Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Khắc Hiệu - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Sinh con là một trải nghiệm đầy cảm xúc, mệt mỏi và lượng hormone sẽ có sự thay đổi đáng kể trong vài ngày đầu sau sinh. Lúc đó, sản phụ có thể xuất hiện hội chứng baby blues nhưng nó thường chỉ kéo dài một vài ngày.
1. Hội chứng baby blues là gì?
Khoảng 80% các bà mẹ sau sinh có hội chứng baby blues, đây là hội chứng để ám chỉ đến một khoảng thời gian ngắn sau khi sinh, những bà mẹ xuất hiện cảm giác buồn bã, mệt mỏi, căng thẳng và thay đổi tâm trạng. Nghiên cứu cho thấy có 4 trong số 5 bà mẹ xuất hiện các triệu chứng này, vì vậy rất có thể bạn cũng sẽ có các triệu chứng như vậy.
Hội chứng baby blues thường xuất hiện trong vài ngày sau khi sinh, nhưng nếu bạn gặp khó khăn trong quá trình sinh nở, bạn có thể xuất hiện các triệu chứng của hội chứng này sớm hơn.
Mặc dù các nhà nghiên cứu chưa biết được chính xác nguyên nhân gây ra hội chứng này nhưng họ cho rằng đó là do những thay đổi về thể chất và cảm xúc xảy ra sau sinh. Sau khi sinh, cơ thể sản phụ trải qua những thay đổi nội tiết tố nhằm giúp bạn phục hồi và chăm sóc em bé: thu nhỏ tử cung trở lại kích thước bình thường, thúc đẩy quá trình tiết sữa và nhiều quá trình thay đổi khác. Những thay đổi nội tiết tố này cũng có thể ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của bà mẹ sau khi sinh.
Ngoài ra, thời kỳ hậu sản là một giai đoạn mà các bà mẹ thường xuyên mất ngủ do có những thay đổi lớn trong thói quen và lối sống khi phải chăm sóc em bé mới sinh, và phải chịu sự đau đớn khi vú căng đau khi sữa về. Tất cả những yếu tố này kết hợp với nhau để gây ra hội chứng baby blues.
2. Các triệu chứng của hội chứng baby blues là gì?
Các triệu chứng có thể bắt đầu 2 đến 3 ngày sau khi sinh. Hầu hết các trường hợp, hội chứng baby blues sẽ tự biến mất ngay sau khi sinh hoặc thường trong vòng 10 ngày nhưng đôi khi lên đến 14 ngày sau khi sinh. Các triệu chứng phổ biến của hội chứng baby blues bao gồm:
- Cảm thấy buồn chán sau sinh, muốn khóc hoặc khóc mà không biết nguyên nhân gây ra
- Có tâm trạng thất thường hoặc đặc biệt là hay cáu kỉnh
- Cảm thấy không có mối gắn kết với con
- Mất đi những thói quen trước kia như tự do đi chơi với bạn bè
- Lo lắng hoặc cảm thấy lo lắng về sức khỏe và sự an toàn của em bé
- Cảm thấy bồn chồn hoặc mất ngủ, mệt mỏi sau sinh
- Gặp khó khăn khi đưa ra quyết định dễ dàng hoặc suy nghĩ không rõ ràng
3. Hội chứng baby blues khác với trầm cảm sau sinh như thế nào?
Có hai chỉ số chính cho thấy sự khác biệt giữa trầm cảm sau sinh và hội chứng baby blues là thời gian xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
- Mốc thời gian
Nếu bạn vẫn cảm thấy buồn, lo lắng hoặc căng thẳng sau 2 tuần sau sinh, thì đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm sau sinh. (hội chứng baby blues thường không kéo dài hơn 2 tuần.)
Hội chứng baby blues cũng xuất hiện khá nhanh sau khi sinh, vì vậy nếu bạn đột nhiên bắt đầu gặp phải các triệu chứng trầm cảm vài tuần hoặc vài tháng sau khi sinh, thì đó không phải là hội chứng baby blues. Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm đầu tiên sau khi sinh con.
- Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
Mức độ nghiêm trọng thường là ý kiến chủ quan và thay đổi theo từng người. Thông thường, hội chứng baby blues sẽ khiến bạn cảm thấy hụt hẫng, nhưng chúng không nên ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Mặt khác, trầm cảm sau sinh không phải một thứ gì đó đến và đi dễ dàng; các triệu chứng kéo dài dai dẳng hơn và không tự biến mất.
4. Điều trị hội chứng baby blues
Bạn không cần phải làm bất cứ điều gì để điều trị hội chứng baby blues, hầu hết các trường hợp thấy rằng khi bà mẹ điều chỉnh chính bản thân vai trò mới và ổn định thói quen với em bé, họ bắt đầu cảm thấy đã trở lại với chính mình.
Tuy nhiên, nếu các triệu chứng nặng, kéo dài quá 2 tuần thì cần được đi khám để loại trừ trầm cảm sau sinh, ảnh hưởng đến cả gia đình.
Điều đó nói rằng, giai đoạn sau sinh là khó khăn và điều quan trọng là bạn cần chăm sóc bản thân tốt nhất có thể. Tìm kiếm những điều khiến bạn cảm thấy tốt hơn trong thời gian chuyển đổi này có thể giúp bạn quay lại với bình thường, (hoặc ít nhất, tìm thấy sự bình thường mới của bạn) nhanh hơn một chút.
- Ngủ càng nhiều càng tốt: Trên thực tế, mặc dù giấc ngủ là một điều gì đó rất “xa xỉ” trong giai đoạn chăm sóc trẻ sơ sinh, nhưng bạn hãy ngủ khi bé ngủ và tạm thời để đồ giặt xử lý sau. Bạn cần lưu ý là mọi thứ sẽ tồi tệ hơn khi bạn kiệt sức. Đôi khi, ngủ là phương thuốc tốt nhất.
- Yêu cầu giúp đỡ: Bạn đừng ngại nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè hoặc người thân từ nấu ăn, chạy việc vặt, thay tã và đừng cố gắng tự làm tất cả.
- Ăn uống đầy đủ và đi ra ngoài chơi: Cho phép bản thân thưởng thức những món ăn ưa thích và hít không khí trong lành là phương thuốc rất hữu hiệu để làm giảm căng thẳng hay buồn chán.
- Nói chuyện với ai đó: Mặc dù bạn không cần nhất thiết phải nói chuyện với một nhà trị liệu, nhưng nếu bạn có quen biết ai đó là nhà tư vấn tâm lý hoặc trị liệu, hãy gọi cho họ. Nếu không có, bạn hãy trò chuyện với một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè, người mà bạn cảm thấy thân thiết và người đó sẽ lắng nghe những chia sẻ được nỗi niềm của bạn.
- Làm điều gì đó bạn yêu thích: Bất cứ điều gì trước khi sinh em bé mà khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và thoải mái thì bạn nên thực hiện lại những thói quen hay sở thích đó, biện pháp này sẽ giúp bạn dễ dàng quay trở lại cuộc sống sau sinh của mình.
Sau 9 tháng 10 ngày mang nặng, thai phụ bước vào cuộc đẻ và phải đối mặt với mức độ đau đẻ được so sánh với gãy 20 cái xương sườn cùng lúc. Để cuộc đẻ diễn ra suôn sẻ, an toàn, thai phụ cần hiểu rõ:
- Quy trình cuộc chuyển dạ diễn ra như thế nào, thường kéo dài trong bao lâu để có hướng sinh thường hay sinh mổ, bảo vệ sức khỏe cho thai nhi.
- Các phương pháp giảm đau trong khi sinh, hạn chế đau đớn và giải tỏa áp lực tâm lý khi chuyển dạ.
- Cách rặn và thở khi sinh thường đúng cách để cuộc chuyển dạ diễn ra nhanh chóng, thai phụ không mất sức khi sinh.
- Cách kiểm soát các cơn co tử cung sau sinh trong thời gian ngắn nhất.
- Cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn không gây nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm.
- Tái khám sau sinh sớm để phát hiện những bất thường nguy hiểm như sót nhau, sót gạc.
- Chăm sóc trẻ sơ sinh đến khi đầy tháng khỏe mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.