Nếu bạn được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm sau sinh, việc tìm ra phương pháp điều trị làm giảm bớt các triệu chứng của trầm cảm đóng vai rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn và em bé.
1. Hội chứng baby blues là gì?
Rất khó có thể phân biệt sự khác biệt giữa hội chứng baby blues và trầm cảm sau sinh). Theo những số liệu thống kê gần đây cho thấy, có tới 80% bà mẹ đã trải hội chứng baby blues.
Hội chứng baby blues thường bắt đầu một vài ngày sau khi sinh và tự khỏi sau một hoặc hai tuần. Các triệu chứng của hội chứng này bao gồm:
- Dễ khóc
- Tâm trạng lâng lâng
- Không hạnh phúc
- Cáu gắt
- Cảm thấy choáng ngợp
- Khó tập trung
- Khó ngủ
- Lo lắng
- Tự nghi ngờ bản thân
- Mệt mỏi
Tuy nhiên, bạn có thể bị trầm cảm sau sinh (trầm cảm sau sinh) nếu các triệu chứng trên:
- Kéo dài hơn hai tuần
- Triệu chứng nặng đến mức ngăn bạn không thể thực hiện các công việc hàng ngày của bạn như chăm sóc bản thân và em bé.
2. Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là một tình trạng sức khỏe tâm thần xảy ra ở các bà mẹ diễn ra rất phổ biến và có thể điều trị. Ước tính cứ 7 bà mẹ mới thì có 1 người mắc trầm cảm sau sinh, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng con số này thậm chí còn cao hơn bởi vì rất nhiều phụ nữ không tìm cách điều trị hoặc không quan tâm đến hội chứng baby blues khi lần đầu tiên làm mẹ.
Điểm khác biệt giữa trầm cảm sau sinh và trầm cảm khác là thời gian: Trầm cảm sau sinh xảy ra trong năm đầu tiên sau khi sinh con. Và trầm cảm sau sinh có thể xuất hiện do những thay đổi nội tiết tố xảy ra sau khi sinh con.
Trầm cảm sau sinh có thể bắt đầu trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng sau khi mang thai hoặc ngay cả khi trong thời kỳ mang thai. Bạn có thể bị trầm cảm sau sinh nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Nỗi buồn tột cùng, sự trống rỗng hay vô vọng
- Thường xuyên khóc
- Mất hứng thú hoặc thiếu hứng thú với các hoạt động và sở thích trước kia
- Khó ngủ vào ban đêm hoặc khó giữ được tỉnh táo vào ban ngày
- Chán ăn hoặc ăn quá nhiều, hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân hoặc tăng cân bất thường
- Cảm giác áp đảo về sự vô dụng hoặc mặc cảm tội lỗi
- Bồn chồn hay uể oải
- Khó tập trung hoặc khó đưa ra quyết định
- Cảm thấy cuộc sống không đáng sống
- Tâm trạng thất thường
- Khó xây dựng mối liên kết với em bé như ghét con, không yêu con
- Lo lắng cực độ
- Có suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé.
Các dấu hiệu khác có thể của bị trầm cảm sau sinh bao gồm:
- Hay cáu kỉnh hoặc tức giận
- Tránh xa bạn bè và gia đình
- Lo lắng quá mức về em bé
- Lo lắng rằng bản thân không phải là người mẹ tốt
- Không quan tâm đến em bé hoặc không thể chăm sóc cho bé
- Cảm thấy kiệt sức đến nỗi bạn không thể ra khỏi giường trong hàng giờ liền
Trong những trường hợp hiếm hơn, một số phụ nữ xuất hiện ảo thị hoặc ảo giác, và thậm chí có thể gây hại cho em bé của họ. Đây được gọi là hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh (Postpartum Psychosis). Nếu nghi ngờ bạn có các triệu chứng trên, hãy đến cơ sở Y tế tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức.
3. Trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu?
Thời gian kéo dài của bệnh thay đổi theo từng người bệnh do phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm khi các triệu chứng bắt đầu, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, trước đây bạn đã từng bị trầm cảm hay không và chẩn đoán và điều trị có được thực hiện sớm hay không.
Một số phụ nữ đáp ứng nhanh chóng với điều trị, phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được điều trị có thể bị trầm cảm mãn tính lâu hơn.
Cách tốt nhất để đảm bảo phục hồi nhanh nhất là được bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần và thực hiện kế hoạch điều trị càng sớm càng tốt.
