Vẩn đục dịch kính: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Bác sĩ Mắt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Vẩn đục dịch kính là tình trạng có nhiều hình ảnh lơ lửng nhiều hình dạng trong tầm mắt của người mắc bệnh. Vẩn đục dịch kính gây ra những khó chịu, ảnh hưởng tới tầm nhìn nhưng thường lành tính. Việc điều trị vẩn đục dịch kính tùy thuộc vào tình trạng đục dịch kính và nguyên nhân gây bệnh vẩn đục dịch kính.

1. Vẩn đục dịch kính là gì?

Dịch kính có cấu tạo chủ yếu là các collagen sắp xếp theo nhiều hướng khác nhau, lấp đầy giữa các khoảng trống là nước, trong suốt nằm ngay sau thủy tinh thể và trước võng mạc, chiếm đến 80% thể tích của nhãn cầu. Chức năng của dịch kính là cho các tia sáng từ ngoài vào đáy mắt, cung cấp dinh dưỡng cho thủy tinh thểvõng mạc, duy trì áp lực ở trong mắt để võng mạc không bị bong rách và giúp thấu kính tập trung hình ảnh rõ nét hơn trên võng mạc.

Vẩn đục dịch kính là tình trạng lắng đọng hoặc ngưng tụ trong dịch kính, phần lắng đọng này nằm lơ lửng trong dịch kính làm cho người bị bệnh thấy các hình ảnh trôi nổi trong mắt. Những vật này sẽ di chuyển theo động tác của mắt và có xu hướng rơi xuống vùng thấp nên sẽ rõ hơn khi nằm.

Vẩn đục dịch kính thường gặp và phần lớn không gây nguy cơ biến chứng gì cho mắt. Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng bệnh nhân thường cảm thấy khó chịu, đặc biệt trong những trường hợp nặng khi vẩn đục dịch kính di chuyển không ngừng trong thị trường, một số trường hợp có thể gây ra biến chứng rách, bong võng mạc ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực.


Hình ảnh mô tả tình trạng vẩn đục dịch kính ở mắt
Hình ảnh mô tả tình trạng vẩn đục dịch kính ở mắt

2. Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây vẩn đục dịch kính

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây vẩn đục dịch kính. Tất cả các tổn thương từ bên ngoài đi vào dịch kính đều có thể gây ra vẩn đục dịch kính gồm:

Thoái hóa dịch kính: Đây là nguyên nhân hay gặp nhất, theo thời gian, cấu trúc dịch kính trở nên lỏng lẻo hơn, các sợi collagen tách khỏi khối gel, chúng tụ lại thành từng đám làm xuất hiện vẩn đục dịch kính. Do dịch kính có thành phần bao gồm 99% là nước và 1% là collagen và axit hyaluronic. Axit hyaluronic có tác dụng tạo ra bộ khung giữ nước trong dịch kính, khi chất này bị khử do lão hóa sẽ dẫn đến hóa lỏng dịch kính.

Rách và bong võng mạc: Rách và bong võng mạc có thể là nguyên nhân gây xuất huyết vào dịch kính dẫn đến vẩn đục. Cũng có thể là biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới thị lực của tình trạng thoái hóa dịch kính.

Viêm màng bồ đào: Đây cũng là nguyên nhân gây ra vẩn đục dịch kính, viêm màng bồ đào có thể là nhiễm khuẩn hay vô khuẩn.

● Xuất huyết: Tình trạng xuất huyết vào dịch kính có thể do chấn thương hay do các mạch máu bất thường.

Các yếu tố nguy cơ để phát triển vẩn đục dịch kính là gì?

● Tuổi cao là một yếu tố nguy cơ đáng kể cho sự phát triển của tình trạng vẩn đục dịch kính. Thường thì những người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao.

● Bệnh tiểu đường, sẽ gây ra vẩn đục dịch kính do bệnh võng mạc tiểu đường.

Cận thị là một yếu tố nguy cơ thường xảy ra với những người trẻ.

Chấn thương mắt.

● Sau phẫu thuật đục thủy tinh thể.


Bệnh lý tiểu đường có thể gây ra tình trạng vẩn đục dịch kính ở người bệnh
Bệnh lý tiểu đường có thể gây ra tình trạng vẩn đục dịch kính ở người bệnh

3. Triệu chứng vẩn đục dịch kính

Các triệu chứng thường gặp của vẩn đục dịch kính bao gồm:

Tầm nhìn xuất hiện các vết dạng hạt, dây, chấm tròn có màu đen hoặc xám như các vật chất trôi nổi. Những vật trôi nổi này có đặc điểm:

  • Những điểm trôi nổi di chuyển khi chúng ta thay đổi hướng nhìn, nếu cố gắng để nhìn chúng, chúng sẽ di chuyển nhanh ra khỏi tầm nhìn.
  • Những vệt đen này sẽ dễ nhận thấy nhất khi nhìn vào một nền sáng trống, chẳng hạn như bầu trời màu xanh, một bức tường trắng hoặc bầu trời sáng vì khi đó đồng tử co lại làm cho các vẩn đục rõ nét và dễ nhận ra hơn.
  • Khi nằm các vẩn đục này có xu hướng chìm xuống phía dưới mắt, rơi về gần hoàng điểm nên nhìn dễ hơn.
  • Những điểm này gọi là vật trôi nổi vì chúng thường lơ lửng và có xu hướng di chuyển theo trọng lực. Chúng có xu hướng biến mất khi tập trung nhìn vào chúng. Một khi thấy được, chúng thường không di chuyển. Bệnh này thường không mất đi nhưng sẽ giảm dần theo thời gian.

Ngoài ra còn có thể xuất hiện các triệu chứng như mắt bị chớp sáng, giảm thị lực ngoại biên, thị lực hình ống.

4. Phương pháp điều trị vẩn đục dịch kính

Vẩn đục dịch kính không phải tình trạng nguy hiểm nhưng có thể gây ra những khó chịu ảnh hưởng tới tầm nhìn. Đa số các trường hợp lành tính được bác sĩ khuyên tập làm quen với những ảnh hưởng của bệnh bởi hiện nay chưa có phương pháp điều trị nào được chứng minh là an toàn khi điều trị và khi phẫu thuật cần cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro.

Nếu vẩn đục dịch kính ảnh hưởng tới thị lực, gây ra các biến chứng thì được chỉ định điều trị:

Phẫu thuật hút bỏ dịch kính: Phương pháp nhằm loại bỏ dịch kính bị vẩn đục và thay thế bằng một dung dịch trong suốt có tác dụng tương tự. Tuy nhiên, phương pháp này ít được chỉ định do có thể gây ra một số biến chứng như dịch kính loãng, bong võng mạc, đục thủy tinh thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực...

Dùng tia laser để phá vỡ các đốm đen: Là phương pháp sử dụng năng lượng cao của chùm tia laser để phá vỡ vùng dịch kính bị đục. Phương pháp này đơn giản và an toàn hơn phương pháp phẫu thuật, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu sâu chứng minh hiệu quả điều trị, mức độ an toàn mà nó mang lại.


Hình ảnh mô tả phương pháp sử dụng tia laser loại bỏ vẩn đục dịch kính
Hình ảnh mô tả phương pháp sử dụng tia laser loại bỏ vẩn đục dịch kính

Khi có tình trạng vẩn đục dịch kính, người bệnh nên đi khám để biết tình trạng bệnh và phương hướng điều trị phù hợp. Việc tập thói quen chung sống với tình trạng này được khuyên ở những người mắc bệnh nhẹ và chủ yếu do thoái hóa dịch kính gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe