Vi khuẩn HP là yếu tố chính gây viêm loét dạ dày tá tràng và tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp nhiễm vi khuẩn đều dẫn đến ung thư dạ dày; chỉ một số chủng vi khuẩn HP có mức độ độc tính cao mới thường gây ra căn bệnh này. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về vấn đề này, cùng tìm hiểu nhé.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Vi khuẩn HP là gì?
Helicobacter Pylori hay còn gọi là vi khuẩn HP là một loại xoắn khuẩn gram âm có khả năng sản sinh men urease.
Dưới lớp chất nhầy của dạ dày, vi khuẩn HP cư trú và gây bệnh cho niêm mạc dạ dày. Tại đây, vi khuẩn sản sinh ra men trung hòa acid dịch vị nhằm sinh tồn và phát triển. Ngoài ra, vi khuẩn HP có thể tiết ra các độc tố và men dẫn đến tổn thương cho niêm mạc dạ dày và tá tràng. Kết quả là gây ra viêm loét dạ dày tá tràng cả cấp tính lẫn mãn tính, đồng thời làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
2. Vi khuẩn HP lây lan như thế nào?
Chất thải đường tiêu hóa, nước bọt và khoang miệng của người nhiễm vi khuẩn HP đều chứa loại vi khuẩn này, vì vậy vi khuẩn sẽ lây lan qua ba con đường sau:
- Đường miệng - miệng: Vi khuẩn HP chủ yếu lây lan qua đường miệng do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc dịch tiết từ hệ tiêu hóa của người mang vi khuẩn. Nếu trong gia đình có thành viên nhiễm HP, khả năng lây nhiễm cho những người khác là rất cao. Đặc biệt, nhiều bậc phụ huynh thường có thói quen nhai mớm thức ăn cho con, điều này cũng dẫn đến việc trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP.
- Đường phân - miệng: Thói quen ăn uống không hợp vệ sinh có thể khiến mọi người nhiễm vi khuẩn HP do vi khuẩn này được thải qua phân. Bên cạnh đó, côn trùng trung gian như ruồi, muỗi…cũng có thể truyền vi khuẩn bằng cách đậu vào nơi có vi khuẩn rồi bay đến thức ăn của chúng ta.
- Khác: Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm cũng có thể xảy ra nếu sử dụng chung các thiết bị y tế, chẳng hạn như dụng cụ nha khoa, nội soi dạ dày hay soi tai mũi họng…mà không được làm sạch đúng cách.
3. Vi khuẩn HP khi nào gây ung thư dạ dày?
Khoảng 80-90% người Việt Nam được thống kê là mang vi khuẩn HP, tuy nhiên không phải tất cả những người có vi khuẩn này đều bị bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa.
Một số nghiên cứu thực tế đã chỉ ra rằng, trong một số trường hợp, vi khuẩn HP không hẳn gây hại. Khi đó, HP hoạt động như một vi khuẩn cộng sinh trong hệ tiêu hóa mang lại một số lợi ích cho cơ thể. Chẳng hạn, những người bị nhiễm HP thường ít bị các nhiễm trùng đường ruột hơn so với những người không nhiễm do HP có khả năng tiết ra các chất ức chế sự phát triển của các vi khuẩn khác.
Một trong những nguyên nhân gây ung thư dạ dày là vi khuẩn HP. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1% người nhiễm vi khuẩn này sẽ phát triển thành ung thư, tức là không phải ai bị nhiễm HP cũng mắc ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP tồn tại với hơn 200 loại khác nhau. Trong đó, nếu nhiễm phải loại vi khuẩn mang gen CagA có độc lực mạnh, điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư. Tuy nhiên, chỉ có một phần nhỏ các loại vi khuẩn HP sở hữu gen này.
Vì vậy, người bệnh mắc vi khuẩn HP nên thực hiện xét nghiệm để kiểm tra xem liệu vi khuẩn này có mang gen CagA thuộc nhóm có độc lực hay không. Nếu kết quả dương tính, nguy cơ ung thư dạ dày có thể gia tăng. Vì vậy, việc lập kế hoạch điều trị nhằm tiêu diệt vi khuẩn và theo dõi sức khỏe định kỳ là rất cần thiết để phát hiện, can thiệp sớm nếu mắc bệnh.
4. Khi nào cần tiến hành điều trị?
Nhiễm vi khuẩn không nhất thiết phải dùng thuốc diệt, nhưng điều trị diệt HP sẽ được chỉ định trong các trường hợp sau đây:
- Diệt HP sẽ được chỉ định sau khi đã điều trị các bệnh như ung thư dạ dày, xuất huyết giảm tiểu cầu, thiếu máu do thiếu sắt, viêm và loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn gây ra. Nhờ đó, nguy cơ loét dạ dày dẫn đến thủng dạ dày và xuất huyết tiêu hóa sẽ được ngăn chặn.
- Ngoài ra, những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư dạ dày, như: cá nhân có tiền sử gia đình về ung thư, người mắc polyp dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày và những người thường xuyên dùng thuốc chống viêm giảm đau cũng được chỉ định điều trị.
Tỷ lệ kháng thuốc của vi khuẩn HP cao do việc lạm dụng thuốc điều trị. Vì vậy, người bệnh cần tuân theo một số quy tắc dưới đây khi điều trị:
- Không tự ý ngừng điều trị hoặc mua thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ, ngay cả khi thấy triệu chứng lâm sàng đã cải thiện. Thay vào đó, người bệnh hãy tuân thủ đúng liệu trình mà bác sĩ đã đưa ra về việc sử dụng thuốc.
- Trường hợp triệu chứng bệnh không giảm sút trong quá trình điều trị hoặc có dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần ngay lập tức báo cho bác sĩ điều trị để được tư vấn và thay đổi phác đồ điều trị nếu cần.
- Người bệnh cần phải thực hiện tái khám sau khi kết thúc liệu trình diệt HP để xác định xem vi khuẩn đã được tiêu diệt thành công hay chưa.
- Bệnh nhân có khả năng bị tái nhiễm nhiều chủng HP khác nhau. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh là rất cần thiết.
- Hạn chế việc ăn những món chua, cay, đồng thời cũng nên tránh uống bia, rượu, cà phê và hút thuốc lá.
Người bệnh không nên quá lo lắng về khả năng mắc ung thư dạ dày bởi điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý. Thực tế cho thấy, không phải mọi trường hợp nhiễm khuẩn đều dẫn đến ung thư. Do đó, người bệnh cần lập kế hoạch chăm sóc và theo dõi để sớm phát hiện những bất thường.
Sớm phát hiện vi khuẩn H. pylori sẽ giúp quá trình điều trị trở nên hiệu quả hơn. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, việc chẩn đoán vi khuẩn H. pylori được thực hiện thông qua test hơi thở sử dụng đồng vị carbon 13C. Thiết bị tiên tiến hàng đầu với 02 túi khí vừa đạt độ chính xác chẩn đoán rất cao (> 95%), vừa đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Người bệnh nên được khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa nếu có các triệu chứng bất thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.