4. Nguyên nhân gây ra trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh là kết quả của sự kết hợp của các yếu tố nội tiết tố, môi trường, cảm xúc và di truyền.
Khi bạn mang thai, nồng độ estrogen và progesterone tăng vọt. Trong vòng một ngày sau khi sinh, mức độ hormone này giảm xuống mức trước khi mang thai. Đây là yếu tố đóng vai trò trong cơ chế gây trầm cảm sau sinh.
Đối với một số phụ nữ, việc giảm hormone tuyến giáp xảy ra sau khi sinh có thể gây viêm tuyến giáp sau sinh và gây ra các triệu chứng tương tự như trầm cảm. Tình trạng này thường xuất hiện từ 4 đến 12 tháng sau khi sinh. Nếu bà mẹ đi khám, bác sĩ có thể làm xét nghiệm máu để biết liệu tuyến giáp của bạn có gây ra các triệu chứng của bạn hay không và kê toa thuốc tuyến giáp nếu cần thiết.
Các yếu tố khác góp phần vào sự phát triển của trầm cảm sau sinh bao gồm kiệt sức về thể chất sau khi sinh, thiếu ngủ, cảm xúc vui buồn lẫn lộn khi trở thành mẹ và thiếu ngủ.
Mọi bà mẹ mới đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, nhưng một số phụ nữ có nguy cơ cao hơn. Các yếu tố dự báo mạnh nhất của trầm cảm sau sinh là:
- Tiền sử đã mắc trầm cảm trước đây
- Trầm cảm hoặc lo lắng khi mang thai
- Xảy ra biến cố trong khi mang thai hoặc ngay sau khi sinh
- Chấn thương khi sinh
- Sinh non
- Em bé sau sinh cần chăm sóc đặc biệt
- Gặp vấn đề cho con bú
- Chấn thương thời thơ ấu chưa được giải quyết
Các yếu tố rủi ro khác bao gồm:
- Mang thai ngoài ý muốn hoặc không mong muốn
- Em bé sinh ra bị dị tật bẩm sinh hoặc các vấn đề y tế khác
- Đa thai
- Tiền sử gia đình có vấn đề về tâm thần
- Độc thân
- Tình trạng kinh tế xã hội thấp hoặc bất ổn tài chính
- Bạo lực gia đình
- Thất nghiệp
- Biến chứng thai kỳ
- Bệnh tiểu đường thai kỳ.
5. Điều trị trầm cảm sau sinh là gì?
Các phương pháp điều trị phổ biến nhất là liệu pháp tư vấn, thuốc chống trầm cảm hoặc cả hai, tùy thuộc vào triệu chứng của bạn.
- Trị liệu tư vấn: Còn được gọi là tư vấn hoặc trị liệu tâm lý, liệu pháp nói chuyện có thể là mặt đối mặt nhà trị liệu hoặc nói chuyện với nhóm phụ nữ cũng mắc trầm cảm sau sinh.
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc kê đơn có thể giúp cân bằng các hóa chất trong não điều chỉnh tâm trạng của bạn. Các loại thuốc chống trầm cảm khác nhau hoạt động theo những cách khác nhau. Thuốc chống trầm cảm có thể gây ra tác dụng phụ, nhưng hầu hết sẽ mất sau một thời gian ngắn. Nếu bạn gặp các tác dụng phụ ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của bạn hoặc các triệu chứng trầm cảm của bạn trở nên tồi tệ hơn, hãy cho bác sĩ trực tiếp điều trị cho bạn biết ngay lập tức.
- Kích thích từ xuyên sọ (TMS): Nghiên cứu đã chỉ ra rằng kỹ thuật kích thích não không xâm lấn có thể có hiệu quả đối với khoảng một nửa số người mắc trầm cảm sau sinh không đáp ứng hiệu quả với thuốc. Từ trường (tương tự như từ trường được sử dụng trong MRI) được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các khu vực của não có liên quan đến trầm cảm. Tuy nhiên, liệu pháp này không thích hợp cho những người có nguy cơ cao bị co giật.
- Liệu pháp chống co giật (ECT): Một số phụ nữ bị trầm cảm sau sinh rất nặng không đáp ứng với liệu pháp tư vấn hoặc thuốc. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp chống sốc điện. Với ECT, dòng điện nhỏ được truyền qua não trong khi bệnh nhân được gây mê toàn thân. Các chuyên gia tin rằng kích thích điện này gây ra những thay đổi hóa học trong não làm giảm các triệu chứng trầm cảm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com
XEM THÊM