Buồn nôn sau ăn là cảm giác cực kỳ khó chịu nhưng lại tương đối phổ biến mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Buồn nôn không chỉ là dấu hiệu của các bệnh lý đường tiêu hoá mà còn có thể là triệu chứng mang thai ở phụ nữ hoặc thậm chí gợi ý các bệnh thần kinh, tim mạch khác. Vậy bị buồn nôn sau khi ăn cần chú ý những gì?
1. Ăn vào buồn nôn là triệu chứng gì?
Buồn nôn là loại cảm giác có thể xảy ra tự nhiên khi ăn thức ăn lạ, có mùi hoặc say tàu xe, cảm lạnh. Tuy nhiên trong một số trường hợp buồn nôn nghiêm trọng có thể đến từ các nguyên nhân khó xác định mà người bệnh không hề hay biết như:
- Do stress- căng thẳng: Khi căng thẳng quá mức, tâm trọng nôn nao và không ổn định có thể khiến cơ thể con người thay đổi, sản sinh adrenaline gây ra buồn nôn
- Do rối loạn tiền đình: Bệnh nhân thường buồn nôn, chóng mặt khi thay đổi tư thế, mất thăng bằng, ù tai hoặc rung giật nhãn cầu.
- Do biến chứng bệnh đái tháo đường: Buồn nôn cũng có thể là biểu hiện của đái tháo đường type 1. Do cơ thể không sản sinh ra đủ insulin và dẫn tới tế bào thiếu hụt đường để phát triển từ đó mà lượng ceton tăng lên trong máu và nước tiểu gây nhiễm ceton làm người bệnh buồn nôn.
- Do suy thượng thận: là nguyên nhân nguy hiểm gây ra tình trạng buồn nôn sau ăn kèm tiêu chảy, sụt cân và hạ huyết áp. Nếu người bệnh có các dấu hiệu trên thì cần đến ngay bác sĩ để thăm khám và điều trị sớm.
- Do nhồi máu cơ tim: Buồn nôn kèm đau thượng vị, khó thở có thể là biểu hiện sớm của nhồi máu cơ tim, cần nghĩ tới nguyên nhân này khi người bệnh buồn nôn mà không tìm được lý do rõ ràng
- Trào ngược dạ dày, thực quản: buồn nôn sau ăn kèm ợ nóng là dấu hiệu điển hình của trào ngược dạ dày thực quản. Khi axit dạ dày cùng thức ăn trong bụng trào ngược lên thực quản sẽ dễ tạo cảm giác buồn nôn cho người bệnh
- Viêm loét dạ dày- tá tràng: Người bệnh có thể buồn nôn sau ăn, ợ nóng, bỏng rát thượng vị. Bệnh nhân nên nội soi dạ dày, xét nghiệm máu và sinh hoá cũng như thử nghiệm các kháng thể chống virus HP gây ra bệnh lý viêm loét dạ dày để có hướng điều trị phù hợp.
- Buồn nôn do thuốc: Các thuốc điều trị đái tháo đường, thuốc kháng sinh, thuốc hạ áp, thuốc chống trầm cảm khi sử dụng đều có thể gây ra cảm giác buồn nôn, khó chịu. Nhất là các loại thuốc giảm đau tác dụng lên dạ dày hoặc có khả năng gây viêm loét dạ dày.
- Do bệnh lý đường mật: viêm túi mật có thể xảy ra khi người bệnh ăn quá nhiều dầu mỡ, cơn đau do sỏi túi mật có thể sinh ra kèm với buồn nôn tương đối phổ biến
- Ngộ độc thức ăn: Là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng đau bụng dữ dội kèm buồn nôn sau ăn. Lúc này đường tiêu hoá bị viêm nhiễm do các tác nhân thức ăn không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân chính gây ra triệu chứng nôn ói.
- Do thai nghén: Triệu chứng buồn nôn sau khi ăn cũng có thể triệu chứng của thai nghén, phụ nữ nên để ý tới các triệu chứng đi kèm như mất kinh nguyệt, ăn uống kém, ói mửa đều là các phản ứng thai nghén trong giai đoạn đầu.
Một đối tượng khác cũng cần sự đánh giá riêng biệt với triệu chứng ăn vào nôn ra ở trẻ bắt nguồn từ 2 nhóm nguyên nhân sau:
Nôn trớ không phải bệnh lý:
- Có những trường hợp trẻ nôn sau ăn không phải do bệnh lý mà do tư thế cho ăn chưa đúng hoặc chế độ dinh dưỡng không phù hợp
- Cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế khi cơ thể trẻ tím tái, vấn đề hô hấp khó khăn, nôn ói kèm máu hoặc có các dịch xanh, vàng, trẻ ho kéo dài hoặc thờ khò khè, tăng cân chậm
Nôn do bệnh lý:
- Do virus, vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm, tổn thương dạ dày
- Thực phẩm trẻ sử dụng không đảm bảo, không rõ nguồn gốc, sơ chế không kỹ
- Nhiễm trùng đường tiêu hoá, tắc ruột, hẹp phì đại môn vị,...
- Trẻ bị ho, cảm hoặc nhiễm trùng hệ hô hấp như viêm amidan, viêm họng,...
2. Khi nào biểu hiện nôn sau ăn cần đi khám bác sĩ?
Triệu chứng buồn nôn sau ăn là tương đối phổ biến, có thể không do bệnh lý nguy hiểm khiến người bệnh chủ quan. Tuy nhiên khi buồn nôn kèm với một số triệu chứng sau thì người bệnh cần đến khám tại các trung tâm y tế càng sớm càng tốt:
- Tức ngực và đau bụng
- Nôn ra dịch cà phê hoặc nôn ra máu
- Sốt cao, nổi ban
- Đau đầu hoặc mỏi cổ, đau cổ
- Mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ dài ngày
- Dấu hiệu mất nước: mệt mỏi, lờ đờ, môi khô, tiểu ít, chuột rút, mắt trũng,...
- Đi cầu ra máu hoặc đi cầu ra chất màu giống nước trà
3. Cải thiện triệu chứng nôn sau ăn như thế nào?
Triệu chứng buồn nôn sau ăn có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Vì vậy nếu không có các triệu chứng khác đi kèm bạn có thể tham khảo một số phương pháp nhằm cải thiện triệu chứng này như sau:
Dùng các loại thảo dược tự nhiên:
- Ngậm vài lát gừng
- Ngửi vỏ chanh hoặc lá chanh
- Xông tinh dầu bạc hà hoặc ngửi lá bạc hà
Điều chỉnh lối sống:
- Ăn uống điều độ, hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm
- Nên ăn đồ mềm, dễ tiêu hoá
- Tránh ăn đồ lạ, tránh ăn đồ chua cay
- Ăn chín uống sôi
- Ăn nhiều bữa nhỏ, không cố ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn
- Lựa chọn kỹ lượng các loại thực phẩm, tránh các loại đã có phản ứng dị ứng với cơ thể từ trước.
- Tập thể dục thường xuyên và uống đủ nước mỗi ngày
Đối với trẻ em:
- Giữ cho trẻ thói quen nằm đúng tư thế, kê đầu và thân cao hơn phần thân dưới khi ăn
- Khi trẻ nôn lượng lớn sữa và thức ăn cần nhanh chóng cho trẻ nằm nghiêng về một phía để không cho dịch tràn vào phổi, tránh nôn sặc
- Không cho trẻ bú quá no, chia làm nhiều lần trong ngày và cho trẻ bú từ từ
- Sau khi trẻ bú đủ lượng sữa, có thể bế trẻ lên hoặc vỗ nhẹ tay trên lưng nhằm giúp trẻ ợ hơi, không nên cho trẻ nằm ngay.
- Nếu trẻ bú bình, nên giữ cho sữa luôn ngập miệng bình khi bú để tránh bú hơi gây nôn ói.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.