Vàng da do gan chưa trưởng thành ở trẻ sinh non

Bài viết bởi Bác sĩ Ngô Văn Dần - Bác sĩ Sơ Sinh - Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Vàng da là căn bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt với các trẻ sinh non sẽ thường gặp hơn do gan chưa trưởng thành và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của nó. Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, trẻ có thể gặp nguy hiểm. Do đó cần theo dõi sát sao bệnh vàng da ở trẻ sinh non.

1. Trẻ thế nào được coi là sinh non?

Sinh non là khi trẻ sơ sinh chào đời sớm hơn ngày dự kiến sinh, cụ thể được tính từ tuần thứ 22 đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Theo đó, tuổi thai của trẻ sinh non được phân loại như sau:

  • Sinh non muộn: từ tuần 34 đến 36 tuần 6 ngày
  • Sinh non vừa: từ 32 đến < 34 tuần
  • Sinh rất non: ≤ 32 tuần
  • Sinh cực non: < 28 tuần

Phân loại trẻ sinh non theo cân nặng

  • Cân nặng < 2500gr: nhẹ cân
  • Cân nặng 1000-1500gr: rất nhẹ cân
  • Cân nặng < 1000gr: cực nhẹ cân

Các cơ quan trong cơ thể ở trẻ sinh non đều chưa phát triển hoàn chỉnh, vì thế sức đề kháng kém hơn trẻ đủ tháng. Trẻ sinh non sẽ có nhiều nguy cơ như: suy hô hấp, nhiễm khuẩn, viêm ruột hoại tử, bệnh võng mạc, bệnh phổi mạn,... Do vậy, cần đặc biệt chú ý trong quá trình chăm sóc trong quá trình nằm viện cũng như tại nhà.


Trẻ sinh non thường có hệ miễn dịch yếu và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe
Trẻ sinh non thường có hệ miễn dịch yếu và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe

2. Tại sao trẻ sinh non bị vàng da?

Vàng da là hiện tượng hay gặp ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân chính là do hồng cầu của trẻ sơ sinh nhiều hơn và có đời sống ngắn hơn hồng cầu của người trưởng thành. Vì thế, có một số lượng lớn hồng cầu già bị thoái hóa trở thành bilirubin (chất gây vàng da) lưu hành trong máu. Thông thường, bilirubin sẽ được chuyển hóa ở gan rồi được thải qua mật, xuống ruột và bài tiết qua phân. Nhưng ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non chức năng gan còn kém nên không thể đào thải hết lượng bilirubin được và gây ra hiện tượng vàng da.

Trẻ sinh non có nguy cơ vàng da sớm, nhiều và kéo dài hơn so với trẻ đủ tháng là do:

  • Chức năng gan của trẻ sinh non kém hơn.
  • Hệ tiêu hóa chưa trưởng thành nên lượng sữa ăn ít hơn, nhu động ruột kém làm quá trình đào thải bilirubin chậm hơn.

Ngoài ra, một số trẻ sinh non có hiện tượng đa hồng cầu (nhiều hồng cầu hơn bình thường) làm gia tăng lượng bilirubin.


Việc không đào thải được bilirubin cũng là nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sinh non
Việc không đào thải được bilirubin cũng là nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sinh non

3. Vàng da do gan chưa trưởng thành ở trẻ sinh non có nguy hiểm không?

Bệnh vàng da chỉ nguy hiểm khi bệnh trở nặng và xảy ra sớm không được phát hiện, xử trí kịp thời. Do vậy, trẻ sinh non cần được theo dõi sát vấn đề vàng da và chú ý một số điều sau đây:

  • Thời điểm xuất hiện vàng da: Thời gian xuất hiện càng sớm thì nguy cơ vàng da càng nhiều, kéo dài.
  • Tuổi thai của bé: Tuổi thai càng bé thì chỉ định điều trị càng sớm hơn vì nguy cơ vàng da nhân não cao hơn.
  • Mức độ vàng da: Tùy thuộc mức độ sẽ quyết định chỉ định điều trị chiếu đèn, thay máu.

Trẻ bị vàng da kèm suy hô hấp cần được theo dõi để tránh xảy ra biến chứng
Trẻ bị vàng da kèm suy hô hấp cần được theo dõi để tránh xảy ra biến chứng

  • Ngày tuổi: Thời điểm điều trị thường trong 1-2 tuần đầu sau sinh vì lúc này hàng rào máu-não (bảo vệ não bởi bilirubin tự do) chưa hoàn thiện nên dễ bị bilirubin xâm nhập khi lượng bilirubin tự do nhiều.

Các bệnh lý khác kèm theo như: suy hô hấp, nhiễm khuẩn, nhiễm toan,... những trường hợp này có thể phải điều trị sớm hơn vì trẻ có nguy cơ tổn thương hàng rào máu não.

4. Cách chăm sóc trẻ sinh non khi bị vàng da

Khi trẻ sinh non bị vàng da thì bố mẹ cần chú ý chăm sóc đặc biệt như sau:

  • Cho bé bú tăng cường và thường xuyên hơn để làm tăng khả năng đào thải. Nếu bé điều trị tại bệnh viện thì bác sĩ có thể truyền thêm dịch, cho ăn qua sonde dạ dày để đảm bảo lượng ăn phù hợp.
  • Nằm chỗ ánh sáng tự nhiên: Việc làm này có tác dụng làm tăng quá trình đào thải vàng da. Trong trường hợp vàng da mức độ trung bình trở lên có chỉ định điều trị chiếu đèn thì bé cần được điều trị sớm.

Cho trẻ bú sữa mẹ giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng đào thải
Cho trẻ bú sữa mẹ giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng đào thải

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần thường xuyên theo dõi tình trạng vàng da của trẻ, quan sát màu sắc vàng da dưới ánh sáng tự nhiên. Nếu cảm thấy khó nhận biết thì có thể áp dụng bằng cách ấn nhẹ ngón tay cái của trẻ vào vùng da phía trong của đùi, giữ vài giây rồi buông ra. Nếu thấy ngón tay có màu vàng thì trẻ bị vàng da. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị. Tránh những biến chứng không đáng có thể xảy ra.

Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh, trong đó có vàng da. Tại Vinmec được trang bị hệ thống chiếu đèn an toàn, dễ thực hiện, trẻ vẫn được bú mẹ khi phải chiếu đèn, có thể kết hợp thêm truyền Glucose10%. Có nhiều loại đèn chiếu phù hợp cho từng đối tượng vàng da cần chiếu đèn: Đèn dạng nôi (trẻ nằm trực tiếp lên trên, dạng đèn kép chiếu trên dưới (dùng trong các trường hợp cần chiếu đèn tích cực), đèn dạng chăn, túi quấn quanh người trẻ (rất thuận tiện cho mẹ khi chăm sóc bé: vừa bế lên được để cho bú, vừa chiếu đèn).

Nếu như điều trị trẻ vàng da nặng khi chiếu đèn không hiệu quả hay trẻ bị vàng da nặng đến muộn, có nồng độ bilirubin trong máu quá cao, bác sĩ sẽ có chỉ định sử dụng biện pháp thay máu là biện pháp cuối cùng. Khi thay máu ta có thể lấy được nhanh bilirubin đang lưu hành trong lòng mạch, dẫn đến giảm bilirubin trong máu và nhờ đó cũng giảm được bilirubin ở ngoài tổ chức.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Phân biệt vàng da sơ sinh sinh lý và vàng da bệnh lý

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe