Vẹo cột sống là tình trạng cột sống có đường cong bất thường, có thể khiến người bệnh bị đau và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt. Trong đó, bệnh vẹo cột sống trẻ em khá phổ biến và là mối quan tâm của nhiều bậc phụ huynh.
1. Như thế nào là vẹo cột sống?
Trên mặt phẳng đối xứng dọc, cột sống của chúng ta không hoàn toàn nằm ở tư thế thẳng đứng, mà có một số đoạn cong sinh lý. Ở tư thế đứng thẳng, nếu nhìn từ sau về trước, cột sống từ trên xuống là một đường thẳng.
Nếu nhìn ở mặt bên từ trái qua phải (hoặc từ phải qua trái), cột sống của chúng ta có hai đoạn cong uốn về phía trước là đoạn cột sống cổ và cột sống thắt lưng, hai đoạn cong uốn về phía sau là cột sống ngực và vùng cùng – cụt. Quá trình hình thành các đoạn cong của cột sống diễn ra sau khi sinh.
Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong bất thường. Những người bị vẹo cột sống phát triển các đường cong về một hoặc hai bên của cơ thể và xương cột sống xoắn vào nhau, tạo thành một đường cong hình chữ C hoặc S.
Vẹo cột sống có các mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng, được phân loại như sau:
- Nhẹ là từ 10-20 độ
- Trung bình là từ 20-50 độ
- Nghiêm trọng là khi độ vẹo lớn hơn 50 độ.
Vẹo cột sống phổ biến ở trẻ gái gấp hai lần so với trẻ trai và xảy ra chủ yếu ở thanh thiếu niên trên 10 tuổi.
2. Nguyên nhân gây vẹo cột sống là gì?
Vẹo cột sống là tình trạng gây ảnh hưởng đến khoảng 2% nữ và 0,5% nam. Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây vẹo cột sống là không rõ (được gọi là vẹo cột sống vô căn), chiếm đến 80% bệnh nhân vẹo cột sống.
Có thể phân chia vẹo cột sống thành 3 loại như sau:
- Vẹo cột sống không cấu trúc: Là tình trạng cột sống bị vẹo nhưng không làm biến đổi cấu trúc và làm xoay các đốt sống. Nguyên nhân do một chân ngắn hơn chân kia, thói quen khi ngồi, hay do mang vác nặng gây ra trọng lượng không đồng đều hoặc do co thắt cơ ở lưng.
- Thần kinh cơ: Là tình trạng gặp phải vấn đề khi xương cột sống được hình thành. Xương cột sống không hoàn thiện hoặc chúng không thể tách rời nhau trong quá trình phát triển của thai nhi. Loại vẹo cột sống bẩm sinh này phát triển ở những đứa trẻ mắc các rối loạn như dị tật bẩm sinh, loạn dưỡng cơ, bại não hoặc hội chứng Marfan (một bệnh mô liên kết di truyền). Những đứa trẻ mắc các bệnh này thường phát triển một đường cong hình chữ C dài và có cơ bắp yếu không thể giữ chúng thẳng lên.
- Thoái hóa: Không giống như các bệnh cong vẹo cột sống ở lứa tuổi học sinh, tình trạng vẹo cột sống thoái hóa xảy ra ở người lớn tuổi. Nguyên nhân là do những thay đổi trong cột sống do viêm khớp làm suy yếu dây chằng bình thường và các mô mềm khác của cột sống kết hợp với gai xương bất thường có thể dẫn đến tình trạng cột sống bị cong. Cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng loãng xương, gãy xương đốt sống và thoái hóa đĩa đệm.
Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân tiềm tàng khác gây vẹo cột sống, bao gồm các khối u cột sống như u xương khớp. Đây là một khối u lành tính có thể xảy ra ở cột sống và gây đau, cơn đau khiến bạn phải nghiêng sang phía đối diện để giảm lượng áp lực tác động lên khối u. Từ đó có thể dẫn đến biến dạng cột sống.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố di truyền (di truyền), rối loạn cơ và/hoặc chuyển hóa fibrillin bất thường có thể đóng vai trò gây ra bệnh hoặc góp phần vào sự phát triển vẹo cột sống.
Các yếu tố rủi ro khiến vẹo cột sống gồm có:
- Tuổi tác: Các dấu hiệu và triệu chứng vẹo cột sống thường bắt đầu trong giai đoạn tăng trưởng xảy ra ngay trước tuổi dậy thì.
- Giới tính: Mặc dù cả bé trai và bé gái đều có thể mắc chứng vẹo cột sống nhẹ với tỷ lệ như nhau, nhưng bé gái có nguy cơ đường cong xấu đi cao hơn và cần phải điều trị.
- Tiền sử gia đình: Vẹo cột sống có thể di truyền trong các gia đình.
3. Triệu chứng vẹo cột sống trẻ em
Sự thay đổi đường cong của cột sống thường diễn ra rất chậm nên rất dễ bị bỏ sót cho đến khi nó trở thành một biến dạng nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng vẹo cột sống trẻ em bao gồm:
- Vẹo cột sống khiến cho đầu của trẻ bị cúi về phía trước hoặc nghiêng sang một bên, một bên hông hoặc vai cao hơn so với bên đối diện.
- Nếu vẹo cột sống nghiêm trọng hơn, tình trạng này có thể gây khó khăn hơn cho tim và phổi hoạt động bình thường. Từ đó có thể gây khó thở và đau ngực.
- Trong hầu hết các trường hợp, vẹo cột sống học đường ở trẻ không gây đau, nhưng có một số loại vẹo cột sống hơn có thể gây đau lưng, đau xương sườn, đau cổ, co thắt cơ và đau bụng.
4. Phương pháp chẩn đoán vẹo cột sống ở trẻ
Để chẩn đoán vẹo cột sống ở trẻ, bác sĩ sẽ quan sát đường cong của cột sống từ hai bên, phía trước và phía sau. Bạn sẽ được yêu cầu cởi áo để hở từ thắt lưng trở lên nhằm nhìn rõ bất kỳ đường cong bất thường nào, dị dạng hoặc vòng eo không đều.
Bạn cũng sẽ được yêu cầu cúi xuống để cố gắng chạm tay vào ngón chân. Tư thế này có thể làm cho đường cong bộc lộ rõ ràng hơn. Bác sĩ cũng sẽ nhìn vào sự đối xứng của cơ thể để xem hông hoặc vai hai bên có cùng chiều cao, nghiêng sang một bên hay không.
Sau khi thăm khám xong, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như;
- Chụp X-quang: Vị trí chụp từ phía trước ở tư thế đứng để đo sự thẳng hàng, độ cong và sự cân đối của các phân đoạn cột sống, xương chậu và hông.
- Chụp MRI hoặc CT: Nếu bác sĩ tìm thấy bất kỳ thay đổi bất thường nào trong chức năng của dây thần kinh có thể yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh khác về cột sống bao gồm chụp MRI hoặc CT để xem xét kỹ hơn về những thay đổi của xương và dây thần kinh của cột sống.
5. Điều trị cong vẹo cột sống trẻ em như thế nào?
Điều trị cong vẹo cột sống trẻ em thường sử dụng các biện pháp sau đây:
- Thuốc: Để giảm cơn đau liên quan đến tình trạng vẹo cột sống, thuốc giảm đau là giải pháp đầu tiên áp dụng. Bạn nên đi đến các địa chỉ khám uy tín về xương khớp để được tư vấn cụ thể và kê đơn thuốc phù hợp.
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục có thể làm giảm các cơn đau do chèn ép cột sống gây ra, nhất là các động tác kéo cơ và kéo dài lưng. Đồng thời khi bạn vận động sẽ giúp duy trì một cơ thể khỏe mạnh, chống vẹo cột sống.
- Tiêm thuốc vào cột sống: Đây cũng là một phương pháp giúp làm giảm đau khi các dây thần kinh ở cột sống bị chèn ép. Người bệnh sẽ được tiêm thuốc steroid và gây tê cục bộ trực tiếp vào vùng lưng để giảm đau trong một vài tuần hoặc vài tháng.
- Áo nẹp chỉnh hình: Nẹp cột sống là phương pháp điều trị vẹo cột sống được ưa chuộng nhất hiện nay và thay thế được cho phẫu thuật, giúp ổn định cấu trúc ống sống và giảm đau bằng cách hỗ trợ từ bên ngoài. Mục đích của phương pháp này là ngăn chặn sự tiến triển và làm cải thiện độ vẹo cột sống (sửa được khoảng 50%). Thời gian mang nẹp từ 16 - 23 giờ/ngày, đeo liên tục cho tới 2 năm sau khi có kinh hay Risser 4 – 5 mang thêm trong 1-2 năm.
- Phẫu thuật: Phương pháp điều trị này được chỉ định cho trường hợp vẹo cột sống lớn hơn 50 độ, điều trị bằng áo nẹp chỉnh hình không hiệu quả. Mục đích phẫu thuật là: Nắn chỉnh cột sống thẳng hết mức trong an toàn; giữ thăng bằng cho thân và khung chậu; duy trì nắn sửa bằng hàn xương; các phương pháp phẫu thuật được chỉ định; đặt dụng cụ lối sau và hàn sau; đặt dụng cụ lối trước và hàn trước; hàn trước kết hợp với đặt dụng cụ lối sau và hàn xương; tạo hình lồng ngực. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ sử dụng các kỹ thuật như cắt bỏ một phần xương trong đốt sống hay đĩa đệm, hợp nhất hai hoặc nhiều đốt sống với nhau để giảm áp lực lên dây thần kinh.
Sự thay đổi đường cong của cột sống thường diễn ra rất chậm nên dễ bị bỏ sót cho đến khi nó trở thành một biến dạng nghiêm trọng hơn. Do đó, khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu cong vẹo cột sống, phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.