Vì sao bé chỉ bú 1 bên?

Có nhiều cách khác nhau để bạn có thể cho con bú. Bạn có thể đổi bên và cho con bú ở cả hai bên vú mỗi lần. Thực tế, kiểu bú phụ thuộc vào sở thích của bạn và trẻ. Vậy vì sao trẻ chỉ bú một bên và tình trạng này có thực sự đáng lo ngại?

1. Những lý do tại sao chỉ cho con bú từ một bên?

Có một số tình huống khi bạn có thể muốn hoặc phải cho con bú chỉ từ một bên như:

  • Bạn có nguồn sữa mẹ dồi dào: Nếu ngực của bạn có khả năng tạo sữa rất nhanh và bạn có quá nhiều sữa cho con bú, việc cho con bú một bên trong mỗi lần cho con bú (hoặc thậm chí cùng một bên cho một vài cữ bú liên tiếp) có thể giúp làm chậm quá trình sản xuất sữa mẹ ở bên đối diện.
  • Trẻ bị đau bụng: Trong một số trường hợp (đặc biệt nếu bạn có nguồn sữa dồi dào), việc cho con bú cả hai bên vú có thể dẫn đến triệu chứng đau bụng. Nếu bạn nhận thấy con mình quấy khóc, khó tiêu, tăng cân nhanh và đi tiêu phân xanh thì việc cho trẻ bú một bên vú trong mỗi lần bú có thể giúp giảm bớt các triệu chứng này.
  • Sở thích của trẻ. Một số trẻ sẽ chỉ bú một bên vú và hoàn toàn không chịu bú bên kia. Nếu con bạn tỏ ra thích bú sữa mẹ ở một bên, bạn đừng lo lắng, hầu hết trẻ sơ sinh có thể bú đủ sữa mẹ chỉ từ một bên vú.
  • Trong một số trường hợp, trẻ sẽ không bú một bên vì vú có vấn đề. Nếu con bạn không chịu bú một bên, hãy nói chuyện với bác sĩ. Khi bác sĩ đã loại trừ các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và trẻ đang phát triển với tốc độ ổn định, thì bạn không phải lo lắng do đây chỉ là sở thích của trẻ.
  • Ngực của bạn bị đau: Nếu bạn bị đau núm vú, nhiễm trùng vú, phồng rộp ở núm vú hoặc có vấn đề về da (như chàm hoặc viêm da) ở một bên, thì việc cho con bú ở vú bị ảnh hưởng có thể gây đau. Nếu điều này xảy ra, chỉ cho con bú từ vú khỏe mạnh có thể giúp vú tổn thương có thời gian hồi phục.
  • Bạn chỉ có một bên vú đang hoạt động: Nếu bạn đã điều trị ung thư vú, phẫu thuật cắt bỏ vú hoặc chỉ phẫu thuật một bên vú thì bên vú đối diện vẫn có thể thực hiện cho con bú ở bên vú không bị ảnh hưởng, miễn là vú khỏe mạnh vẫn sản xuất sữa mẹ.

Bạn có thể tạo đủ sữa mẹ để cho con mình bú chỉ với một bên vú đang hoạt động, nhưng bạn vẫn nên theo dõi nguồn cung cấp sữa và cân nặng của bé. Nếu bạn không thể tạo ra nguồn sữa mẹ đầy đủ, bạn vẫn có thể cho con bú bằng phương pháp bổ sung sữa công thức.

Chỉ cho con bú từ một bên vú không gây ra vấn đề nghiêm trọng do hai vú hoạt động độc lập với nhau. Nếu bạn chọn chỉ sử dụng một bên vú, bên còn lại sẽ trở về trạng thái trước khi mang thai. Trong trường hợp đó, sẽ có sự khác biệt rõ rệt về kích thước vú giữa bên cho con bú và bên không cho con bú, tuy nhiên sự khác biệt này thường sẽ biến mất sau khi cai sữa. Tuy nhiên, nghiên cứu cho rằng sử dụng cả hai có thể là biện pháp tốt nhất, do một số người phụ nữ chỉ cho con bú từ một bên vú có tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú cao hơn so với phụ nữ cho con bú đều ở cả hai bên.

