơ thể phản ứng quá mạnh với vắc-xin phòng lao có thể tạo nên những bọc mụn mủ và vết sẹo quá to tại vị trí tiêm hoặc có thể nổi hạch lao phản ứng tại nách, hạch dưới đòn, hạch cổ bên trái cùng bên với vị trí tiêm vắc-xin BCG. Thông thường tỉ lệ gặp phản ứng này là 1/100 trẻ;
- Các phản ứng nặng khi tiêm BCG thường rất ít gặp, chỉ có 1/1.000.000 người bị nhiễm lao sau khi tiêm BCG, hay xảy ra ở những trường hợp nhiễm HIV hoặc suy giảm miễn dịch mắc phải.
4. Đối tượng không nên tiêm phòng vắc-xin lao BCG
Vắc-xin BCG không được khuyến cáo cho:
- Những người đã được chủng ngừa BCG;
- Những người có tiền sử bệnh lao;
- Những người có xét nghiệm da tuberculin dương tính (Mantoux) hoặc kháng thể kháng lao dương tính;
- Những người đã có một phản ứng dị ứng nghiêm trọng trước đó như phản ứng phản vệ với bất kỳ chất nào được sử dụng trong vắc-xin;
- Trẻ em dưới 2 tuổi bị nghi ngờ hoặc xác nhận mắc bệnh lao hoặc có virus lao hoạt động;
- Những người có tình trạng nhiễm trùng da tại vị trí tiêm vắc-xin;
- Những người có hệ miễn dịch yếu, bệnh nhân bị AIDS, trẻ sơ sinh có biểu hiện giả định HIV nặng, trẻ đang điều trị bằng các phương pháp điều trị như hóa trị liệu hoặc thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, thuốc chứa steroid... hoặc những người sử dụng kháng thể Imunoglobin như IVIG, Pentaglobin dưới 3 tháng;
- Những người bị ung thư bạch cầu, tủy xương hoặc các hạch bạch huyết, chẳng hạn như bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch;
- Những người không có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe (nên tiêm vắc-xin khi hồi phục về sức khỏe);
- Phụ nữ mang thai.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin phòng lao được sản xuất và cấp phép tại Việt Nam, phù hợp theo độ tuổi cần tiêm chủng, đảm bảo an toàn từ khâu kiểm nhập, bảo quản đến khi sử dụng.
- Trẻ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin nhằm đảm bảo hiệu quả tốt và an toàn nhất cho trẻ.
- Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ giúp gia đình yên tâm trong quá trình tiêm chủng.
- 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
- Phòng theo dõi sau tiêm chủng được trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu; đội ngũ bác sĩ - điều dưỡng được đào tạo về xử trí cấp cứu phản vệ nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, hệ thống Bệnh viện Vinmec luôn luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng để xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp – ngừng tuần hoàn để đảm bảo cho trẻ được tiêm chủng an toàn nhất.
- Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu chơi, giúp trẻ có cảm giác thoải mái như đang dạo chơi và có tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
Để đặt lịch khám và tiêm chủng cho bé tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ TẠI ĐÂY.
Bài viết tham khảo nguồn: Nhs.uk
XEM THÊM: