Vi khuẩn HP có lây không và lây qua đường nào?

Vi khuẩn HP dạ dày có lây không là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Trên thực tế, nhiễm vi khuẩn HP là tình trạng phổ biến, dễ lây lan, có nguy cơ gây bệnh với biến chứng và tỉ lệ tái phát cao. Vì vậy, để ngăn chặn sự lây lan, việc duy trì vệ sinh cá nhân và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm là rất quan trọng.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Vi khuẩn HP dạ dày là gì?

Vi khuẩn HP, hay Helicobacter pylori, là vi khuẩn đặc biệt có khả năng sinh sống và phát triển trong môi trường axit khắc nghiệt của dạ dày. Nhờ sản sinh enzyme Urease để trung hòa axit, vi khuẩn HP tồn tại và gây ra các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng, điển hình là viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày.

Vi khuẩn HP có thể âm thầm gây tổn thương dạ dày trong nhiều năm, thậm chí mất đến 30 năm để biểu hiện triệu chứng. Không chỉ tồn tại trong dạ dày, vi khuẩn HP còn có thể được tìm thấy trong miệng (cao răng, nước bọt), thực quản, tá tràng, đại tràng và túi thừa Meckel, những nơi có dị sản dạ dày.  

Vi khuẩn HP là loài vi khuẩn duy nhất có thể tồn tại và phát triển trong môi trường axit đậm đặc của dạ dày. Trong môi trường tự nhiên, HP tồn tại ở dạng xoắn khuẩn và khuẩn cầu. Tuy nhiên, HP dạng xoắn chỉ sống sót trong nước một vài giờ, trong khi dạng cầu có thể tồn tại đến 1 năm.

Tình trạng nhiễm vi khuẩn HP thường không biểu hiện rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tuy nhiên, một số dấu hiệu phổ biến bao gồm: đau bụng vùng thượng vị, đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa. Nếu gặp những triệu chứng này, mọi người tốt nhất nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, việc thiếu hiểu biết về HP dạ dày có lây không và lây qua con đường nào khiến nhiều người mắc bệnh mà không hề hay biết.

2. HP dạ dày có lây không và lây qua đường nào?

Đối với thắc mắc HP dạ dày có lây không và lây qua đường nào, các chuyên gia cho biết. vi khuẩn HP có thể lây truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh qua ba con đường chính:

  • Đường miệng - miệng: Vi khuẩn HP có thể lây truyền qua nhiều con đường, phổ biến nhất là đường miệng - miệng do tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch tiết đường tiêu hóa của người bệnh.
  • Đường phân - miệng: Khi người nhiễm HP đi đại tiện, vi khuẩn sẽ theo phân ra ngoài môi trường. Do đó, thói quen ăn đồ sống, chưa nấu chín kỹ cũng làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP.
  • Các đường khác: Ngoài hai đường lây truyền chính là miệng - miệng và phân - miệng, vi khuẩn HP còn có thể lây truyền do khám chung dụng cụ y tế. Do đó, việc vệ sinh và tiệt trùng kỹ lưỡng các thiết bị y tế như ống nội soi dạ dày, dụng cụ soi tai mũi họng, dụng cụ nha khoa,... sau mỗi lần sử dụng cho các bệnh nhân khác nhau là hoạt động thiết yếu nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan vi khuẩn HP. 
HP dạ dày có lây không? Câu trả lời là có, phổ biến nhất là đường miệng - miệng do tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch tiết đường tiêu hóa của người bệnh.
HP dạ dày có lây không? Câu trả lời là có, phổ biến nhất là đường miệng - miệng do tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch tiết đường tiêu hóa của người bệnh.

3. Đối tượng dễ mắc phải

Mọi đối tượng đều có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) trong dạ dày. Người bệnh có thể lây truyền vi khuẩn cho nhiều người khác qua tiếp xúc gần gũi. Các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc phải nhất bao gồm:

  • Người có thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh: Ăn đồ tái sống, chưa nấu chín kỹ, thường xuyên ăn uống tại quán vỉa hè, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc đều làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP.
  • Sống chung với người bị nhiễm HP.
  • Trẻ em: Trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị lây nhiễm HP do thói quen hôn môi, mớm thức ăn của người lớn.
  • Người có hệ miễn dịch yếu: Hệ miễn dịch suy yếu khiến cơ thể khó chống lại vi khuẩn HP, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
  • Người có thói quen hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Những thói quen này có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tạo điều kiện cho vi khuẩn HP xâm nhập và gây viêm nhiễm.

4. Cách phòng ngừa

Sau khi tìm hiểu HP dạ dày có lây không, chắc hẳn mọi người đều cảm thấy lo sợ bản thân bị nhiễm bệnh. Do chưa có vắc xin phòng ngừa, việc bảo vệ bản thân khỏi vi khuẩn HP cần tập trung vào các biện pháp sau:

  • Ăn chín uống sôi: Đây là nguyên tắc cơ bản để tiêu diệt vi khuẩn trong thức ăn và nước uống.
  • Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn, chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Vệ sinh an toàn thực phẩm: Ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, hạn chế ăn quán vỉa hè, không ăn thức ăn ôi thiu. Chế biến thức ăn với nguồn nước sạch và dụng cụ sạch sẽ.
  • Bảo vệ bản thân khi sống chung với người bệnh HP: Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân, tránh lây nhiễm qua đường tiếp xúc trực tiếp.
  • Dinh dưỡng đầy đủ: Cung cấp đầy đủ carbohydrate, chất béo, protein, vitamin, khoáng chất và nước cho cơ thể.
  • Tập thể dục thường xuyên: Giúp tăng cường sức khỏe, thúc đẩy cơ thể thải độc, bao gồm cả vi khuẩn HP.
  • Giữ tinh thần thoải mái: Hạn chế căng thẳng, lo âu để bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa.
  • Thăm khám tiêu hóa định kỳ: Phát hiện sớm và điều trị kịp thời tình trạng nhiễm HP.
  • Áp dụng lối sống lành mạnh: Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, đồ ăn cay nóng để hỗ trợ điều trị hiệu quả, giảm đau và phòng ngừa biến chứng.

5. Viêm dạ dày HP dương tính có khả năng tái phát không?

Việc vi khuẩn HP tái phát khá phổ biến, thường xảy ra dưới hai hình thức:  

  • Tái nhiễm: Người bệnh đã điều trị thành công và khỏi hoàn toàn, sau đó lại nhiễm vi khuẩn HP mới.  
  • Tái phát: Sau khi sử dụng thuốc, số lượng vi khuẩn HP giảm xuống mức không thể phát hiện được, nhưng sau một thời gian, do một số nguyên nhân, vi khuẩn lại tăng lên và có thể được phát hiện qua các xét nghiệm.

Viêm dạ dày HP dương tính có lây không và có khả năng tái phát không thì câu trả lời đều là có. Nguyên nhân của việc tái phát viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP có thể là do người bệnh không tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, hoặc có lối sống không lành mạnh và không khoa học.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe