Các tế bào bạch cầu có vai trò chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm và các mầm bệnh khác khi xâm nhập vào cơ thể. Khi một người được tiến hành hóa trị ung thư, tác dụng phụ giảm bạch cầu là tình trạng khá thường gặp. Điều này sẽ khiến cơ thể khó chống lại mầm bệnh hơn và người bệnh sẽ có nhiều khả năng bị nhiễm khuẩn, gây cản trở đến phác đồ trị liệu ung thư.
1. Giảm bạch cầu ở bệnh nhân đang hóa trị chữa ung thư là gì?
Bạch cầu là một trong các loại tế bào máu, có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Bạch cầu có nhiều loại khác nhau, tham gia vào từng giai đoạn khác nhau trong toàn bộ quá trình miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể. Theo đó, khi cơ thể có sự tấn công của các vi khuẩn, virus, nấm và các mầm bệnh khác từ môi trường xâm nhập vào, các bạch cầu sẽ nhanh chóng tập trung tại ổ nhiễm và tạo ra hàng rào phòng thủ, tiêu diệt tác nhân gây bệnh và tránh để lây lan. Lúc này, xét nghiệm cơ bản để kiểm tra số lượng và các thành phần dòng bạch cầu là bằng xét nghiệm công thức máu toàn bộ.
Đối với bệnh nhân đang hóa trị chữa ung thư, giảm bạch cầu là một tác dụng phụ thường gặp. Đôi khi, đây còn là mối cản trở trong liệu trình điều trị cho người bệnh, khiến lợi ích của trị liệu và nguy cơ có thể mắc phải cần được cân nhắc kỹ lưỡng, vì có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân của mối liên quan giữa hóa trị ung thư và giảm số lượng tế bào bạch cầu bao gồm:
- Tác dụng của thuốc: Các loại thuốc hóa trị được truyền vào cơ thể nhằm tiêu diệt những tế bào ung thư. Tuy nhiên, nếu sự chọn lọc các tế bào bất thường không đặc hiệu, bạch cầu cũng có thể trở thành đối tượng bị tiêu diệt. Chính vì thế, không chỉ bị giảm bạch cầu, người bệnh cũng có thể bị giảm số lượng của các tế bào máu khác như hồng cầu và tiểu cầu.
- Tổn thương tủy xương: Do hóa trị là một liệu pháp điều trị ung thư toàn thân, đem lại các tác dụng hệ thống, có thể gây ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể nên tủy xương cũng có tránh khỏi. Mô xương xốp trong tủy xương là nơi sản sinh ra các tế bào máu nói chung, tế bào bạch cầu nói riêng. Chính vì vậy, khi tủy xương bị tổn thương, số lượng bạch cầu cũng bị giảm sút.
- Can thiệp trích bỏ máu và hủy tủy xương. Đối với những người mắc chứng ung thư máu và tủy xương, chẳng hạn như các bệnh lý bạch cầu, gây phát triển không kiểm soát trong tủy xương, tạo ra số lượng bạch cầu ồ ạt và chèn ép các dòng tế bào máu khác, trước khi can thiệp hóa trị và nhằm tăng tính hiệu quả của thuốc, người bệnh có thể được xem xét can thiệp trích bỏ máu và hủy tủy xương. Trong lúc này, biến chứng giảm bạch cầu là hoàn toàn khó tránh khỏi.
- Di căn ung thư: Khi các tế bào ung thư vỡ ra từ một khối u tại bất kỳ cơ quan nào, hòa vào trong dòng máu hay dòng bạch huyết sẽ có thể lan sang các bộ phận khác trên cơ thể, bao gồm cả tủy xương. Tại đây, các tế bào ung thư có thể thay thế các tế bào tạo máu trong tủy xương, khiến cho tủy xương khó tiếp tục sản xuất các tế bào máu mà cơ thể cần. Đây là một nguyên nhân gây ra bất thường của số lượng tế bào máu giảm sút nói chung, dòng bạch cầu nói riêng.
2. Nguy cơ mắc phải khi giảm số lượng bạch cầu ở bệnh nhân đang hóa trị chữa ung thư là gì?
Khi một người có số lượng bạch cầu thấp sẽ bị tăng nguy cơ nhiễm trùng. Hơn nữa, trên các đối tượng đang hóa trị ung thư, mức độ rủi ro này sẽ tăng lên một cách đáng kể, phụ thuộc vào một số yếu tố như sau:
- Số lượng bạch cầu bị giảm xuống còn bao nhiêu
- Tình trạng giảm bạch cầu đã xảy ra trong bao lâu
- Công thức bạch cầu hiện đang có
- Chỉ định cần phải điều trị các loại thuốc kết hợp khác như steroid hoặc thuốc ức chế miễn dịch
Trong đó, một thước đo mức độ nguy cơ đã được đặt ra là sẽ dựa trên số lượng bạch cầu trung tính tuyệt đối (ANC). ANC được tính bằng công thức nhân tổng số lượng bạch cầu với phần trăm bạch cầu trung tính:
- ANC = Tổng số lượng bạch cầu x% bạch cầu trung tính
- Lúc này, nguy cơ nhiễm trùng sẽ được ước đoán dựa trên số lượng bạch cầu trung tính tuyệt đối (ANC) như sau:
- ANC lớn hơn 1500: Không tăng nguy cơ nhiễm trùng
- ANC từ 1000-1500: Tăng nhẹ nguy cơ nhiễm trùng
- ANC từ 500-1000: Tăng nguy cơ nhiễm trùng trung bình
- ANC từ 100-500: Nguy cơ nhiễm trùng cao
- ANC dưới 100: Nguy cơ nhiễm trùng rất cao
3. Cần phải làm gì khi bị giảm bạch cầu trong khi đang hóa trị ung thư?
Nếu có số lượng bạch cầu thấp và tăng nguy cơ nhiễm trùng theo công thức tính toán ANC nêu trên, người bệnh cần chủ động tuân thủ theo các bước sau để tránh nhiễm trùng:
- Rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy và xà phòng.
- Tránh đến nơi tụ tập đám đông người, nhất là trong mùa lạnh và cúm. Vi trùng hay siêu vi đường hô hấp rất có thể lây lan dễ dàng thông qua đường ho và hắt hơi. Khi cần ra ngoài thì nên đeo khẩu trang, kính bảo vệ mắt.
- Chú ý sự nhiễm trùng đường tiêu hóa do tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm bẩn. Nếu có một hệ thống miễn dịch yếu, nhất là khi đang bị giảm bạch cầu do hóa trị ung thư, người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa rất cao do vi khuẩn Listeria, E. coli và Salmonella, cũng như độc tố Shiga. Tất cả những vi khuẩn này đều hiện diện trong những loại thức ăn ô nhiễm, không được nấu chín. Vì vậy, người bệnh cần thận trọng từ trong quá trình làm sạch, chuẩn bị và lưu trữ thực phẩm kết hợp với tiêu thụ một chế độ ăn uống lành mạnh, vừa đảm bảo an toàn mà vừa có thể giúp bạn cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để chống lại nhiễm trùng.
- Tránh đi bơi lội trong sông hồ, ao suối tự nhiên. Cryptosporidium là một loại ký sinh trùng siêu nhỏ và là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh truyền nhiễm qua đường nước. Nếu người bệnh bị suy giảm miễn dịch do giảm số lượng bạch cầu, người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao từ Cryptosporidium và bệnh cũng có thể diễn tiến với mức độ nặng hơn so với người bình thường.
- Ngăn ngừa côn trùng đốt: Các loại côn trùng từ tự nhiên hay cả các loại trong nhà như muỗi vẫn có thể mang nhiều mầm bệnh. Những bệnh lý truyền nhiễm mắc phải này có thể vô cùng đơn giản đối với người bình thường như lại có thể rất nghiêm trọng đối với người bị suy giảm miễn dịch. Vì vậy, người bệnh cần tránh đi ra ngoài nhà trước lúc bình minh hay sau hoàng hôn; khi cần đi thì phải đội mũ, mặc áo dài tay và quần dài; cửa sổ, cửa ra vào cần có rèm che hay song lưới mắt nhỏ và đảm bảo không có lỗ hổng.
- Hạn chế sử dụng các vật sắc nhọn như dao kéo nhằm ngăn chặn vết cắt và vết trầy xước. Đeo găng tay khi làm vườn, cẩn thận khi cắt móng tay, móng chân để tránh gây ra vết thương trên da. Tuyệt đối không được tự ý bóc vảy trên da hoặc nặn mụn nhọt, có thể dẫn đến nhiễm trùng rất nặng mà khó kiểm soát được.
- Không thực hiện các thủ thuật nha khoa, can thiệp thẩm mỹ hay các xâm lấn có thể gây chảy máu nhưng không cần thiết trong khi số lượng bạch cầu chưa được đảm bảo.
Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm khuẩn như sốt, ho đờm, tiêu lỏng, vết thương trên da chảy mủ..., người bệnh cần nhập viện ngay để được cách ly và nhanh chóng sử dụng kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng, kết hợp với các biện pháp làm tăng số lượng bạch cầu khác như truyền bạch cầu, thuốc kích thích tủy tạo bạch cầu.
Tóm lại, giảm bạch cầu là một trong các hạn chế phổ biến trong quá trình hóa trị ung thư. Tuy nhiên, nếu người bệnh có sự hiểu biết và nghiêm túc tuân thủ các biện pháp đề phòng nhiễm trùng từ đầu, tình trạng này vẫn có thể được điều chỉnh tốt, giúp người bệnh vượt qua giai đoạn hóa trị một cách an toàn và hiệu quả cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: chemocare.com