Nhưng một nhóm nghiên cứu lớn hơn trong mười năm qua đã chứng minh rằng những phụ nữ cho con bú sau hai tuổi đã giảm 30% khả năng mắc ung thư vú ở thời kỳ tiền mãn kinh. Ngoài ra, cho con bú cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.


Chỉ cho con bú từ một bên vú không gây ra vấn đề nghiêm trọng do hai vú hoạt động độc lập với nhau
Chỉ cho con bú từ một bên vú không gây ra vấn đề nghiêm trọng do hai vú hoạt động độc lập với nhau

2. Mẹo cho con bú chỉ bằng một bên

Chọn cho con bú từ một bên trong mỗi lần cho bú có những ưu điểm riêng do có thể hữu ích trong một số tình huống nhất định và một số thấy biện pháp này thuận tiện hơn. Tuy nhiên, có một số điều cần lưu ý nếu bạn đang cho con bú chỉ một bên vú.

Nếu bạn có thể cho con bú từ cả hai bên vú, hãy luân phiên các bên vú mà bạn cho con bú. Ví dụ, nếu cữ bú đầu tiên trong ngày của bạn là ở vú bên phải, thì cữ bú thứ hai nên bắt đầu ở bên trái. Điều này sẽ cho phép cả hai vú xây dựng và duy trì nguồn sữa ổn định và dồi dào ở cả hai bên.

Nếu bạn không chuyển sang vú đối diện và chỉ cho con bú ở một bên vú, cuối cùng bạn sẽ ngừng tạo sữa ở bên mà bạn không sử dụng.

2.1. Cho bé bú bao lâu tùy thích

Khi bạn chỉ cho con bú từ một bên trong mỗi cữ bú, hãy để trẻ bú bao lâu tùy thích ở bên vú đó. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo trẻ nhận được càng nhiều sữa mẹ càng tốt từ bên đó.

Các cữ bú dài hơn cho phép bé bú sữa sau nhiều kem hơn, béo hơn vào cuối cữ bú. Sữa sau (Sữa Hindmilk) giúp trẻ nhanh no và khiến trẻ no lâu hơn giữa các cữ bú.

Để trẻ bú lâu hơn cũng giúp làm trống vú hoàn toàn hơn và báo hiệu cho cơ thể bạn cần tạo ra nhiều sữa hơn.


Khi bạn chỉ cho con bú từ một bên trong mỗi cữ bú, hãy để trẻ bú bao lâu tùy thích ở bên vú đó
Khi bạn chỉ cho con bú từ một bên trong mỗi cữ bú, hãy để trẻ bú bao lâu tùy thích ở bên vú đó

2.2. Cương tức tuyến vú (Breast engorgement)

Một trong những bất lợi của việc chỉ cho con bú từ một bên trong mỗi lần cho con bú là vú ở bên không bú có thể bị căng quá mức và đau đớn. Bạn có nhiều khả năng gặp phải tình trạng căng sữa này trong vài tuần đầu tiên khi nguồn sữa của bạn đang điều chỉnh theo nhu cầu của trẻ.

Các vấn đề phổ biến khác cho con bú như tắc ống dẫn sữaviêm vú cũng có thể xảy ra khi vú căng quá mức.

Nếu bạn bị căng sữa ở một bên trong khi bên kia cho con bú, bạn có thể giảm bớt áp lực và cảm giác khó chịu bằng cách sử dụng máy hút sữa hoặc kỹ thuật vắt bằng tay để hút bớt một ít sữa mẹ từ bên vú căng cho đến khi cho con bú từ bên đó.

Tình trạng cương tức tuyến vú sẽ được cải thiện theo thời gian. Khi bạn tiếp tục chỉ cho trẻ bú từ một bên trong mỗi lần bú, cơ thể bạn sẽ quen dần.

2.3. Đối phó với bộ ngực không đều

Nếu bạn chỉ cho con bú từ một bên trong mỗi lần cho con bú, thì có thể ngực của bạn có kích thước không đều nhau. Vú mà bạn cho con bú lần trước sẽ nhỏ hơn và vú còn lại sẽ lớn hơn do chứa đầy sữa mẹ cho lần bú tiếp theo.

Ngực không đều thường không gây ra vấn đề gì cho bản thân người mẹ. Sự không đồng đều thậm chí có thể hữu ích vì nó giúp bạn dễ dàng nhớ vú nào sẽ sử dụng cho lần cho con bú tiếp theo.

Tuy nhiên, nếu vẻ bề ngoài của việc ngực lệch gây khó chịu, bạn có thể cho con bú cả hai bên vú trong mỗi cữ bú để cố gắng giữ cho bầu ngực của bạn cân đối hơn.

2.3. Tiếp tục hút/vắt sữa

Nếu bạn chỉ cho con bú từ một bên vú vì vú còn lại cần có thời gian hồi phục do vấn đề bệnh lý hoặc nghỉ ngơi, bạn nên tiếp tục hút bằng máy hoặc vắt sữa bằng tay từ bên vú bị ảnh hưởng để tiếp tục tạo ra sữa mẹ. Nguồn cung cấp sữa mẹ sẽ giảm trong vú đó nếu nó không được kích thích thường xuyên.

Bạn chọn cách cho con bú sữa mẹ như thế nào là tùy thuộc vào bạn, mặc dù một số người sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn những người khác. Miễn là con bạn bú đủ sữa mẹ và tăng trưởng với tốc độ ổn định, thì không có cách nào đúng hay sai khi cho con bú.

Trong vài tuần đầu tiên cho con bú (khi bạn đang tạo nguồn sữa), hãy cho trẻ bú cả hai vú trong mỗi lần bú nếu bạn có thể. Sau khi bạn đã thiết lập được nguồn cung cấp sữa dồi dào và ổn định (trong khoảng bốn đến sáu tuần sau sinh), bạn có thể làm bất cứ điều gì mà bạn cảm thấy thoải mái và thuận tiện nhất cho bạn và trẻ.


Nếu bạn chỉ cho con bú từ một bên vú, bạn nên tiếp tục hút bằng máy bằng vắt sữa bằng tay từ bên vú bị ảnh hưởng
Nếu bạn chỉ cho con bú từ một bên vú, bạn nên tiếp tục hút bằng máy bằng vắt sữa bằng tay từ bên vú bị ảnh hưởng

3. Khi nào nên đi khám?

Bạn có thể chỉ cho con bú một bên cho mỗi lần bú vì con bạn chỉ đơn giản là không chịu bú bên còn lại. Bạn vẫn có thể tạo ra nguồn cung cấp sữa mẹ đầy đủ và lành mạnh chỉ với một bên vú, đồng thời có thể tiếp tục sử dụng cùng một bên vú cho mỗi lần cho con bú. Tuy nhiên, một số tình trạng sức khỏe nhất định có thể làm thay đổi hương vị của sữa mẹ. Nếu con bạn không bú từ một bên vú, thì đó thực sự có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe (chẳng hạn như nhiễm trùng vú hoặc thậm chí có khả năng ung thư ở vú đó).

Tốt nhất là bạn nên xin ý kiến của bác sĩ nếu con bạn không bú một bên vú. Mặc dù lý do có thể không đáng ngại, nhưng kiểm tra vú là cách duy nhất để biết chắc chắn điều gì dẫn đến việc trẻ chỉ bú một bên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, verywellfamily.com, medela.us

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe